Gia Lai:

Người đàn ông đánh liều nuôi đàn cá “ngàn đô” trên Cao Nguyên

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Suốt 7 năm nay, ông Hưng cùng những người bạn của mình nuôi dưỡng gần 7.000 con cá tầm. Vì là loại cá quý nên đang mang về cho ông Hưng hàng ngàn đô la từ trứng và thịt thương phẩm xuất khẩu.

Năm 2013, huyện Kbang (Gia Lai) đã triển khai Dự án nuôi cá tầm thương phẩm tại lòng hồ C - Thuỷ điện Vĩnh Sơn (xã Đăk Rong, Kbang, Gia Lai).

Dự án do Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Kbang làm chủ dự án nuôi 30 lồng với 10.000 con cá. Tổng kinh phí đầu tư 4 tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước 50%, còn lại 50% là do 10 hộ dân tham gia dự án đóng góp.

Mô hình nuôi cá tầm trên lòng hồ tâị xã Đăk Rong, Kbang

Tuy là loại cá mới, chi phí đầu tư lớn với thời gian nuôi từ 5 - 7 năm nhưng ông Võ Tấn Hưng (61 tuổi, Thị trấn Kbang, huyện Kbang, Gia Lai) đã “đánh liều” cùng những người dân khác bỏ ra hàng tỷ đồng để nuôi thử nghiệm.

Đến năm 2015, dự án nuôi cá tầm kết thúc và đang gặp khó về nguồn đầu tư tiếp theo. Vì sợ dự án sẽ thất bại nên ông Hưng đã bỏ tiền ra mua hết số cổ phần mà người dân đầu tư trước đó để một mình chăm sóc đàn cá “ngàn đô” này.

Người đàn ông đánh liều nuôi đàn cá “ngàn đô” trên Cao Nguyên - 1
Hơn 7 năm qua, tại lòng hồ xã Đăk Rong đang nuôi gần 7.000 con cá tầm, có giá trị hàng ngàn đô.

Ông Hưng cho biết: "Lợi thế của Kbang là có nguồn nước tự nhiên, sạch và có nhiệt độ khoảng 20 độ C. Nên rất thích hợp để nuôi cá tầm. Rất nhiều mô hình trong cả nước đã thất bại nhưng ở Kbang vẫn đang phát triển tốt và hứa hẹn sẽ mang lại lợi nhuận kinh tế cao.”.

Người đàn ông đánh liều nuôi đàn cá “ngàn đô” trên Cao Nguyên - 2

Ông Hưng mong muốn sẽ nhân rộng cho nhân dân nuôi được loại cá "ngàn đô" này

Sau khi tiếp quản mô hình nuôi cá tầm, ông Hưng đã kết nối với những chuyên gia, nhà khoa học trên cả nước để cùng nghiên cứu, tìm hiểu quy trình chăm sóc và cách phòng trừ bệnh của cá tầm.

Năm 2013, dự án có 10.000 con cá tầm nhưng qua 7 năm thì số lượng đã giảm còn còn 7.000 con cá do bị dịch bệnh, tác động của môi trường.

Hiện nay, mỗi con cá tầm cân nặng từ 25 - 30kg, trong đó có 70% là cá tầm cái cho trứng và 30% cá tầm đực chỉ để lấy thịt thương phẩm. Mỗi tháng, ông Hưng phải đầu hơn 100 triệu đồng để mua thức ăn nhập ngoại và các thiết bị chăm sóc cá tầm.

Vì chi phí quá lớn nên ông Hưng đã kêu gọi nhiều người đầu tư và thành lập nên mô hình doanh nghiệp để nuôi cá tầm lấy trứng và thịt cá tầm thương phẩm xuất khẩu.

Người đàn ông đánh liều nuôi đàn cá “ngàn đô” trên Cao Nguyên - 3
Nhiều đoàn đã đến để học hỏi kinh nghiệm và cách nuôi để về nuôi trồng loại cá giá trị này

Ông Hưng bộc bạch: “Tôi tuổi đã lớn nhưng nhận thấy đây là một mô hình có nhiều tiềm năng phát triển, mang lại thu nhập lớn. Đồng thời, tôi cố gắng duy trì trang trại cá tầm nhằm tạo cho một địa chỉ để người dân và nhiều nhà nghiên cứu, nhà đầu tư đến học hỏi kinh nghiệm".

Được biết, ông Hưng còn đang tiến hành xây dựng Trung tâm nghiên cứu để nuôi cấy giống cá tầm ngay tại Việt Nam nhằm cung cấp cho bà con trên cả nước.

Người đàn ông đánh liều nuôi đàn cá “ngàn đô” trên Cao Nguyên - 4
Hàng ngày con cá tầm được nuôi dưỡng bằng nguồn nước sạch chảy từ trong khe núi ra

Đầu năm 2020, ông Hưng đã phối hợp với đối tác để tiến hành siêu âm trứng. Qua đó, khoảng 5.000 con cá tầm cái có trứng đã đủ tiêu chuẩn thu hoạch, xuất khẩu.

Tuy nhiên, vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên đối tác vẫn chưa thể sang Việt Nam thu hoạch cá tầm được. Dự tính vào đầu tháng 9/2020, đối tác sẽ tiến hành việc thu mua hết 7.000 con cá tầm.

Trung bình mỗi kg trứng cá tầm sẽ có giá khoảng 1.000 USD, mỗi con trung bình có khoảng 2,5 kg trứng cá, chiếm khoảng 15% trọng lượng của con cá tầm. Đối với cá đực nguyên con có giá từ 200 - 300 ngàn đồng/kg và thịt fillet sẽ có giá khoảng 800 ngàn đồng/kg.

Người đàn ông đánh liều nuôi đàn cá “ngàn đô” trên Cao Nguyên - 5
Trứng cá tầm có giá trị rất cao, thường để xuất khẩu.

Hiện nay, ông Hưng cùng các kỹ sư đang nghiên cứu ra loại cá tầm nuôi từ 3 - 5 năm nay sẽ cho thu hoạch trứng (giảm được 3 năm so với giống ngày xưa). Đồng thời, thuần dưỡng giống cá tầm để phù hợp với nước suối ở một số khu vực, giúp cho bà con có thể nuôi phổ biến.

Ông Lê Văn Quang (Chủ tịch UBND xã Kon Pne, huyện Kbang, Gia Lai) cho biết: “Mô hình cá tầm của ông Hưng đã đầu tư nhiều năm nay. Nhờ mô hình nuôi cá tầm và lan kim tuyến đã giúp giải quyết việc làm cho gần 20 lao động với thu nhập từ 4 - 6 đồng/ tháng. Đồng thời, đây cũng là địa chỉ để bà con trên địa bàn có thể học hỏi cách trồng, chăm sóc. Hiện xã đang phối hợp với ông Hưng để tiến hành mở rộng quy mô nuôi cá tầm và trồng lan kim tuyến”.