1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Người lao động cần hiểu biết về bảo hiểm tai nạn lao động để bảo vệ mình

Dân trí

(Dân trí) - Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được đánh giá là chính sách nhân văn để hỗ trợ giúp đỡ cho người lao động không may bị tai nạn nghề nghiệp giảm bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Rủi ro trong lao động sản xuất dẫn đến xảy ra tai nạn lao động (TNLĐ) là điều không người lao động nào mong muốn. Song, đôi khi một chút bất cẩn khiến người lao động gặp tai nạn, lúc đó mới thấm thía được sự cần thiết của chính sách bảo hiểm xã hội, trong đó có chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Người lao động cần hiểu biết về bảo hiểm tai nạn lao động để bảo vệ mình - 1

Trang bị kỹ năng an toàn, xử lý tình huống tai nạn lao động là cách thức để giảm thiểu nguy cơ, thiệt hại khi có sự cố xảy ra (ảnh minh họa).

Đến giờ, chị Đỗ Thị Lan, ở phường Hưng Đạo (quận Dương Kinh, TP Hải Phòng) vẫn nhớ như in ngày bị TNLĐ. Trong lúc đang vận hành máy, chị bị máy cuốn vào, giám định thương tật sức khỏe mất 81%. Sau khi bị TNLĐ, chị Lan không thể tiếp tục làm việc, nên ngoài thu nhập từ nguồn trợ cấp TNLĐ hằng tháng là 2 triệu đồng, chị không còn nguồn thu nào khác.

"Cũng may là công ty đóng BHXH đầy đủ, nên tôi được hưởng trợ cấp TNLĐ, BNN. Số tiền trợ cấp TNLĐ này là nguồn thu nhập duy nhất của tôi để chi tiêu, lo liệu cho đời sống hàng ngày"- chị Lan kể lại.

Anh Đồng Văn Thanh, sinh năm 1989, ở thị trấn Núi Đối (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) cũng lâm vào hoàn cảnh đáng thương vì TNLĐ. Trong lúc đang thao tác máy khâu công nghiệp, do không để ý, anh bị dập, đứt 6 ngón tay, mất sức khỏe 61%.

Anh Thanh cho biết: "Sau khi bị tai nạn, công ty đứng ra lo các thủ tục hồ sơ cho tôi hưởng chế độ. Hiện, mỗi tháng tôi được hưởng 1,4 triệu đồng tiền trợ cấp TNLĐ nên cũng đỡ đần được cho vợ con".

Dù hoàn cảnh gia đình đang rất khó khăn, phải nuôi 2 con nhỏ đang tuổi ăn học và bố mẹ già, nhưng với sự hỗ trợ từ quỹ BHXH, cụ thể là khoản trợ cấp TNLĐ, BNN đang thụ hưởng cũng như sự quan tâm của các cấp, ngành và công ty giúp anh ổn định tâm lý.

Theo lãnh đạo Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH, thực hiện bảo hiểm TNLĐ, BNN theo Luật Bảo hiểm xã hội và Luật An toàn, vệ sinh lao động là một tiến bộ đáng kể trong việc bảo đảm quyền lợi cho NLĐ. Đặc biệt, phạm vi điều chỉnh của Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 đã mở rộng đối tượng hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phù hợp với đối tượng đóng bảo hiểm xã hội cho cả đối NLĐ làm việc theo mùa vụ, NLĐ dưới 15 tuổi, kể cả lao động đã nghỉ hưu... Đây là một ưu điểm vượt trội.

Nhằm triển khai sâu rộng chính sách bảo hiểm TNLĐ, BNN trong các đơn vị, doanh nghiệp, nâng cao ý thức người sử dụng lao động trong việc chấp hành đầy đủ quy định, BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành và các đơn vị, ngành liên quan tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách đến từng đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn; hướng dẫn cách thức tham gia, giải quyết chế độ chính sách cho các trường hợp cụ thể bảo đảm nhanh chóng, chính xác. Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật về BHXH thì các doanh nghiệp nhất thiết phải xem trọng công tác phòng ngừa, hạn chế thấp nhất xảy ra TNLĐ; bản thân NLĐ cũng cần phải chủ động theo dõi, bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách tham gia BHXH, BHYT đầy đủ, để hạn chế những rủi ro xảy ra.

Ai đóng tiền bảo hiểm khi người lao động điều trị tai nạn lao động?

Điều 38 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định, trong thời gian người lao động điều trị, người lao động vẫn được trả đủ tiền lương theo hợp đồng lao động thì người lao động và người sử dụng lao động vẫn tiến hành đóng bảo hiểm xã hội như bình thường theo như tỷ lệ trước nay phải đóng theo quy định (người lao động đóng 10,5% còn người sử dụng lao động 21,5%).

Người lao động cần hiểu biết về bảo hiểm tai nạn lao động để bảo vệ mình - 2
Nếu xảy ra TNLĐ do lỗi của người lao động, người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức áp dụng đối với trường hợp không có lỗi.

Nếu người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (TNLĐ, BNN) mà không do lỗi của người lao động và bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên, công ty phải trả toàn bộ chi phí thuốc men, điều trị y tế. Cụ thể, bảo hiểm y tế sẽ chi trả 80%, còn 20% công ty sẽ phải chi trả. Doanh nghiệp sẽ trả toàn bộ tiền lương từ khi xảy ra TNLĐ đến khi điều trị ổn định thương tật. Công ty có trách nhiệm bố trí, giới thiệu việc làm phù hợp với người lao động bị TNLĐ.

Theo quy định của Điều 48, Điều 49 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% được hưởng trợ cấp một lần. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên được hưởng trợ cấp hằng tháng.

Nếu xảy ra TNLĐ do lỗi của người lao động, người lao động cũng được trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức áp dụng đối với trường hợp không có lỗi.