Người trẻ chi tiền triệu đi học... nữ tính
(Dân trí) - Để hoàn thiện về hình thể cũng như phong thái, nhiều người trẻ không ngần ngại chi cả trăm triệu đồng để học thanh lịch, dịu dàng, đảm đang.
"Đánh thức" sự nữ tính
"Những lần ngồi khom lưng, nói chuyện to tiếng, tôi chợt nhận ra bản thân đã đánh mất sự… nữ tính. Tôi cũng từng gặp rất nhiều cô gái có hình thể đẹp nhưng cử chỉ lại vụng về. Vì vậy, tôi đăng ký khóa học sửa đổi phong thái để bản thân trở nên hoàn thiện hơn", chị Nguyễn Huyền (27 tuổi, ngụ quận 7, TPHCM) nói.
Bắt đầu khóa học, Huyền được tham gia lớp dạy thẩm mỹ hình thể và phong thái thanh lịch, kéo dài trong 2 ngày, chi phí 2 triệu đồng. Từ lớp "đánh thức" đầu tiên, cô gái tiếp tục đăng ký vào lớp chuyên sâu hơn để rèn luyện thêm nhiều kỹ năng phát triển bản thân.
"Trước đây khi nghe đến khóa học này, tôi thấy ngạc nhiên khi phải chi tiền để học cách nói, cười, đi, đứng, ngồi,… những thứ là bản năng của con người mà ai cũng biết. Thế nhưng sau khi học tôi mới nhận ra những kỹ năng về phong thái thật sự quan trọng trong cuộc sống", chị Huyền chia sẻ.
Tham gia lớp học, Chị Huyền bất ngờ khi việc ngồi thẳng lưng thật sự không đơn giản như chị nghĩ. "Tư thế đúng là cổ, vai và tai nằm trên một đường thẳng. Một điều thú vị đó là có 3 cách cúi chào, cúi chào 15 độ, 30 độ, 45 độ và sẽ ứng dụng những cách cúi chào này như thế nào trong từng hoàn cảnh", Huyền chia sẻ.
Ngoài những kỹ năng nói trên, cô gái còn trải qua nhiều giờ đào tạo về các dạng biểu cảm trên gương mặt; cách bước đi sao cho phù hợp, không bị đau chân; những cử chỉ khi ngồi giao tiếp, tạo dáng chụp ảnh…
Ở khóa chuyên sâu và nâng cao hơn, chị Huyền được đào tạo với tần suất liên tục, khoảng 6 tiếng học hằng ngày và tự tập luyện thêm 2 tiếng.
"Các kỹ năng đi đứng, ngồi, nói chuyện... thật sự rất cần thiết và quan trọng trong cuộc sống. Sau khóa học, nhiều người thân quen, đồng nghiệp nhận xét tôi trở nên tự tin và thu hút hơn", cô gái nói.
Cách nói chuyện nhẹ nhàng với âm lượng vừa phải nhưng vẫn dõng dạc, cư xử cũng trở nên tinh tế, nhiều người đã không ngại dành lời khen ngợi cho Huyền. Bên cạnh đó, cô gái cũng được hướng dẫn về cách ăn mặc sao cho phù hợp, giúp cô trở nên trang trọng hơn ở các buổi gặp.
Hương Giang (ngụ TP Hà Nội) cũng vừa kết thúc khóa học phong thái thanh lịch. Trước đây, Giang từng là một cô gái thường tỏ ra lúng túng trên bàn tiệc, bởi không biết cách dùng các loại dao, thìa, nĩa như thế nào cho phù hợp.
"Ở các bữa ăn trang trọng, tôi rất thiếu tự tin. Khi được mời uống rượu vang, tôi thật sự không biết phải cầm ly hay thưởng thức như thế nào", chị Giang nói.
Sau khóa học, Giang dần lấy được sự... nữ tính. Những bước đi trên giày cao gót không còn bất tiện như trước, thay vào đó là sự uyển chuyển, tự tin với hình thể của bản thân.
"Dù chỉ tham gia 1 buổi học thôi nhưng tôi đã giữ được thói quen luôn vuốt váy trước khi ngồi xuống hay dùng ánh mắt thiện cảm, nụ cười cùng cái gật đầu nhẹ mỗi khi gặp ai đó. Dù đó chỉ là một động tác đơn giản nhưng khiến bản thân trở nên quyến rũ và tinh tế hơn, cảm giác như trở thành một quý cô", chị Giang chia sẻ.
Xu hướng ngày càng thịnh hành
Theo bà Nguyễn Quỳnh Trang, người sáng lập Học viện phong thái Á Đông (TPHCM), từ năm 2019, khi bộ môn thẩm mỹ hình thể và phong thái thanh lịch lần đầu xuất hiện tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung, học viện đã ghi nhận được sự quan tâm của nhiều người trẻ.
Sau 2 năm gián đoạn vì dịch Covid-19, năm 2022, xu hướng này thực sự phát triển và thịnh hành. Các học viên đa phần là nhân viên văn phòng, doanh nhân và nội trợ, với độ tuổi 25-45.
Bà Trang chia sẻ, hằng tháng, học viện tiếp nhận 200-300 học viên, các khóa học sẽ được chia theo thời lượng và tính chuyên sâu, kéo dài từ 2 đến 21 ngày. Đáng chú ý, mức học phí sẽ dao động trong khoảng từ hơn 2 triệu đến hơn 100 triệu đồng.
Học viên sẽ được đào tạo về thẩm mỹ hình thể liên quan đến sức khỏe, vóc dáng của con người; phong thái thanh lịch gồm cách ngồi, tư thế đứng, cách đi, cử chỉ điệu bộ và biểu cảm gương mặt.
"Những kỹ năng được đào tạo ở lớp, học viên có thể ứng dụng ngay trong đời sống ngày thường và biến nó trở thành bản năng. Học viên đăng ký tham gia khóa học có mục tiêu muốn thay đổi bản thân, truyền cảm hứng cho những người xung quanh hoặc muốn theo đuổi công việc đào tạo, trở thành giảng viên cho chính bộ môn này", bà Trang nói.
Đại diện Học viện phong thái và nghi thức Léna Académie (TP Hà Nội), bà Lương Thanh Hà chia sẻ, cơ sở có khoảng 10-20 học viên đăng ký tham gia hằng tháng.
Trong đó, mức học phí dao động từ 800.000 đến 10 triệu đồng. Lớp cơ bản 1 ngày sẽ kéo dài 8 tiếng và các lớp chuyên sâu là 3 ngày. Học viên được đào tạo về kỹ năng đứng, ngồi, cười, bắt tay, ôm, giới thiệu bản thân, nghi thức dùng dụng cụ trong bàn tiệc,...
"Ngày nay, người trẻ luôn muốn được chuyên nghiệp trong giao tiếp kinh doanh, cũng như các nghi thức trong bàn tiệc và tăng nhu cầu chất lượng cuộc sống. Xu hướng này trở nên thịnh hành trong 2 năm trở lại đây", bà Hà nói.