Ngôi mộ chung nơi máu xương của 53 liệt sĩ hòa quyện vào đất
(Dân trí) - Trưa 15/4/1968, 53 chiến sĩ trên đường hành quân qua cầu Nhe ở Hà Tĩnh đã hy sinh sau khi trúng bom của địch. Máu xương của họ nằm lại, hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước.
Cầu Nhe nằm trên tỉnh lộ 12, thuộc địa phận xã Vĩnh Lộc (nay là xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cầu Nhe là cửa ngõ quan trọng nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam. Vì thế, nơi đây trở thành một trong những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay địch.
Cách đây 54 năm, sau hơn một tháng huấn luyện, Tiểu đoàn 351, Trung đoàn 5 Yên Tử (Đoàn 1019) Quân khu 3 - Bộ Tư lệnh thành phố Hải Phòng nhận lệnh hành quân vào Nam chiến đấu. Vào hồi 12h15 ngày 15/4/1968, khi đi qua cầu Nhe, đoàn bộ đội đa số quê ở Hải Phòng đã bị máy bay Mỹ phát hiện, ném bom trúng đội hình. Toàn bộ 53 cán bộ, chiến sĩ hy sinh khi hầu hết chưa đầy 20 tuổi. Họ nằm lại nơi cầu Nhe, hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước. Trong hình là chứng tích mố cầu Nhe (cũ) vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Trong hình là một trong những hố bom cạnh cầu và dòng sông Nhe. Theo lời kể của các cụ cao niên ở địa phương, sau loạt bom thứ nhất, đội hình hành quân đi theo 2 hàng của Tiểu đoàn 351 tan rã. Phần lớn bộ đội hy sinh và bị thương. Chính quyền và người dân ra ứng cứu nhưng tiếp tục chịu đợt oanh tạc thứ hai nên không thể thực hiện liên tục. Những chiến sĩ hy sinh bị vùi lấp dưới lớp bùn đất, người bị trôi theo dòng sông nên công tác tìm kiếm thi thể sau đó rất khó khăn.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên cho biết, vào năm 2003, theo nguyện vọng của gia đình các liệt sĩ và người dân địa phương, tỉnh Hà Tĩnh và huyện Can Lộc đã huy động dân quân 5 xã trong vùng, phối hợp với Huyện đội tổ chức tìm kiếm và quy tập được 27 phần hài cốt liệt sĩ.
"Lực lượng tham gia khai quật khoảng 400 người, bới tìm từng mét đất. Thi thể nguyên vẹn của các liệt sĩ không tìm thấy được nhưng có các mẩu xương. Mỗi mẩu xem như một phần mộ. Thời gian sau, quá trình đào đất làm kênh mương đắp đường, người ta có tìm được một số hiện vật. Lần gần nhất, ở vị trí cách cầu Nhe khoảng 50m, có lần tìm được một bộ hài cốt còn tương đối nguyên vẹn trong tư thế đang ôm khẩu súng AK", ông Hùng kể.
Vào năm 2005, Nhà bia - Miếu thờ các liệt sĩ hy sinh đã được xây dựng cạnh chứng tích cầu Nhe.
Các hạng mục Nhà bia - Miếu thờ, khu mộ gió 53 liệt sĩ hy sinh tại cầu Nhe sau khi được xây dựng trở thành địa chỉ đỏ, giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Điều đặc biệt tại khu vực này có một ngôi mộ chung của 53 liệt sĩ. "Khi hy sinh, thi thể các liệt sĩ không còn nguyên vẹn. Xương máu của các liệt sĩ đã hòa quyện vào mảnh đất này", một lãnh đạo địa phương lý giải ý nghĩa của việc lập ngôi mộ chung.
Đến ngày 27/1/2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã quyết định công nhận Nhà bia - Miếu thờ cầu Nhe là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Những ngày tháng 7, Khu di tích lịch sử cầu Nhe đón nhiều người dân, du khách tới tham quan, thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại đây.
Sáng 23/7, ông Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng dẫn đầu đoàn lãnh đạo thành phố, cùng ông Hoàng Trung Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã đến Khu di tích lịch sử cầu Nhe đặt vòng hoa, dâng hương, tưởng niệm 53 anh hùng liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022).
Sau 54 năm, mảnh đất nơi 53 liệt sĩ hy sinh có nhiều sự đổi thay, song, mố cầu Nhe khi xưa vẫn còn hiện hữu giữa dòng sông như một chứng tích hào hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. "Xương máu của các liệt sĩ hòa quyện vào mảnh đất này, linh thiêng và mãi mãi, như nhắc nhở chúng ta nhớ về một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước không thể nào quên. Tên tuổi và gương hy sinh anh dũng của các chiến sĩ sống mãi trong lòng nhân dân cả nước…", một đoạn trong nội dung tấm bia ghi nhớ công lao các liệt sĩ tại khu di tích.