Bạc Liêu:
Nhiều lao động nghi bị bán qua Campuchia lao động cưỡng bức
(Dân trí) - Qua rà soát, tỉnh Bạc Liêu xác định còn nhiều công dân nghi bị lừa bán sang Campuchia làm việc. UBND tỉnh này đã chỉ đạo các sở, ngành cùng phối hợp hỗ trợ những nạn nhân bị mua bán.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện đang là thời điểm "nóng" người Việt Nam tìm việc qua mạng xã hội với chiêu trò "việc nhẹ lương cao". Chính vì vậy, họ rơi vào cạm bẫy của tội phạm mua bán người, nhất là các nhóm tại Campuchia.
Đến thời điểm này, số công dân trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu bị lừa gạt và nghi ngờ bán sang Campuchia là 19 người. Trong đó, cơ quan chức năng đã giải cứu và tự trở về là 12 người (giải cứu 5 người, tự bỏ trốn trở về 3 người, gia đình bỏ tiền chuộc 4 người). Hiện số nạn nhân nghi ngờ vẫn đang làm việc ở Campuchia là 7 người.
Những nạn nhân này hầu hết đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có việc làm ổn định.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu báo cáo, các nạn nhân này chưa được hỗ trợ gì. Bởi theo quy định, những nạn nhân bị lừa gạt mua bán trở về phải là đối tượng thuộc diện hộ nghèo mới được hỗ trợ.
Trước tình trạng việc mua bán người vẫn tiếp diễn, UBND tỉnh Bạc Liêu vừa chỉ đạo các sở, ngành cùng phối hợp trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh giao Sở LĐ-TB&XH, Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh và các ngành, địa phương liên quan chủ động rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trực tiếp, trực tuyến tại cộng đồng, hướng đến nhóm nguy cơ cao như phụ nữ, trẻ em gái ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa về những mối nguy cơ bị lừa gạt.
Đặc biệt, các ngành chức năng phải có biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân bị mua bán và người thân thích của họ. Trường hợp cần thiết, khi phát hiện có dấu hiệu không an toàn đối với nạn nhân và người thân thì báo ngay cho công an và Bộ đội Biên phòng để phối hợp trong việc áp dụng các biện pháp bảo vệ.
Người bị mua bán trong nước được phát hiện, giải cứu, Công an tỉnh thực hiện hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và bố trí chỗ ở tạm thời cho nạn nhân khi được giải cứu.
Trường hợp nạn nhân tự đến trình báo hoặc được phát hiện, giải cứu tại khu vực biên giới, trên biển, Bộ đội Biên phòng kịp thời hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, bố trí chỗ ở tạm thời cho nạn nhân.
Các cơ quan có trách nhiệm thông báo đến Sở LĐ-TB&XH để chuyển tuyến nạn nhân vào Trung tâm Bảo trợ xã hội hoặc về nơi cư trú theo nguyện vọng của nạn nhân.
Trường hợp nạn nhận bị mua bán được giải cứu, trao trả trở về hoặc tự trở về và các trường hợp khác, Sở LĐ-TB&XH sẽ chỉ đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tiếp nhận nạn nhân bị mua bán, bố trí chỗ ăn, ở phù hợp với giới tính, lứa tuổi; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu, chăm sóc y tế, tư vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý, tư vấn học nghề, việc làm,...