1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Người bắc cầu những cuộc hạnh ngộ xuyên biên giới

Nhiều người gốc Việt đang sinh sống ở nước ngoài bị lạc cha mẹ ruột từ lúc mới chào đời, lớn lên họ luôn khát khao được tìm về với nguồn cội. Và chàng trai ấy đã trở thành "sợi dây bắc cầu" kết nối những cuộc hạnh ngộ giữa hai bờ biên giới...

Đồ án "vòng tròn yêu thương"

Trong một góc nhỏ của quán cà phê trên đường Phạm Ngọc Thạch, quận 3, TP Hồ Chí Minh, câu chuyện của chúng tôi với kỹ sư Đỗ Hồng Phúc (27 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) cứ được nối dài với những cuộc tìm kiếm và hội ngộ đầy nước mắt của hàng chục số phận lưu lạc tha hương xứ người.

Chàng kiến trúc sư trẻ tuổi không chỉ kiến tạo những công trình, ngôi nhà hiện đại mà còn đã và đang đi tìm những mảnh ghép, tìm lại thân nhân cho những người con gốc Việt bị lạc cha mẹ ngay khi vừa lọt lòng. Những trường hợp Phúc tìm thân nhân đa số từng bị cha mẹ ruột bỏ rơi trong bệnh viện, sau đó được các gia đình người Pháp, Mỹ nhận nuôi. Chúng lớn lên với không ít sự ái ngại từ bạn bè xung quanh, nhưng luôn khát khao được tìm về với nguồn cội, tìm cha mẹ, anh chị em.

Cơ duyên dẫn Phúc đến với việc làm này là vào năm 2018 khi tình cờ xem được một chương trình tìm kiếm người thân cho những người Việt Nam sống ở nước ngoài. Không chỉ vậy, còn một lý do khác thôi thúc chàng kỹ sư là vì nhiều năm trước, bà ngoại của Phúc bất ngờ đi khỏi nhà và từ đó đến nay chưa thấy trở về. Không ít lần, Phúc và gia đình tìm kiếm ngược xuôi nhưng đều vô vọng, kể từ dạo đó đến nay vẫn không có bất cứ thông tin nào về bà ngoại. Nhắc đến người bà, mắt Phúc đượm buồn, giọng trầm lắng: "Thất lạc bà chính là nỗi đau đáu của tôi và gia đình suốt nhiều năm tháng qua. Chính điều đó làm tôi hiểu và thấm thía hơn hết nỗi đau chia xa người thân như thế nào".

Người bắc cầu những cuộc hạnh ngộ xuyên biên giới - 1
Phúc tìm được người thân của cô gái nhưng mẹ cô ấy đã qua đời.

Đến năm 2018, ngay thời điểm làm đồ án tốt nghiệp chuyên ngành kiến trúc, trong khi nhiều bạn cùng lứa làm nhanh cho xong để mau ra trường thì Phúc lại chọn cho mình cách làm khó khăn hơn. Dù bản đồ án thiết kế công trình về trường đại học đã hoàn thiện nhưng gần đến hạn, Phúc chấp nhận bỏ, làm lại lần 2.

Vốn là người yêu thích lịch sử, Phúc suy nghĩ tìm kiếm, tình cờ xem được phóng sự ngắn về những đứa con của cuộc chiến, Phúc quyết định rẽ hướng chọn đề tài liên quan đến việc tìm kiếm thân nhân, suốt 6 tháng trời ròng rã, cuối cùng công trình tốt nghiệp cũng hoàn thành với tên gọi: "Trung tâm lưu trữ thông tin nhân đạo và tìm kiếm thân nhân, con lai trong chiến tranh Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh". Đồ án lấy ý tưởng từ hình ảnh người mẹ Việt Nam đang ôm niềm hy vọng được gặp lại những đứa con của mình. Xung quanh là 5 đứa trẻ đang nắm lấy tay nhau vui đùa tạo thành hình ảnh ngôi sao 5 cánh. Vòng tròn xanh dương là sợi dây nối kết hòa bình, yêu thương giữa những người con dành cho mẹ. "Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc theo đúng nghĩa nhưng cái bóng của cuộc chiến vẫn còn đâu đây khi hàng ngàn cuộc ly tán vẫn chưa có hồi kết. Người tìm về nguồn, kẻ tìm về cội, cha tìm con, con tìm cha, mẹ tìm con, con tìm mẹ...". Những dòng chia sẻ trong đồ án như chất chồng những nỗi niềm đau đáu, vì hoàn cảnh chiến tranh mà xa cách, nay đã hòa bình nhưng nhiều người vẫn thất lạc, đáng thương hơn là những người con lai phải sống trong cảnh thiếu thốn hơi ấm, tình thương của người mẹ.

Đề tài của Phúc không chỉ được hội đồng chuyên môn đánh giá cao về tính sáng tạo cũng như ý nghĩa nhân văn vì cộng đồng mà còn nhận được giải thưởng Hội đồng Loa thành 2019 - giải thưởng danh giá cho sinh viên ngành kiến trúc.

Thạc sĩ, kiến trúc sư Thái Đức Lịch xúc động chia sẻ: "Những việc làm mang đầy tính nhân văn cao cả, lại có liên quan mật thiết đến đề tài tốt nghiệp mà Phúc đã lựa chọn. Đây chính là điều kỳ diệu của việc dạy và học mà tôi được chứng kiến và góp phần nhỏ trong đó. Hiện tại có nhiều người biết tin nên số lượng người nhờ tìm người thân đang tăng nhanh chóng, Phúc đang tìm thêm các bạn đồng hành để cùng nhau nhân rộng mô hình".

Chính khoảng thời gian đi tìm kiếm tư liệu cho đề tài tốt nghiệp, Phúc có cơ hội được biết đến nhiều trường hợp người nước ngoài gốc Việt mong muốn, khát khao mãnh liệt tìm kiếm người thân ở Việt Nam. Tranh thủ những ngày cuối tuần, những buổi tối làm xong chẳng kịp về nhà, chàng trai trẻ lại rong ruổi trên các ngõ ngách, nẻo đường từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... và cả nhiều tỉnh miền Tây xa xôi như An Giang, Kiên Giang để tìm kiếm. Đồng hành cùng Phúc có vài người bạn, giúp anh tìm kiếm và làm thông dịch viên, chi phí tự túc hoàn toàn, bởi theo Phúc đó là tình thương và sự đồng cảm nên không có mức giá.

Những cuộc hội ngộ diệu kỳ

Hành trình tìm kiếm thân nhân cho những người Việt ở nước ngoài luôn đong đầy cảm xúc nhưng chưa bao giờ dễ dàng. Trường hợp được cha mẹ gửi vào trại trẻ mồ côi thì cơ may hồ sơ được lưu trữ lại cao, khả năng tìm kiếm cũng dễ dàng hơn. Tuy nhiên, phần lớn các trường hợp tìm đến Phúc trợ giúp đều chung hoàn cảnh là cha mẹ vì lý do hay nỗi khổ nào đó đã bỏ lại con thơ ngay khi vừa mới sinh, hiếm hoi lắm mới gặp trường hợp có ảnh người mẹ, hay đôi ba dòng về thân nhân.

Trường hợp đầu tiên Phúc tìm được thân nhân cho người thất lạc vào năm 2020. Đó là câu chuyện về một cô gái người Pháp có tên Lisa, tên tiếng Việt là Hàn Thị Ngọc Lan mong muốn tìm lại mẹ ruột là Hàn Thị Ngọc Mai, sinh năm 1962. Ban đầu Lisa che địa chỉ vì chưa tin tưởng người đi tìm. Cô không ngờ Phúc đã nhiệt tình hỏi thăm và liên hệ qua nhiều đầu mối, Lisa rất cảm kích, cô đã gửi cho Phúc mẩu giấy có ghi địa chỉ nhà mẹ ruột ở Việt Nam. Nhưng, đó là nơi ở của 32 năm về trước, họ đã chuyển đi rất lâu rồi. Phúc tới nơi, rất may có một người hàng xóm vẫn giữ liên lạc với cậu của mẹ Lisa. Phúc thông báo và dẫn Lisa đến gặp gia đình cậu ruột.

Người bắc cầu những cuộc hạnh ngộ xuyên biên giới - 2
Hai mẹ con chị Ngọc Mai bật khóc trong lần đầu nhìn thấy nhau sau mấy chục năm xa cách ở hai bờ đại dương.

Đó là một buổi chiều nhập nhoạng ánh đèn, trong một con hẻm ở quận 8, TP Hồ Chí Minh, đứa người con gái nhìn thấy mẹ qua điện thoại, nghẹn ngào không nói nên lời. Riêng người mẹ tuổi cao, sức yếu không còn minh mẫn, thậm chí quên mình từng có một đứa con gái đã bỏ lại trong bệnh viện. Phúc đưa hình ảnh, giấy tờ chứng minh cùng với người cậu nhắc lại chuyện đứa con năm xưa thì bà mới nhớ ra, òa khóc. Chứng kiến cuộc hội ngộ kỳ diệu sau nhiều năm thất lạc của hai mẹ con, Phúc cũng nghẹn ngào và thầm mong một ngày không xa, mình cũng được gặp lại người bà thân yêu đang thất lạc.

Phúc chia sẻ, quá trình tìm kiếm, Phúc và nhóm bạn (cố định một bạn làm phiên dịch, còn mỗi địa phương đều nhờ qua mối quan hệ bạn bè của Phúc giúp đỡ), gặp nhiều khó khăn vì những gia đình này nhân thân khá phức tạp nên nhiều người ngại thậm chí không chia sẻ vì hoài nghi có lợi ích vật chất ở đây. Phúc chứng minh, bằng sự chân thành, thấu hiểu, đồng cảm và bỏ mặc ngoài tai lời dị nghị đàm tiếu.

Một ngày giữa tháng 2-2021, Phúc nhận được thông tin từ cô gái tên là Diệu Hà  hiện đang sống tại Pháp nhờ giúp đỡ tìm mẹ Việt Nam. Thông tin về mẹ của Diệu Hà không rõ ràng và không có địa chỉ cụ thể. Tận dụng những khoảng thời gian sau giờ làm, Phúc đến xã Bình Hưng, Bình Chánh hỏi thăm tin tức và biết được có nhiều người đã từng cho con nhưng không một ai biết lai lịch về mẹ ruột của Diệu Hà.

Lần thứ 4 Phúc quay lại Bình Chánh và may mắn được một người đàn ông dẫn tới nhà cụ bà 80 tuổi, hỏi chuyện và liên kết thông tin thì đây chính là bà ngoại của Diệu Hà. Phúc chưa kịp reo vui thì nhận tin mẹ của Diệu Hà đã qua đời cách đây 3 năm. Hà chỉ còn bố, anh trai và chị gái. Phúc thông báo về hướng dẫn Diệu Hà xét nhiệm AND để nhận ba. Kết quả, Diệu Hà chính là con gái trong gia đình. Dù niềm vui không trọn vẹn với cô gái lưu lạc nhưng ít ra, cô vẫn còn có một gia đình nhỏ ở Việt Nam để yêu thương và trở về. 

Nhận thấy việc mình đang làm có một ý nghĩa thật lớn lao, Phúc đã ngày đêm dốc sức cho hành trình sứ giả kết nối. Sau này, thông qua chia sẻ của Ngọc Lan và bạn bè của cô ấy, ngày càng nhiều hồ sơ, thông tin của những người đang sinh sống ở Pháp, Mỹ... gửi về nhờ tìm cha mẹ ruột. Những trường hợp tìm kiếm rất đa dạng, có người còn giữ địa chỉ cụ thể, thông tin của bố mẹ, nhưng nhiều trường hợp chỉ biết quận, huyện hoặc trại trẻ mồ côi từng sống, rất khó tìm, chẳng khác nào "mò kim đáy biển".

Có những cuộc đoàn tụ li kỳ như phim nhưng cũng có cuộc hạnh ngộ khiến Phúc phải luyến tiếc khôn nguôi như trường hợp về cô gái Nguyễn Thị Thanh Xuân sống tại Pháp nhờ tìm bố mẹ ở chung cư Trần Hưng Đạo, quận 1, TP Hồ Chí Minh. 3 năm trước, Thanh Xuân cũng từng nhờ người quen đến địa điểm trên tìm kiếm tin tức về ba mẹ của mình nhưng không có kết quả. Qua bạn bè, cô biết đến Phúc và chủ động liên lạc nhờ hỗ trợ. Phúc lặn lội đi tìm nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Không bỏ cuộc, Phúc lân la tìm kiếm, hỏi thăm, nhờ sự giúp đỡ của ban quản lý chung cư, cuối cùng tìm ra được địa chỉ mới của gia đình. Nhưng, cuộc đoàn tụ đã không thể diễn ra trọn vẹn, bởi người mẹ vừa mới qua đời.

Trường hợp gần đây nhất, cô gái người Pháp nhờ Phúc tìm kiếm người thân ở quận 4, TP Hồ Chí Minh. Cầm theo mảnh giấy với những thông tin ít ỏi, mơ hồ, sau nhiều ngày Phúc cũng tìm được đến đúng nhà ông ngoại cô gái. Nhưng, đến nơi mới hay tin mẹ cô đã mất được 12 năm và cô gái cũng là người con duy nhất của bà. Đến đây, giọng Phúc như lạc hẳn, trầm tư: "Giá như có thể tìm và gặp nhau sớm hơn".

Miệt mài rong ruổi trong gần 4 năm gánh trên vai công việc tự mình giao phó, Đỗ Hồng Phúc đã giúp đỡ thành công và tạo nên kỳ tích cho 20 trường hợp lạc gia đình hơn 2 thập kỷ. Với nhiều gia đình, Phúc chính là ân nhân hay là một nhân vật siêu nhiên nào đó tự nhiên xuất hiện, để hàn gắn nỗi đau chia cắt tình thân. "Sau 23 năm chờ đợi, cuối cùng tôi cũng trả lời được tất cả các câu hỏi của mình về nguồn gốc của cuộc đời tôi, cảm ơn bạn rất nhiều, Đỗ Hồng Phúc" - dòng chia sẻ của cô gái người Pháp có tên tiếng Việt là Ngọc Lê trên trang Facebook của Phúc.

Bận rộn với công việc, Phúc thường dành những ngày cuối tuần, hoặc buổi tối để tìm kiếm thân nhân cho những người thất lạc. Số lượng hồ sơ gửi về cho Phúc ngày càng nhiều. Nhưng, với cách tìm kiếm thủ công từ đôi dòng thông tin ít ỏi cung cấp thì dù lòng muốn thật nhiều nhưng không thể giúp đỡ được tất cả các trường hợp đoàn tụ viên mãn.

Còn với Đỗ Hồng Phúc, hành trình kết nối những gia đình Việt ở hai bờ đại dương sẽ vẫn tiếp tục...

Người bắc cầu những cuộc hạnh ngộ xuyên biên giới - 3
Ông Phùng Công Dũng.

Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Đó là việc làm thiện nguyện đầy ý nghĩa và nhân văn, chúng tôi sẽ ủng hộ. Nếu cậu Phúc cần sự giúp đỡ thì bên ủy ban sẽ hỗ trợ hết sức và sẵn sàng kết nối với Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị kêu gọi các tổ chức phi chính phủ liên quan đến công tác trẻ em để bảo vệ quyền trẻ em cũng như giúp đỡ những gia đình thất lạc đoàn tụ.

Theo antg.cand.com.vn