Những đứa trẻ phiêu dạt ở chợ đầu mối
Chúng là những đứa trẻ từ 9-15 tuổi, vì hoàn cảnh éo le nên phải tha phương cầu thực, dãi dầu sương gió ở chợ đầu mối Bình điền, huyện Bình chánh, TPHCM để kiếm sống…
…Có đứa bằng lòng với hiện tại vì cha mẹ là dân cờ bạc, rượu chè, hút xách, nhưng cũng có đứa vẫn tranh thủ đi học, cóp nhặt từng cái chữ để mong sau này được đi làm ở công ty, nhà máy…
Mỗi mảnh đời một nỗi truân chuyên
24h đêm, chợ đầu mối Bình Điền với hàng ngàn sạp hàng cửa đóng then cài im lìm nép mình dưới những khu nhà lồng rộng hàng chục ngàn mét vuông như muốn "né" cái se lạnh của gió mùa Đông Bắc bất ngờ tỉnh giấc khi những đoàn xe vận tải hàng hóa các loại nối đuôi nhau kéo về.
Thùng cá tươi sống vừa được mấy anh chị bốc xếp đặt xuống đất, lập tức 3-4 đứa trẻ 12-13 tuổi không biết từ đâu phóng ra vây quanh. Định đưa máy lên chụp ảnh thì đám trẻ dường như đã có sự cảnh giác từ trước lập tức lấy tay che mặt rồi quay lưng lại. Biết tôi là nhà báo, một chủ hàng đã hào phóng cho mượn chiếc xe ba gác thùng dùng để chở cá bảo ngồi trong đó, chĩa ống kính qua lỗ thủng và sau gần một giờ "tắm" vị tanh của cá, tôi đã có được mấy tấm ảnh ưng ý. Ảnh thì đã có nhưng để hỏi han về hoàn cảnh gia đình, tâm tư, tình cảm của các cháu lại là vấn đề nan giải. Chỉ đến khi được các anh bảo vệ trợ giúp, lựa lời năn nỉ, chúng mới chịu cho gặp mặt, nhưng chúng đồng loạt yêu cầu nếu đăng báo thì chỉ viết tắt họ tên cũng như không chụp hình vì sợ bị ảnh hưởng không tốt đến tương lai sau này.
Tuấn năm nay 11 tuổi nhưng nhìn bé như những đứa 8-9 tuổi. "Mẹ con kể năm 2012, ba mẹ bị vỡ hụi. Bỏ lại đống nợ cho mẹ, ba đi lấy vợ khác, nhà cửa thì cầm cố sạch nên mẹ đành bỏ quê, từ ngoài Bắc vào TP Hồ Chí Minh đi mua bán ve chai kiếm tiền trả nợ", Tuấn kể.
Vào TPHCM một thời gian, mẹ Tuấn đi bước nữa và có thêm em bé, nhưng bố dượng thuộc diện nát rượu, không phụ giúp gì cho gia đình. Gánh nặng cơm, áo, gạo, tiền buộc mẹ phải nghỉ mua bán ve chai, xin ở tạm căn chòi trên hồ cá của một người tốt bụng cạnh chợ đầu mối Bình Điền để hằng ngày vừa mua cá trong chợ đem ra vệ đường bán kiếm tiền mua gạo, vừa có thời gian trông giữ em... và cả lấy tiền cho bố dượng uống rượu.
Đến tuổi đi học, thấy các bạn cùng trang lứa tung tăng cắp sách đến trường, Tuấn thèm lắm. Nhưng, vừa nói ra mong ước ấy, ngay lập tức bị ông bố dượng cho một trận đòn rồi dắt đến khu sạp hàng cá ở chợ đầu mối Bình Điền, chỉ cho cách nhặt cá rơi vãi, cá chết, lựa rau củ trong đống hàng dạt của các chủ vựa mang bán kiếm tiền. Hướng dẫn được vài đêm thì bố dượng không đi theo nữa mà để cho Tuấn phải tự bươn chải.
Tuấn kể, công việc nhặt cá, lựa rau củ không phải lúc nào cũng thuận lợi. Có hôm xe hàng về nhiều, những người nhà sạp hàng mải lo giao nhận nên không bắt lại đám cá nhảy ra ngoài, đám rau rơi vãi thì còn kiếm được trên dưới trăm ngàn, còn không thì mỗi đêm từ 24 giờ cho đến sáng cũng chỉ thu hoạch được dăm ba chục ngàn. Đặc biệt, có thời điểm hàng tăng giá, chủ hàng bảo quản kỹ thì thất thu và những lần như vậy, khi tan chợ, Tuấn không dám về căn lều của gia đình vì sợ bị cha dượng cho ăn đòn, mà đành nhịn ăn uống rồi tìm một xó nào đó xung quanh chợ ngủ vùi.
Đang nói chuyện, Tuấn giật mình, đánh mắt ra khu vực xuống hàng cá rồi bảo: "Chú ơi, tìm bạn khác hỏi tiếp đi để con tranh thủ đi nhặt ít rau, cá mang về cho mẹ bán, chứ không ngày hôm nay anh em con nhịn đói mất...". Tôi định dúi vào tay Tuấn mấy đồng để cháu phụ giúp gia đình nhưng cu cậu từ chối rồi nhanh chóng mất hút trong dòng người tấp nập.
Tôi tiếp tục đi tìm kiếm trong khu hàng cá và nhanh chóng phát hiện hai đứa trẻ lom khom chui từ ra gầm ô tô tải vồ lấy con cá vừa phóng từ trong thùng ra, nhưng thấy tôi đưa máy lên chụp hình thì cả hai vội vàng chui ngược lại. Nhờ anh bảo vệ, sau khoảng 15-20 phút thuyết phục, hai đứa trẻ mới chịu ra nói chuyện nhưng khá rụt rè. Ngập ngừng hồi lâu, bé trai mở lời: "Con tên Thanh, còn kia là em gái con tên Thảo. Từ Tết đến giờ, trời về đêm lạnh quá, mà chúng con không có áo ấm nên lúc nào không chịu nổi thì chui vào gầm xe tải sưởi hơi nóng của máy xe cho ấm cơ thể mới có sức tiếp tục đi nhặt cá...".
Thanh, 10 tuổi, đứa em gái mới lên 9, nhưng đã có "thâm niên" hơn 2 năm ra chợ kiếm sống. Cha của Thanh và Thảo trước đây từng làm bốc vác thuê cho những chủ hàng trong chợ, nhưng vì nghiện ma túy khiến sức khỏe giảm sút nghiêm trọng nên không được thuê mướn nữa; còn mẹ thì suốt ngày lê la từ chiếu bạc này đến bàn nhậu khác mà không quan tâm gì đến lũ trẻ.
Trước đây, anh trai của Thanh và Thảo cũng từng có thời gian dài nhặt cá, rau củ để nuôi cả gia đình, nhưng nay đã trưởng thành nên bỏ khu chợ, tìm đến tận Bình Phước làm thuê cho một chủ trại cưa và rất ít khi về nhà vì giận cha mẹ. Từ khi anh trai đi, để có tiền mua gạo, cha mẹ đã khước từ lời van nài của Thanh và Thảo là được cho đi học cái chữ rồi "ném" chúng vào khu chợ để mưu sinh.
Không cần biết nắng hay mưa, hằng ngày, cứ 23 giờ đêm Thanh và Thảo phải xách túi nylon ra khu sạp hàng cá, hàng rau để kiếm ăn, đến khi tan chợ (4-5 giờ sáng hôm sau), chúng mang tất cả những gì thu hoạch được ném vào gánh hàng bán dạo của một người được cha mẹ chỉ định từ trước rồi đi xin củ khoai lang, cái bắp ngô lót dạ trước khi chui vào một căn chòi bỏ hoang nào đó ngủ vùi cho đến tận tối mịt. Năm 2022, mẹ của Thanh và Thảo còn sinh thêm em bé nên hai đứa trẻ ngoài việc nhặt cá, rau củ, còn phải trông giữ em để cha mẹ đi tụ tập cờ bạc, ăn nhậu.
Ước mơ đổi đời
Nói chuyện với tôi, Tuấn bảo rằng "con chỉ mong ngày nào cũng "mót" được nhiều cá, rau củ mang về cho mẹ bán để có tiền mua gạo, thức ăn cho cả nhà được bữa cơm tươm tất, chứ như bây giờ ăn mắm quẹt, cá khô hoài ngán lắm chú ơi. Mai mốt, khi lớn hơn thì mong xin được một chân bốc vác trong khu chợ để không phải chạy ăn từng bữa… Còn chuyện học hành để tìm kiếm công việc tốt hơn chắc khó lắm vì một mình mẹ không thể vừa trông em, vừa kiếm tiền nuôi cả nhà và cho con đi học được".
Đối với Thanh, Thảo, do bị ném ra xã hội để lo chuyện kiếm cơm quá sớm nên cả hai không có điều kiện tiếp xúc với bên ngoài, chỉ quanh quẩn với mớ rau, con cá, hơn nữa hai đứa chưa đủ khôn lớn để nghĩ về tương lai nên ước mơ cũng thật xa vời: "Xem hoạt hình trên ti vi, thấy mấy bạn lái máy bay lên bầu trời nên sau này con muốn trở thành phi công, còn em Thảo thì mơ sau này trở thành ca sĩ để kiếm được nhiều tiền..."
Khác với 3 trường hợp trên, Hùng lại có mơ ước rất thực tế. Hùng sinh ra ở một tỉnh miền Tây Nam bộ, nhà không có ruộng đất trồng cấy nên cha mẹ đã xin lại chiếc ghe cũ vừa làm nơi tá túc, vừa hành nghề chài lưới kiếm sống. Cuộc sống lênh đênh sông nước nay đây, mai đó, không nhìn thấy tương lai nên năm lên 6 tuổi, cha mẹ đã gửi Hùng cho một người quen ở trên bờ để được đi học. Vừa học hết lớp 5 thì cha mất, mẹ ốm yếu không thể kham nổi nghề chài lưới nên đã rời quê lên chợ đầu mối Bình Điền kiếm sống. Hùng nghỉ học, hằng đêm vào chợ nhặt nhạnh những con cá rơi vãi để cùng chia sẻ bớt nỗi cơ cực. 13 tuổi, Hùng đã cao gần 1m7, lại thật thà, chịu khó nên cu cậu được nhiều thương lái quý mến giao cho việc xếp dỡ cá từ xe lớn xuống xe nhỏ.
Có được nguồn thu nhập tạm ổn, Hùng xin mẹ cho đi học bổ túc cho biết cái chữ, phép tính, sau này có cơ hội thì đi học nghề để tương lai tươi sáng hơn. Tuy rất vất vả, nhưng hằng ngày, sau giờ tan chợ, Hùng về phòng trọ ngủ một giấc lấy sức cho đến đầu giờ chiều thì ôm tập vở đến lớp học nghe thầy cô giảng bài. Nhờ sáng dạ, tiếp thu bài tốt mà cho đến nay, khi chuẩn bị sinh nhật lần thứ 16, Hùng đã sắp hoàn tất chương trình bổ túc cấp 2. "Con sẽ cố gắng học hết cấp 3 rồi đi học nghề để sau này được làm ở công ty, xí nghiệp cho ổn định gia đình và cho mẹ được nghỉ ngơi không còn vất vả sớm khuya như bây giờ nữa...", Hùng tâm sự.
Ông Thương, chủ một sạp hàng cá chia sẻ: "Nhìn mấy đứa trẻ nhỏ giống như con mình mà đêm nào cũng dầm sương gió lạnh nhặt cá, rau rơi vãi thấy thắt hết cả ruột gan. Chính quyền địa phương cũng nhiều lần vận động cho đám trẻ được nghỉ ngơi, đi học cái chữ và được cho ăn, tặng sách vở... nhưng bị cha mẹ chúng phản đối kịch liệt và cho rằng họ lo được mà không cần đến bất cứ sự giúp đỡ nào... Thương lắm thì cũng chỉ cho chúng hộp cơm, túi bánh, vài con cá ngon chứ không thể khác được vì chúng đều ở với cha mẹ, kiếm tiền cho cha mẹ tiêu xài nên đụng vào là cha mẹ chúng lập tức tìm đến mình la mắng phiền hà lắm".
Nhìn những bước đi xiêu vẹo của mấy đứa trẻ lẩn khuất dần vào dòng người lúc tan chợ mà tôi thấy nghẹn lòng. Không biết rồi đây tương lai của chúng sẽ đi về đâu.