1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Mừng thọ ông 80 tuổi, cả 13 đứa cháu cắm mặt vào điện thoại

Hoài Nam

(Dân trí) - Trong lễ mừng thọ 80 tuổi của cha mình, chị Nh. chụp lại bức ảnh cả đàn cháu cùng cắm mặt vào điện thoại, không hề quan tâm mọi thứ xung quanh, dù là sự kiện tụ họp đại gia đình.

Chị P.T.Nh., ở Hà Nội, kể tuần rồi, anh em chị tổ chức lễ mừng thọ 80 tuổi cho cha tại một nhà hàng ở Hà Nội.

Hình ảnh chị nhớ mãi trong lễ mừng thọ hôm đó là cảnh 13 đứa trẻ, con chị và con của anh chị em trong nhà cùng dán mặt vào điện thoại.

13 đứa trẻ là anh em họ trong nhà, đứa lớn nhất đang là sinh viên đại học, đứa bé nhất mới hơn một tuổi.

Chị Nh. mô tả, khi bàn tiệc bày ra, những đứa trẻ ăn uống qua loa rồi chóng vánh, lần lượt từng đứa dạt sang khu vực trống ngay cạnh, ngồi bấm điện thoại, chơi game. Đứa này nối đứa kia, chỉ một lúc sau đã mỗi đứa một chiếc điện thoại.

Ngay cả thành viên nhỏ nhất, mới hơn một tuổi ngồi ở ghế ăn trẻ em cũng được… mẹ đặt điện thoại trước mặt cho xem.

Mừng thọ ông 80 tuổi, cả 13 đứa cháu cắm mặt vào điện thoại - 1

Những đứa trẻ say sưa với chiếc điện thoại trên tay (Ảnh: NVCC).

Người phụ nữ này cho hay, những đứa trẻ là con mình, cháu mình mê điện thoại đến độ ăn uống vội vàng, sơ sài. Ngay cả khi chúc mừng ông hay lúc chụp ảnh kỷ niệm, bố mẹ cũng rất khó khăn để gọi chúng tham gia hoạt động chung của gia đình.

"Bố mẹ phải kêu gào, nhắc nhở bọn trẻ mới chịu đứng dậy với thái độ miễn cưỡng, hậm hực, thực hiện cho xong việc rồi trở lại với điện thoại ngay. Có đứa còn phản ứng gay gắt khi bị bố mẹ thu điện thoại", chị Nh. nói.

Người mẹ nói thêm, hai con của chị cũng thường xuyên sử dụng điện thoại, máy tính bảng hoặc xem tivi. Đặc biệt là những ngày hè không đến trường, các cháu dùng các thiết bị điện tử với tần suất dày đặc hơn.

Đã không ít lần nhìn con chơi điện thoại, chị bực mình, nổi khùng nổi điên quát tháo con nhưng rồi đâu lại vào đó.

Hai con của chị Nh. đang ở độ tuổi tiểu học, chưa có điện thoại riêng nhưng đã có máy tính bảng riêng, được mua ở thời điểm học online do tác động của dịch bệnh Covid-19.

Chị thừa nhận, vợ chồng đi làm từ sáng đến tối, không có nhiều thời gian và cũng không đủ kiên nhẫn để chơi, trò chuyện hay đưa con đi đây đi đó. Nên hầu như thời gian ở nhà, các con… chơi với điện thoại, tivi.

Nhiều lúc lo lắng trước việc con sử dụng điện thoại nhiều nhưng rồi chị Nh. lại tự an ủi… con mình dùng điện thoại "chưa thấm vào đâu" so với nhiều đứa trẻ khác.

Nhưng những ngày qua, hình ảnh "cả đàn cháu cắm mặt vào điện thoại" trong ngày mừng thọ ông làm chị cảm thấy bất an, hoảng sợ. 

Khảo sát với cha mẹ về sự an toàn trên mạng do Google thực hiện trong năm 2022 cho thấy, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9 tuổi trong khi độ tuổi trung bình của trẻ trên thế giới sử hữu điện thoại là 13.

Điều tra hộ gia đình của dự án Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam chỉ ra, 89% trẻ em từ 12-17 tuổi, sử dụng Internet. Trong đó 87% sử dụng hàng ngày nhưng chỉ có 36% cho biết đã nhận được thông tin về cách đảm bảo an toàn trên mạng.

Đã có hàng loạt các nghiên cứu chỉ ra tác hại khủng khiếp của điện thoại thông minh đến sức khỏe trẻ em. Đó là sự ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất như về thị lực, xương khớp, giấc ngủ, khả năng tập trung… cùng hàng loạt nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần cũng như khả năng gắn kết của trẻ nhỏ.

Đó là chưa nói đến những nguy cơ bị lừa đảo, quấy rối, bạo lực trên mạng nhắm vào đối tượng trẻ nhỏ. 

Không cần đến những con số, nghiên cứu, giờ đây chúng ta dễ dàng bắt gặp ở bất cứ đâu hình ảnh những đứa trẻ bỏ hết thế giới thực xung quanh, chỉ tập trung vào chiếc điện thoại thông mình trên tay.

Mừng thọ ông 80 tuổi, cả 13 đứa cháu cắm mặt vào điện thoại - 2

Những đứa trẻ cùng xúm vào chiếc điện thoại (Ảnh: Hoài Nam).

Tại tọa đàm về tác động của điện thoại đến học trò ở TPHCM cách đây không lâu, PGS.TS Lương Thị Ngọc Ánh, Trường Đại học Hồng Bàng, kêu gọi con trẻ cần có sự lắng nghe, tương tác với mọi người xung quanh, với bạn bè, thầy cô, gia đình thì mới được truyền lửa, nuôi dưỡng được tâm hồn, để có thể phát triển tình cảm, nhân cách.

Việc sa vào điện thoại một cách mất kiểm soát có thể dẫn đến việc trẻ thiếu hoạt động vận động, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, kéo theo ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần và xã hội, mất đi cảm xúc tương tác với mọi người - những cảm xúc vốn được  sinh ra từ giao tiếp, trò chuyện…