Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện dựa trên chuẩn nghèo mới

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn.

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện dựa trên chuẩn nghèo mới - 1

Ảnh minh họa.

Đây là nội dung công văn vừa được Bộ LĐ-TB&XH gửi Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam nhằm hướng dẫn về việc tham gia BHXH tự nguyện giai đoạn 2022-2025.

Cụ thể, khoản 1 và 2 điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP, khoản 1 và 2 điều 9 Thông tư 01/2016/TT-BLĐTBXH nêu rõ, mức đóng 3 tháng hoặc 6 tháng hoặc 12 tháng một lần bằng mức đóng hằng tháng nhân với 3 đối với phương thức đóng 3 tháng; nhân với 6 đối với phương thức đóng 6 tháng và nhân với 12 đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.

Trong đó, mức đóng hằng tháng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng.

Về việc đóng bù cho số tháng chậm đóng, Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn, theo quy định tại khoản 3 điều 12 Nghị định 134 và khoản 3 điều 11 Thông tư 01 nêu trên, mức đóng bù cho số tháng chậm đóng xác định dựa trên mức đóng hằng tháng, mức đóng 3 tháng, 6 tháng hoặc 12 tháng một lần.

Như vậy, mức đóng hằng tháng thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng.

Về việc hỗ trợ tiền đóng BHXH, theo quy định tại khoản 1 điều 14 Nghị định 134 và khoản 1 điều 12 Thông tư 01, người tham gia BHXH tự nguyện được nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỉ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn tại thời điểm đóng.

Cũng trong nội dung công văn, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị BHXH Việt Nam trao đổi với Bộ Tài chính để thống nhất nội dung về hướng dẫn xác định số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ để bảo đảm việc thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP, chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 ở khu vực nông thôn được quy định là: Hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.