Ngăn chặn hủ tục đi hỏi cưới cô gái "tuổi học sinh"
(Dân trí) - Theo phong tục của đồng bào Mạ, khi trai gái tìm hiểu nhau, gia đình nhà trai sẽ mang lễ vật tới nhà gái để "nói chuyện người lớn".
Mô hình góp phần thực hiện Dự án 8: Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ emthuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Dự án hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Một buổi chiều tháng 10, nhóm người lạ mang theo một con gà đến nhà một người dân tại thôn 1, xã Quảng Khê (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông). Nghi ngờ gia đình này đang tính chuyện cưới xin cho con cái chưa đủ tuổi theo quy định, người dân đã thông báo với chính quyền địa phương để kịp thời can thiệp.
Bà Nguyễn Thị Vân, cán bộ Tư pháp UBND xã Quảng Khê, chia sẻ theo phong tục của đồng bào Mạ, khi con cái tìm hiểu nhau, gia đình nhà trai sẽ mang một con gà hoặc một ché rượu tới nhà gái để "nói chuyện người lớn". Nếu gia đình nhà gái đồng ý, họ sẽ nhận số lễ vật trên, đồng thời cho phép đôi nam nữ được gặp gỡ, trước khi tiến tới hôn nhân.
Ngay khi nhận được tin báo của người dân địa phương, Tổ tuyên truyền về pháp luật hôn nhân gia đình của xã Quảng Khê đã kịp thời có mặt để vận động hai bên gia đình.
Tại đây, cán bộ tư pháp cùng với trưởng bon (thôn) đã phân tích, đồng thời khuyên bảo gia đình không nên để con cháu kết hôn khi chưa đủ tuổi. Sau quá trình vận động, gia đình nhà trai đã đồng ý mang lễ vật về. Hai cháu nhỏ sau đó cũng cắt đứt mối liên hệ với nhau.
Chia sẻ về trường hợp này, bà Vân nói thêm: "Đây là một phong tục của đồng bào Mạ, nếu gia đình nhà gái nhận lễ vật rồi thì sẽ rất khó can thiệp. Rất may mắn, Tổ tuyên truyền đã có mặt kịp thời để vận động người dân không cho con cái kết hôn sớm. Sau khi vận động thành công, hai bên gia đình đã đồng ý ký vào bản cam kết không để xảy ra tình trạng tảo hôn và tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành".
Nữ cán bộ tư pháp cho hay, trong thời gian qua, tình trạng tảo hôn đã giảm đáng kể trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, ở một số thôn, bon, vẫn còn trường hợp các gia đình tổ chức đám cưới cho con cái khi các con chưa đủ tuổi.
Ngoài trường hợp nêu trên, bà Vân cho biết, tháng 9 vừa qua, chính quyền xã Quảng Khê đã vận động gia đình một người Mạ khác không cho con cái kết hôn sớm. Sau khi vận động thành công, bé gái 16 tuổi tiếp tục đến trường.
Chị H'G. (mẹ bé gái 16 tuổi nêu trên) chia sẻ: "Chúng tôi khuyên con tập trung vào việc học hoặc phụ giúp bố mẹ, nếu muốn yêu nhau thì chờ đến khi đủ 18 tuổi. Sau khi được mọi người tư vấn, cháu đã trở lại trường, đồng thời dừng việc liên lạc với bên kia (người bạn trai)".
Tảo hôn giảm nhưng vẫn nhức nhối
Trước đó, Dân trí đã phản ánh, thời điểm dịch Covid-19 (2021-2022), huyện Đắk Glong tổ chức dạy học theo hình thức học trực tuyến. Cũng trong giai đoạn này, tại một số địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, xảy ra tình trạng học sinh nghỉ học để lập gia đình.
Nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh về tảo hôn, các trường học lồng ghép nội dung tuyên truyền pháp luật hôn nhân gia đình vào hoạt động chính khóa, ngoại khóa. Nhiều cơ sở giáo dục xây dựng các sân chơi lành mạnh, câu lạc bộ vui chơi để khuyến khích các em tham gia, động viên các em đến trường.
Sau một thời gian triển khai, hiện nay, tình trạng học sinh nghỉ học để lập gia đình ở nhiều trường học đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên, ở một số nơi, do phong tục tập quán và do điều kiện kinh tế khó khăn, vẫn còn tình trạng tảo hôn ở lứa tuổi học sinh.
Phòng Dân tộc huyện Đắk Glong thống kê, 10 tháng đầu năm nay, toàn huyện Đắk Glong ghi nhận 8 cặp tảo hôn. So với trước đây, tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện giảm mạnh, tuy nhiên đây vẫn còn là vấn đề hết sức nhức nhối.
Cũng theo Phòng Dân tộc huyện Đắk Glong, các trường hợp tảo hôn thường xảy ra tại vùng sâu, vùng xa, đường đi lại khó khăn và thuộc một cộng đồng dân tộc nhất định. Việc tảo hôn chỉ được phát hiện khi các cặp vợ chồng này tới chính quyền địa phương để đăng ký khai sinh cho con cái.