Nhân viên văn phòng chia sẻ bí quyết "3 không" để mua nhà thành phố

Dân trí

(Dân trí) - Vợ chồng chị Nhật Linh làm nhân viên văn phòng với khoản tiền tích lũy 300 triệu đồng đã thực hiện ước mơ có nhà ở thành phố lớn.

Mua nhà khi trong tay chỉ có 300 triệu

Quyết định vào TPHCM lập nghiệp, vợ chồng chị Nhật Linh (ở Hà Nội) nuôi dưỡng ước mơ mua nhà sau thời gian dài đằng đẵng thuê trọ.

Cả vợ chồng cùng làm nhân viên văn phòng, tổng thu nhập 16-20 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí thuê trọ, giảm tối đa chi phí chi tiêu, chị Nhật Linh tiết kiệm được 8-10 triệu đồng/tháng.

Sau 2 năm về một nhà, anh chị đã có khoản dư khoảng 200 triệu đồng nên quyết định tìm mua nhà, thay vì phải tiêu tốn khoản tiền tương đối lớn cho việc thuê nhà trọ.

Nhân viên văn phòng chia sẻ bí quyết 3 không để mua nhà thành phố - 1

Vợ chồng đón con đầu lòng sau khi mua nhà (Ảnh: Gia đình Hỏ con).

Vợ chồng chị Linh tập trung vào các dự án ở vùng ven TPHCM, ưu tiên dự án mới mở bán hoặc chưa thành hình để có giá hợp lý.

Chị Linh chia sẻ: "Khi tính đến chuyện mua nhà, vợ chồng tôi cũng phải tìm cách gia tăng thu nhập bằng nhiều công việc như bán hàng online, bán đồ ăn, phiên dịch... Nhờ đó, tôi cũng gom góp được thêm 3-5 triệu đồng/tháng để tích lũy".

Năm 2020, anh chị quyết định mua nhà trả góp với số tiền vỏn vẹn 300 triệu đồng. Chị cho biết, hợp đồng đầu tiên ký là hợp đồng góp vốn nên rủi ro khá cao. May mắn vào năm 2022, anh chị được nhận nhà. Đây là một căn hộ chung cư rộng 55m2 đầy đủ tiện nghi và ấm cúng.

Với vợ chồng chị Linh, một trong những bí quyết mua nhà chính là sử dụng đòn bẩy tài chính, tức là vay mượn. Họ đã nhận được sự giúp đỡ từ bạn bè và người thân, dù có người từ chối nhưng cũng nhiều người sẵn sàng hỗ trợ 10-50 triệu đồng.

Nhân viên văn phòng chia sẻ bí quyết 3 không để mua nhà thành phố - 2

Chị Linh luôn cảm thấy thư giãn trong căn nhà của riêng mình (Ảnh: Gia đình Hỏ con)

Khi vay, anh chị luôn báo trước vài tháng để mọi người có thời gian chuẩn bị, luôn nêu rõ số tiền cần và thời điểm dự kiến trả lại nên bạn bè đều dễ dàng cho mượn. Họ cũng vay thêm ngân hàng, tận dụng chính sách hỗ trợ vay vốn của công ty và vay tín dụng.

Trong quá trình mua nhà, chị thường xuyên phải "thắt lưng buộc bụng". Chị Linh từng có một cái Tết "nghèo nàn" khi không mua quần áo mới, không làm tóc cũng không đi du lịch như trước đây.

Đối với những người trẻ ấp ủ ước mơ mua nhà, chị Linh cho rằng quan trọng nhất là học cách quản lý chi tiêu tiết kiệm, sau đó mới tìm cách tăng thu nhập.

Sở hữu nhà riêng giúp cải thiện tinh thần

Chị Quỳnh Anh (sinh năm 1998) và chồng cũng đã có cho mình căn nhà riêng khi mới chỉ 23 tuổi.

Chị cho biết, động lực lớn nhất để có một căn nhà riêng chính là cho em bé tương lai điều kiện sinh sống tốt nhất. Vợ chồng chị từng có thời gian dài thuê trọ nên hiểu những bất tiện của việc không có nhà. Khi có nhà riêng, ông bà nội ngoại có thể lên hỗ trợ chăm cháu.

Trước khi cưới, hai vợ chồng đã tích góp vốn chung. May mắn cả hai đều sống tiết kiệm. Mỗi tháng, hai vợ chồng đều bỏ một khoản vào quỹ tiết kiệm chung. Nhờ thị trường chứng khoán tăng trưởng tốt, sau hơn 2 năm, số vốn của anh chị đã tăng hơn gấp đôi.

Nhân viên văn phòng chia sẻ bí quyết 3 không để mua nhà thành phố - 3

Gia đình chị Quỳnh Anh (Ảnh: NVCC).

Chị chia sẻ: "Hồi tìm mua, có dự án chung cư này mở bán với giá rất tốt vì còn đang xây dựng. Vợ chồng tôi chọn căn nhỏ, vừa tầm tiền để không căng thẳng tài chính nhưng vẫn thoải mái khi có em bé. Với số vốn dành dụm, chúng tôi đủ tiền trả thẳng, còn được chiết khấu 6-7% nhờ vào chính sách của ngân hàng liên kết với dự án".

Với những dự án được ngân hàng tài trợ chính sách tốt, người trẻ như chị Quỳnh Anh phải tận dụng triệt để.

Chị tâm sự, với khao khát mãnh liệt có tổ ấm riêng, và do hai vợ chồng đều lớn lên từ vùng quê khó khăn nên luôn mong muốn có tài sản chung tại thành phố mà mình làm việc. 

Kể từ khi mua nhà, đôi vợ chồng trẻ nhận thấy rất nhiều thay đổi, gia đình hạnh phúc hơn. Cả hai có một nơi để cùng chăm chút, mỗi ngày làm việc kết thúc đều háo hức trở về căn nhà nhỏ, cùng nấu nướng, dọn dẹp, chăm con.

Chị cho rằng, người trẻ khi kinh tế chưa nhiều thì nên lựa chọn chung cư tầm trung bởi yếu tố an ninh tốt, chi phí hợp lý, nhiều hàng xóm và tiện ích. So với cùng tầm tiền khi mua nhà đất thì chung cư sẽ ưu việt hơn so với người trẻ. 

Cam Ly