Thanh Hóa:

Người lao động sốt ruột chờ tiền hỗ trợ thuê nhà

Bình Minh

(Dân trí) - Gần 10.000 công nhân làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn Thanh Hóa đang mong sớm được tiếp cận gói hỗ trợ thuê nhà theo Nghị định của Chính phủ.

Công nhân mong sớm được nhận tiền hỗ trợ

Để thuận tiện làm việc ở Khu công nghiệp Lễ Môn, chị Trịnh Thị Hoa (28 tuổi, quê ở huyện Thọ Xuân) - công nhân công ty giày SUN JADE cùng chồng thuê trọ ở gần công ty. Mỗi tháng, vợ chồng chị Hoa phải chi phí cho tiền thuê nhà và điện nước hết hơn 1 triệu đồng.

Khi biết có chính sách hỗ trợ thuê nhà cho công nhân, chị rất phấn khởi. Cuối tháng 6 vừa qua, chị Hoa đã được công ty hướng dẫn làm hồ sơ.

Người lao động sốt ruột chờ tiền hỗ trợ thuê nhà - 1

Chị Nguyễn Thị Nhung, công nhân Công ty giày SUN JADE đã làm hồ sơ được 2 tuần và đang chờ được hỗ trợ.

"Đồng lương công nhân eo hẹp, trong khi rất nhiều thứ phải chi phí. Xăng dầu cũng như các mặt hàng thiết yếu đều tăng giá khiến chúng tôi rất khó khăn. Khi nghe tin được Nhà nước hỗ trợ 3 tháng tiền thuê trọ, chúng em mừng lắm. Nếu em và chồng đều được nhận mỗi người 1,5 triệu đồng sẽ đỡ đi rất nhiều thứ", chị Hoa chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Nhung (39 tuổi, quê ở huyện Triệu Sơn) là công nhân Công ty giày SUN JADE cho biết, mỗi tháng chị cũng phải trả hết gần 1 triệu tiền thuê nhà và điện nước.

"Tôi làm hồ sơ được 2 tuần rồi và đang rất mong chờ khoản hỗ trợ này", chị Nhung nói.

Người lao động sốt ruột chờ tiền hỗ trợ thuê nhà - 2

Công nhân thuê trọ mong muốn sớm tiếp cận được gói hỗ trợ thuê nhà của Chính phủ.

Cũng như chị Hoa, chị Nhung, nhiều công nhân khác đã nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà, mong ngóng sớm tiếp cận gói hỗ trợ.

Được biết, sau khi có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, ngày 5/5, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành quyết định về việc ủy quyền cho UBND các huyện, thị xã, thành phố phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.  

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Thanh Hóa có 3 địa phương gồm thành phố Thanh Hóa, thị xã Nghi Sơn và thị xã Bỉm Sơn có lao động đủ điều kiện làm hồ sơ đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà, với khoảng 9.600 người.

Đến nay tiến độ tiếp nhận hồ sơ, thẩm định, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ người lao động của các địa phương còn chậm; chưa có người lao động nào tại Thanh Hóa được hỗ trợ tiền thuê nhà.

Cũng tại báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, tính đến 11/7, thành phố Thanh Hóa ban hành quyết định phê duyệt danh sách kinh phí hỗ trợ đối với 27 lao động, với số tiền 37 triệu đồng; UBND thị xã Bỉm Sơn mới tiếp nhận hồ sơ của một doanh nghiệp hỗ trợ cho 15 lao động, với kinh phí 15 triệu đồng và UBND thị xã Nghi Sơn tiếp nhận hồ sơ một doanh nghiệp đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà cho 22 lao động, với số tiền 33 triệu đồng.

Nguyên nhân được cho là do các địa phương này chưa chủ động, quyết liệt, chậm triển khai thực hiện chính sách. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chưa quan tâm đến nội dung hỗ trợ của chính sách, e ngại trách nhiệm, không xác minh được người lao động có thuê, trọ hay không.  

Nhiều doanh nghiệp chờ đủ thời gian để làm gộp hồ sơ 2 tháng hoặc 3 tháng. Người lao động thì phần lớn thuê nhà trọ chưa đăng ký tạm trú với cơ quan công an nên còn cân nhắc khi làm đơn đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà, sợ bị cơ quan công an xử phạt vi phạm hành chính…

Ngành lao động kiến nghị tháo gỡ khó khăn

Cũng là công nhân làm việc trong doanh nghiệp và đóng bảo hiểm nhiều năm nhưng nhiều công nhân trong Khu công nghiệp Hoàng Long (thành phố Thanh Hóa) đang ở trọ thắc mắc việc không thuộc diện được hưởng gói hỗ trợ thuê nhà ở.

Người lao động sốt ruột chờ tiền hỗ trợ thuê nhà - 3

Người lao động thuê trọ hy vọng quyền lợi được giải quyết thỏa đáng.

Chị Nguyễn Thị Thu, công nhân Công ty giày Hồng Mỹ 1 cho biết: "Công nhân chúng tôi ở đây cũng thực hiện nghĩa vụ không khác gì so với công nhân ở các nơi khác nhưng chúng tôi được thông báo là không nằm trong diện được hưởng chính sách, rất hụt hẫng".

"Khi nghe thông tin về gói hỗ trợ này, chúng tôi mừng lắm nhưng sau đó hóa ra không thuộc diện được nhận. Tôi có gọi lên công đoàn hỏi lý do thì được giải thích, do chúng tôi không phải lao động thuộc khu công nghiệp", chị Nguyễn Thị Thúy, công nhân một công ty trong Khu công nghiệp Hoàng Long tâm sự.

Được biết, tại báo cáo mới nhất của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa gửi Bộ LĐ-TB&XH, Khu công nghiệp Hoàng Long trực thuộc Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa, hiện nay có 20 doanh nghiệp với trên 30.000 lao động.

Tuy nhiên, theo rà soát của Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp thì Khu công nghiệp Hoàng Long chưa đủ điều kiện để thành lập theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP nên không thuộc phạm vi áp dụng của Quyết định số 08/2022/QĐ-Ttg.

Từ thực tế trên, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để người lao động làm việc tại Khu công nghiệp Hoàng Long được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà của Chính phủ.