Nhói lòng hoàn cảnh cụ ông bán bút bi dạo mưu sinh dịp Tết trên phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội
Cận Tết Nguyên Đán 2022, khi người người đang vội vàng chuẩn bị sum họp đón năm mới cùng gia đình, cụ ông 70 tuổi vẫn miệt mài rong ruổi khắp các con phố bán bút bi dạo nuôi cả nhà với tiếng hát yêu đời.
Bất cứ ai có dịp tiếp xúc với ông lần đầu, cũng đều cảm phục bởi tinh thần lạc quan, vui vẻ.
Cuộc sống của cụ ông bán bút bi dạo mưu sinh gói gọn trong hai từ "bất hạnh"
Hà Nội vào những ngày gần Tết lảng bảng một trời sương rét. Gió rít từng cơn, len lỏi qua từng ngõ nhỏ khiến người đi đường dường như cũng trở nên vội vàng. Chiều buông nhanh hơn, ở đâu đó trên nút giao Khâm Thiên - Tôn Đức Thắng, hình ảnh một cụ ông bán bút bi dạo như hòa lẫn vào khung cảnh vội vàng, tấp nập ấy.
Ăn mặc chỉnh tề, trước ngực đeo một chiếc túi xách đầy ắp bút bi, ông cụ vừa mời chào khách vừa lẩm nhẩm vài câu thơ: "Chung tay xây dựng tương lai, mua cây bút đẹp học tài làm nên. Trời xanh mây trắng nắng vàng, mua cây bút đẹp lại càng giỏi hơn…". Nhiều người thấy vậy không hẹn mà cùng dừng lại mua ủng hộ ông một vài cây bút, có người thoáng hơn, biếu ông cụ vài đồng mong cuộc sống ông bớt nhọc nhằn.
Ông tên Đinh Văn Diệp (68 tuổi, trú tại phường Hàng Bột, quận Đống Đa) lấy việc bán bút bi dạo làm nghề mưu sinh nuôi sống cả gia đình. Cả nguồn sống của gia đình 3 người trông chờ phần nhiều vào số bút bi ấy: "Tôi không có vợ con, một mình phải gồng gánh nuôi chị gái ruột đơn thân đã cao tuổi và một đứa cháu gái con ông em ruột bị chất độc màu da cam."
Đã 6 năm, bất kể ngày nắng mưa, người ta đều thấy ông Diệp miệt mài rong ruổi trên các phố mời khách. Hôm nào bút hết nhanh thì được về sớm, lắm hôm ế khách tối muộn vẫn chưa thấy ông về. Cận Tết người ra đường nhiều hơn, số bút bi cũng vì thế mà bán được nhanh hơn.
"Hôm nay bán hết bút rồi". Ông cười mỉm, nụ cười sáng rỡ trông thật đẹp. Xế chiều lành lạnh, chúng tôi theo chân ông cụ tìm đến căn nhà cấp 4 xập xệ ẩn sau những con ngõ nhỏ trên phố Tôn Đức Thắng. Nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng, căn nhà của ông càng trở nên bé nhỏ hơn.
Tường đã bong tróc gần hết cả, bên trong mọi vật dụng đều đã in hằn dấu vết thời gian. Một người phụ nữ nhỏ bé niềm nở đón chúng tôi vào nhà. "Cháu gái tôi đấy!" Ông chỉ, "Năm nay đã 40 tuổi nhưng mới chỉ cao 1m2, đi lại được nhưng cũng chẳng biết gì đâu".
Gia đình 3 người sống ở đây đã nhiều năm. Cụ bà hơn 70 tuổi không có khả năng lao động, cô cháu gái bị khuyết tật nên cũng chỉ có thể làm được vài việc lặt vặt trong nhà. Cả gia đình sống dựa vào nguồn thu nhập từ chính quyền địa phương hỗ trợ và nhờ vào việc ông bán bút bi dạo hàng ngày. Dù đã gần đến Tết Nguyên Đán nhưng có vẻ ông vẫn chưa sắm sửa được gì, không đào quất cũng chẳng bánh kẹo, ông bảo: "Tết với ông vẫn còn xa lắm".
Ông đi bán bút dạo đã nhiều năm nay rồi, trước ông bán ở khắp các trường học nhưng sau vì dịch bệnh, trường học đóng cửa, ông chuyển sang bán ở nút giao Khâm Thiên này. "Mỗi cây bút giá 2.000 đồng, mua 10 tặng 1. Mỗi chiếc tôi chỉ lãi được 800 đồng thôi".
Ông trải lòng "Trước đây tôi có thời gian 30 năm bán vé số nhưng dần dần cũng chẳng ai mua nữa. Sau có ông anh mách tôi nghề bán bút bi này, tôi cũng nghe theo". Mỗi ngày ông cụ bán được khoảng 200-300 bút, ngày nhiều thì được khoảng 400 cái. Nói chung số tiền lãi được cũng đủ ăn qua ngày.
Câu chuyện về hoàn cảnh của người đàn ông có hoàn cảnh đặc biệt ấy khiến bà Vũ Thị Vân (70 tuổi) không khỏi xót xa: " Cuộc sống vất vả khiến ông ý trông già hơn tuổi. Là hàng xóm lâu năm nên tôi biết ông ấy là người hiền lành, tử tế lắm. Bán bút bi chẳng lãi được bao nhiêu nhưng thỉnh thoảng gặp người này người kia ông vẫn cho vài cái".
Cụ ông bán bút bi: "Tôi nghèo nhất… nhưng lại vui nhất cái xã hội này"
Công việc lặp đi lặp lại bất kể nắng mưa, vất vả nhiều chứ nhưng ông chưa bao giờ có ý định ngơi nghỉ. Sáng sáng cứ 7 giờ, ông Diệp lại chuẩn bị đồ nghề để đi bán. Nói là đồ nghề chứ thực chất chỉ là một chiếc túi đeo chéo cũ được nhét đầy những chiếc bút bi sặc sỡ sắc màu, đeo thêm đôi giày vải sờn da và đội thêm chiếc mũ nồi cũng đã nhuốm màu năm tháng. Đôi chân thoăn thoắt vừa đi vừa mời chào khách.
Bán quãng chừng 2 tiếng, ông Diệp về nhà nghỉ, nhân tiện lấy thêm bút bi. Ông bảo "Già rồi không đứng được lâu. Bán được vài tiếng tôi lại phải về nhà nghỉ". Cứ thế vừa nghỉ vừa làm, công việc lại tiếp tục kéo dài đến khoảng 5h chiều.
Vất vả là thế nhưng ở ông Diệp luôn toát lên sự lạc quan yêu đời. Ngồi cạnh ông, thi thoảng chúng tôi lại nghe ông lẩm nhẩm vài câu hát: "Alibaba vào nhà người ta dắt xe đạp ra…". Dù tuổi đã cao nhưng giọng ông vẫn khá trong và sáng. Ông hát nhiều khiến người qua đường cũng cảm thấy vui lây, hào hứng mua luôn vài cây bút bi ủng hộ. Không chỉ có thế, ông còn có biệt tài xuất khẩu thành thơ nữa, những câu thơ có vần điệu nhịp nhàng được ông viết nên sau một buổi tối xuất thần.
Những câu thơ ấy được ông dùng làm câu mời khách khiến nhiều người không khỏi ấn tượng. "Cầm vàng còn sợ vàng rơi. Cầm cây bút đẹp ta thời học cao". Mấy đứa học sinh cũng vì thế mà dừng lại nhiều hơn, nhiều đứa còn không quên quay lại mua giúp ông nhiều lần. "Chúc con học tốt nhé". Vẫy tay chào 2 đứa bé đi xa dần, ông Diệp cũng không quên nhắn gửi lời chúc.
"Tôi nghèo nhất xã hội này nhưng lại vui nhất, cả ngày tôi cứ hát suốt ấy mà". Ông cười vui vẻ. Trong con mắt mờ đục ấy vẫn tinh khiết một nỗi niềm mơ màng. Cũng đúng thôi, cuộc sống này dù có vất vả nhưng vẫn luôn phải đi tiếp mà.
Trên con phố sầm uất, người đi kẻ lại nối đuôi nhau vội vàng. Tết Nguyên Đán sắp tới, ai ai cũng mong được về nhà sum họp cùng gia đình. Thế nhưng ở một góc nhỏ bên đường, vẫn có một người đàn ông lặng lẽ, cặm cụi cầm từng cây bút bi nhỏ mời chào người qua đường. Một kiếp sống mưu sinh, cứ thế hòa lẫn vào trong sự nhộn nhịp của thành phố hoa lệ!
Theo Hồng Ngọc - Doãn Nhàn