Người đàn ông 40 tuổi hơn 50 lần hiến máu
(Dân trí) - Hơn 50 lần hiến máu, cho đi hàng chục lít máu, anh Võ Tiến Lộc vẫn nhớ mãi câu chuyện về tiếng khóc của người mẹ nghèo.
Anh Võ Tiến Lộc - giảng viên Trường Đại học Văn Hiến - là gương mặt truyền cảm hứng tại ngày Chủ nhật Đỏ lần thứ 16 năm 2024 với chủ đề "Hiến máu cứu người - Sinh mệnh của bạn và tôi" do Ủy ban ATGT Quốc gia, Viện truyền máu Huyết học Trung ương và báo Tiền Phong tổ chức sáng 3/12.
Anh Võ Tiến Lộc, 40 tuổi đã có trên 50 lần đi hiến máu. Số lần hiến máu đến nay đã vượt xa số tuổi của anh.
Anh Lộc kể, năm 19 tuổi, khi là sinh viên năm thứ nhất Trường Đại học Kinh tế TPHCM, anh lần đầu tiên đi hiến máu. Tâm trạng lần đầu đi hiến máu với cảm giác rất mới mẻ, thêm một chút lo lắng, hồi hộp.
Khi cảm nhận được giọt máu trong cơ thể đang chảy, cũng là lần đầu tiên chàng trai trẻ hiểu được một hành động nhỏ lại có thể đem đến hy vọng, sự sống cho người khác. Từ đó, anh Lộc đều duy trì việc hiến máu.
Nhưng khoảng 3 năm sau ngày đầu hiến máu đó mới là lúc anh Lộc cảm nhận sâu sắc nhất về việc cứu người từ hành động hiến máu. Điều này đến từ tiếng khóc của người mẹ nghèo.
Lần đó, sau khi vừa tham gia vào Đội xung kích thuộc Hội Chữ thập Đỏ, anh nhận được cuộc gọi khẩn cấp từ bệnh viện Chợ Rẫy kêu gọi hiến máu cho một đứa trẻ 7 tuổi gặp tai nạn giao thông cần gấp nhóm máu hiếm O Rh+. Nhận tin, anh Lộc chạy ngay vào bệnh viện để hiến máu cho bé.
Khi anh chạy đến viện, mẹ của bé đang đứng trước phòng bệnh lo lắng, bần thần. Gia cảnh chị rất khó khăn.
Thấy có người đến hiến máu cho con mình, người mẹ đến nắm tay người thanh niên xa lạ, nói lời cảm ơn không ra tiếng, chỉ khóc. Hôm đó, anh Lộc hiến cho bé 2 túi, mỗi túi 250ml máu.
Hai tuần sau, gia đình tìm đến gặp để cám ơn anh, anh mới hay bé đã qua cơn nguy kịch.
"Lần này, người mẹ khóc vì xúc động. Tiếng khóc của người mẹ nghèo giúp tôi cảm nhận rõ hạnh phúc của người mẹ khi con thoát khỏi cửa tử. Từ đó, tôi cảm nhận được giọt máu của mình có thể góp phần cứu sinh mạng của người khác và việc hiến máu trở thành một lẽ rất tự nhiên với tôi", anh Lộc chia sẻ.
Mỗi năm anh Lộc hiến máu 2-3 lần, mỗi lần 450ml máu. Tính đến nay, anh Lộc đã hiến trên 20 lít máu.
Từ ngày hiến máu, anh Lộc quan sát kỹ lưỡng sức khỏe của bản thân. Anh nhận thấy, mình ăn ngon hơn, ngủ ngon hơn, sức khỏe tốt hơn... Với cá nhân anh Lộc, việc cho máu không chỉ khỏe mạnh về mặt thể chất mà hơn hết còn mang đến sự thanh tịnh, bình an về mặt tâm hồn.
Ngoài việc cho đi những giọt máu của mình, anh Lộc còn vận động người thân, bạn bè, sinh viên cùng tham gia hiến máu. Em gái anh Lộc đến nay cũng đã hơn 20 lần tham gia hiến máu.
Với nữ sinh Bùi Quang Minh Nguyệt, sinh năm 2003, sinh viên khoa kinh tế tài chính, Trường ĐH Văn Hiến, cô hiến máu lần đầu năm 18 tuổi, duy trì đều đặn 3-4 lần mỗi năm.
Nguyệt kể, năm học cấp 3, một lần tình cờ, em biết mẹ mình được "gọi tên" khi có một trường hợp khó khăn ở địa phương cần hiến máu. Đến lúc đó, Nguyệt mới hay, hóa ra lâu nay mẹ và anh trai thường xuyên tham gia hiến máu tình nguyện.
Theo mẹ, theo anh, Nguyệt cũng đòi... đi hiến máu nhưng cô gái phải chờ đủ tuổi. Không bỏ lỡ, đúng tuổi 18, Nguyệt hiến máu lần đầu tiên.
Điều "ngại" nhất lúc đầu của Nguyệt là sợ kim tiêm nhưng rồi cảm giác đó qua rất mau. Khi đã quen, Nguyệt cho biết, cô bắt đầu... "nghiền" hiến máu. Nghiền vì cô hiểu từ hành động nhỏ đó của mình có thể trao hy vọng và tiếp nối sự sống cho người khác.
Ngày Chủ nhật Đỏ năm nay thu hút hơn 3.000 sinh viên, giảng viên, nhân viên từ Đại học Văn Hiến cùng hơn 50 chiến sĩ cảnh sát cơ động đến từ Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Đông Nam TPHCM thuộc Bộ Công An tham gia hiến máu.
Tính đến trưa cùng ngày, sự kiện đã tiếp nhận hơn 400 đơn vị máu. Lượng máu này được lưu trữ tại bệnh viện Quân y 175 để đáp ứng cho công tác cấp cứu, điều trị bệnh nhân.
Chương trình Chủ nhật Đỏ lần thứ XVI năm 2024 được tổ chức từ tháng 11/2023 đến hết tháng 3/2024 tại hơn 40 tỉnh thành, thành phố trên toàn quốc. Dự kiến sẽ có khoảng hơn 100.000 người tham dự và tiếp nhận khoảng 45.000-50.000 đơn vị máu.