Những em bé tí hon trong hành trình vượt cửa tử
Em bé sinh non chỉ bằng nắm tay, nặng hơn 500… Mỗi bữa, bé ăn sữa tính bằng giọt, lượng thuốc đưa vào chỉ một vài miligam, đùi chỉ bằng ngón tay, người cha nhìn con… không dám bế!
…Những em bé tí hon còn chưa hoàn thiện các chức năng đang được nuôi dưỡng tại Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phải trải qua nhiều lần sinh, tử để giành giật sự sống. Có những bé đã vượt qua "vũ môn" một cách thần kỳ, trở về bên gia đình Tết vừa qua.
Giành giật sự sống
Đến Khoa Sơ sinh - Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vào ngày cận kề Tết Nguyên đán, chứng kiến hàng chục em bé non tháng đang chiến đấu giành giật sự sống, bên cạnh là các bác sĩ và điều dưỡng theo dõi, chăm sóc, chúng tôi mới thấy, cuộc chiến này gian nan và hồi hộp biết nhường nào. Ngay cửa Khoa Sơ sinh là "Cây Điều ước" chứa ngàn vạn lời cầu nguyện của các bậc cha mẹ, các anh chị của bé mong người thân của mình vượt qua lằn ranh sinh tử, khỏe mạnh lớn lên.
Trong phòng bệnh, một em bé non tháng đang ngủ, thở oxy, thỉnh thoảng bé tỉnh dậy cựa quậy. Theo các bác sĩ, đây là em bé sinh non và mắc các bệnh kèm theo nặng nhất, cũng nằm tại khoa lâu nhất - 3 tháng. Rất nhiều lần các bác sĩ chẩn bị làm giấy "báo tử" cho gia đình, nhưng sức sống của bé thật kiên cường, trải qua biết bao lần bên bờ sinh - tử, bé đã hồi sinh vô cùng ngoạn mục.
Theo lời kể của bác sĩ (BS) Nguyễn Ngọc Bình, bé T.T.T (Hà Nội) chào đời vào tháng 9/2022, nặng 800g nhưng các cơ quan chưa trưởng thành, khả năng thích nghi với môi trường kém, hô hấp kém, bé bị nhiễm khuẩn rất nặng. Suốt 1 tháng đầu sau sinh, bé nằm Phòng Hồi sức tích cực, phải thở máy nhiều lần và trải qua nhiều vòng tuần hoàn nguy kịch, liên tục cai máy, rồi lại đặt thở máy.
Nhớ lại hành trình bên bờ sinh tử trong suốt 3 tháng bé nằm viện, BS Bình cho biết, do hệ miễn dịch kém, bé T bị nhiễm khuẩn máu nặng. Đang ở giai đoạn chỉ thở CPAP, bé có tình trạng sốc nhiễm khuẩn khiến các bác sĩ phải đặt ống nội khí quản, dùng thuốc vận mạch hỗ trợ và dùng kháng sinh mạch để xử lý sốc nhiễm trùng, cân bằng nội mô trong cơ thể.
Đây là bệnh nhân tí hon mà các bác sĩ và điều dưỡng đặt nhiều tâm huyết nhất, bởi sau khi điều trị tích cực, cháu bé may mắn thoát tình trạng sốc, đáp ứng kháng sinh tốt, ra được máy thở và thở CPAP lại. "May mắn cho cháu bé tình trạng cải thiện dần. Giờ đây cháu đã được hơn 3kg, đang thở oxy, ăn được; các cơ quan khác đã phát triển tốt, chỉ còn phổi sẽ tiến triển thành phổi mạn do đẻ non", BS Bình cho biết.
"Sốc ở sơ sinh điều trị rất khó vì những lượng thuốc đưa vào cháu bé cần chi tiết tỉ mỉ đến từng miligam, bảo đảm an toàn cho cháu bé vì lúc này chức năng các cơ quan của trẻ kém. Bé có giai đoạn hoàn toàn phụ thuộc máy thở, dùng thuốc vận mạnh liều cao, khả năng đáp ứng rất chậm, toan chuyển hóa nặng, sốc mất bù… Chúng tôi đã từng nghĩ bé không thể qua khỏi được", BS Bình chia sẻ.
Để nuôi dưỡng chú bé tí hon được hơn 3kg, giúp bé vượt qua cửa ải khó khăn nhất, không thể kể hết những khó khăn của các bác sĩ và điều dưỡng trong giai đoạn hồi sức cho bé. "Cho bé ăn rất kỳ công, phải đặt đường truyền nuôi dưỡng qua tĩnh mạch dài ngày. Giai đoạn tập ăn, phải cho ăn nhỏ giọt ít một xem bé có dung nạp sữa không? Vấn đề tồn tại nhiều nhất ở trẻ sơ sinh non tháng là nhiễm khuẩn vì hệ miễn dịch kém, nên đa số các cháu khi qua giai đoạn hô hấp sẽ là nhiễm khuẩn. Đây là thời điểm nguy hiểm nhất. Đa số các cháu không qua được giai đoạn này do nhiễm trùng máu, viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn bệnh viện. Các y, bác sĩ phải chăm sóc kỹ từ vệ sinh tay chân cẩn thận, quần áo, trang phục, tai nghe… phải sát khuẩn trước khi thăm khám cho cháu bé", BS Bình cho biết.
Từ một em bé tưởng chừng không qua khỏi, giờ đây bé đã được mẹ ấp Kangaroo, sức khỏe tiến triển từng ngày, mong mỏi được về đoàn tụ với gia đình sau Tết.
Những chiến binh "nhí" kiên cường
Tết này, có nhiều em bé tí hon ở Khoa Sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội được về đoàn tụ với gia đình. Những chiến binh "nhí" đã vượt qua sinh tử, lớn lên trong lồng ấp và vòng tay Kangaroo của mẹ, xuất viện về nhà sum họp trong ngày Tết đầm ấm.
Tại phòng bệnh chúng tôi gặp nhiều bà mẹ đang nâng niu con trong vòng tay. Với họ, đây là niềm hạnh phúc lớn lao khi con thoát khỏi nguy hiểm, ra khỏi lồng ấp. Hạnh phúc nhất phải kể tới sản phụ Giáp Thị Trân (ở huyện Đông Anh, Hà Nội). Vợ chồng Trân kết hôn đến nay đã 7 năm, 6 năm trước cô mất đứa con đầu lòng do sinh non. Nhiều năm sau mới có bầu lần hai, Trân rất cẩn thận, khám thai thường xuyên. Nhưng đến tuần 27 của thai kỳ, thấy dấu hiệu khác lạ, Trân vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám và được chỉ định nhập viện để cố gắng giữ thai trong buồng tử cung. Nhưng chỉ 1 tuần sau đó, Trân sinh non. Bé Nguyễn Vân Trang chào đời nặng 800 gam. Nhìn con bé chỉ như nắm tay, hai vợ chồng hoảng hốt, không hiểu con có kiên cường vượt qua được không.
Những ngày thấp thỏm lo lắng trôi qua thật chậm chạp. Ngày nào vợ chồng Trân cũng đến bên ngoài Khoa Sơ sinh ngóng vào trong và cầu nguyện cho con. Thỉnh thoảng được vào thăm con, nhìn cô bé tí hon nhỏ xiu xíu, máy móc, dây dợ chằng chịt cơ thể, người mẹ rơi nước mắt thương con. "Lúc đó chỉ biết thương con, không biết con có ổn định, có vượt qua được không hay lại một lần nữa tuột khỏi tay cha mẹ. Vợ chồng em chỉ biết cầu nguyện con bình an, mong con kiên cường thoát khỏi nguy hiểm", Trân kể lại.
Những ngày tiếp theo là hành trình đầy khó khăn và gian nan của người mẹ khi nuôi và chăm sóc em bé sinh non. Dưới sự giúp đỡ và hướng dẫn của bác sĩ và điều dưỡng, giờ Trân đã thành thạo ấp con theo phương pháp Kangaroo, làm tất cả những gì có thể để bé có được cuộc sống bình thường như em bé sơ sinh khác.
BS Nguyễn Ngọc Bình cho biết, bé Trang là một chiến binh "nhí" kiên cường. Lúc sinh, bé gặp nhiều vấn đề về hô hấp, không tự thở được, phải trợ thở oxy, trải qua những "trận chiến" giằng co sinh - tử, nhưng hiện nay bé đã ổn định hơn. Với sự kiên trì ấp bé theo phương pháp Kangaroo, bé tăng trưởng tốt, lên cân đều. Giờ đây bé đã được 2,4kg, có thể tự bú được 35ml/ lần và bú 2 - 3 lần/ngày".
Nhờ chăm sóc của các bác sĩ và điều dưỡng, đặc biệt là tình yêu con vô hạn của người mẹ, bé Trang đã tập bú tốt hơn. Nhìn Trân thoăn thoắt chăm con, trong ánh mắt là niềm hạnh phúc, ai cũng mừng cho vợ chồng họ sau 7 năm đón "trái ngọt" về nhà trong những ngày đầu xuân.
Tại khu vực hồi sức, chúng tôi bắt gặp nhiều em bé tí hon đang kiên cường giành giật lấy sự sống. Có em bé chỉ nặng 500 gam đã được nuôi sống thành công. Hay có em bé con của sản phụ hiếm muộn, sau nhiều lần thụ tinh trong ống nghiệm mới có thai, nhưng không may lại sinh non. "Bố mẹ nhìn thấy con chỉ khóc, họ không biết con có vượt qua được không. Chúng tôi luôn phải động viên họ để cha mẹ có niềm tin vào y học", BS Nguyễn Thị Quỳnh Hương, Khoa Sơ sinh cho biết.
Công tác tại Khoa Sơ sinh 6 năm, điều dưỡng Hà Thị Lan Anh cho biết, chị chăm sóc rất nhiều ca sinh non, có ca 500 gam đã nuôi dưỡng thành công. Để chăm sóc cho một em bé sinh non là cả một quá trình kỳ công, hành trình đến kỳ tích là sự đánh đổi đầy gian nan, mồ hôi và nước mắt của các y, bác sĩ và người mẹ. "Các em bé sinh non đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo. Công việc ở đây vất vả, trong ca trực luôn tay luôn chân, không có thời gian nghỉ. Một kíp trực có 5 cô chăm sóc 40 cháu, theo dõi cho ăn bữa chính và phụ tới 16 bữa/ ngày; thay bỉm, quan sát tỉ mỉ chi tiết nhỏ. Phải nắm bắt từng cháu diễn biến trong ngày thế nào về ăn uống, hô hấp, diễn biến sức khỏe. Các trẻ non tháng chăm sóc đặc thù hơn. Tại đây, các cô sẽ hỗ trợ tất cả các mặt giúp các mẹ tự tin để chăm được con và được ra viện về với gia đình", điều dưỡng Lan Anh chia sẻ.
Tỷ lệ trẻ sinh non tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội những năm gần đây tăng lên đáng kể. Có ngày Bệnh viện tiếp nhận từ 1-2 ca sinh non dưới 1kg chuyển đến. Khoa Sơ sinh hiện có 22 bác sĩ, 8 hộ lý, 73 điều dưỡng chăm sóc khoảng 150 trẻ 24/24h. Khoa có 3 khu, một khu hồi sức, một khu sơ sinh ổn định (sau hồi sức) và một khu Kangaroo và chuẩn bị ra viện
Tại Khu hồi sức, một ca trực là 12 tiếng/ ngày. Thời gian đó phải trực đúng vị trí, theo dõi làm từ thủ thuật. Một cô bình quân theo dõi 2-3 cháu. Ca đêm có 5 người trực, phải quán xuyến mọi việc từ cho ăn, thay bỉm, làm thủ thuật, thuốc uống, tiêm truyền… Với những kỹ thuật tiên tiến, Bệnh viện đã cứu được ngày càng nhiều trẻ sinh non, trong đó có những trẻ cực non tháng, nặng chỉ 600-700 gam.
"Với trẻ sơ sinh cực non tháng, 1 giờ đầu tiên là vô cùng quan trọng. Đó là giờ vàng để ổn định trẻ. Trẻ sẽ được tối ưu hóa điều kiện chăm sóc để giống với môi trường trong tử cung của mẹ nhất. Trẻ được ổn định nhiệt độ trong lồng ấp tránh hạ nhiệt độ, nuôi dưỡng tĩnh mạch hoàn toàn, bơm surfactant hỗ trợ phổi", BS Bình cho hay.
Vì vậy, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, những sản phụ có nguy cơ sinh non sẽ được các bác sĩ sản khoa và sơ sinh hội chẩn trước để bảo đảm yếu tố kiểm soát nhiệt độ ngay khi trẻ chào đời. Nếu để trẻ hạ nhiệt độ ngay sau sinh sẽ tăng nguy cơ nhiễm khuẩn hô hấp và tăng tử vong, nên sau khi sinh non, trẻ được đưa ngay vào túi giữ nhiệt, hỗ trợ thở máy từ phòng sinh. Khi lên Khoa Sơ sinh, trẻ sẽ được nằm lồng ấp kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm. Lồng ấp cài đặt theo đúng tiêu chuẩn tuổi thai của trẻ.
Với một trẻ sơ sinh, để nuôi con lớn đã là một sự vất vả, nhưng với những em bé cực non tháng, cân nặng vẻn vẹn chỉ 500 - 800 gam, để nuôi sống các bé, hành trình ấy gian nan và kỳ công tới cỡ nào. Dưới sự phát triển của y học và chuyên môn của các bác sĩ, kỳ tích đã xuất hiện, đem lại điều kỳ diệu và hạnh phúc cho biết bao gia đình.