Minh Béo có tiền án ấu dâm được nhận huy chương: Cục Trẻ em lên tiếng!
(Dân trí) - Ngay sau khi có dư luận về diễn viên Minh béo, người từng bị tuyên phạt 18 tháng tù tại Mỹ vì tội ấu dâm... được nhận Huy chương ngành nghệ thuật, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em đã lên tiếng.
Dân trí xin trích đăng cuộc trao đổi với ông Nam để làm rõ vấn đề này trước nhiều luồng dư luận phản ứng khá gay gắt việc một người từng bị xử tội danh với trẻ em, được tặng huy chương nghệ thuật, người này còn tổ chức livestream trên mạng xã hội.
Thưa Cục trưởng Đặng Hoa Nam, mấy ngày gần đây việc diễn viên Minh béo tham gia và được trao Huy chương bạc tại Liên hoan kịch nói toàn quốc khu vực phía Nam đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều trên báo chí và dư luận xã hội, ông có bình luận gì về vấn đề này?
- Việc diễn viên Minh béo được trao Huy chương Bạc tại Liên hoan kịch nói toàn quốc năm 2021 do Hội đồng nghệ thuật của cuộc Liên hoan này quyết định và Ban tổ chức Liên hoan trao.
Nhưng do năm 2016, diễn viên này đã bị Tòa Thượng thẩm quận Cam, chi nhánh Westminster, California (Hoa Kỳ) tuyên án 18 tháng tù giam vì tội xâm hại tình dục trẻ em và bị trục xuất khỏi lãnh thổ Hoa Kỳ, bị từ chối trở lại Hoa Kỳ, trở thành công dân Hoa Kỳ nên đã gây ra những tranh luận nhiều chiều và trái chiều trong dư luận xã hội.
Tôi đã theo dõi thông tin trên báo chí và trao đổi với Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện lãnh đạo Cục này khẳng định: Việc tham gia của Công ty Sao Minh béo đã được cơ quan quản lý ở địa bàn TPHCM chấp thuận và phía Minh béo cũng đăng ký tham gia Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 theo đúng quy định.
Giải thích về tiền án xâm hại tình dục trẻ em tại Hoa Kỳ của Minh béo và việc hành nghề của diễn viên này, đại diện Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng cho rằng: Về mặt chính thức, các cơ quan Nhà nước đều không có bất cứ khuyến nghị nào về việc hành nghề của diễn viên Minh béo. Hiện diễn viên này và Công ty của anh ta đều không vi phạm pháp luật, họ đủ điều kiện để tham gia Liên hoan.
Tìm hiểu về khuyến nghị của cơ quan chức năng, tôi thấy rằng ngày 29/05/2017, tại cuộc họp báo của UBND TPHCM, đại diện của Sở Văn hóa, Thể thao địa phương này cho biết: Sau khi ra tù từ Hoa Kỳ về nước, ngày 26 tháng 12 năm 2016, Sở Văn hóa, Thể thao thành phố đã mời diễn viên Minh béo đến Sở để báo cáo lý do đến Hoa Kỳ và những vi phạm pháp luật ở nước sở tại.
Với trách nhiệm quản lý nhà nước, Sở đã "khuyến cáo ông Hồng Quang Minh không nên tham gia hoạt động biểu diễn vì những sai phạm nêu trên, đồng thời để tránh dư luận không tốt trong môi trường biểu diễn".
Như vậy tôi có thể hiểu với việc Minh béo được cơ quan quản lý nhà nước của thành phố Hồ Chí Minh chấp thuận cho tham gia Liên hoan nghệ thuật toàn quốc 2021, khuyến cáo trên đã hết hiệu lực.
Đối với Cục Trẻ em, cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước, điều phối về thực hiện quyền trẻ em, ông có thể giải thích những quy định pháp lý liên quan đến sự việc này?
- Những tranh luận xung quanh việc Minh béo tham gia Liên hoan kịch nói, tham gia biểu diễn nghệ thuật và Công ty Sao Minh béo liên quan đến quy định của pháp luật về lý lịch tư pháp, về xóa án tích và về quyền trẻ em.
Về lý lịch tư pháp, Luật Lý lịch tư pháp năm 2009, tại Điều 5 về đối tượng quản lý lý lịch tư pháp quy định đó là "Công dân Việt Nam bị kết án bằng bản án hình sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam, Tòa án nước ngoài mà trích lục bản án hoặc trích lục án tích của người bị kết án được cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp theo điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự hoặc theo nguyên tắc có đi có lại".
Minh béo bị kết án hình sự tại Hoa Kỳ, trong khi đó, Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự và cơ quan quản lý nhà nước về quyền trẻ em của Việt Nam cũng chưa nhận được khuyến nghị hoặc hồ sơ vụ án liên quan đến bản án của Minh béo từ phía cơ quan chức năng của Hoa Kỳ.
Về xóa án tích, theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, tại Điều 70 về đương nhiên được xóa án tích thì người bị kết án về hành vi xâm hại trẻ em đương nhiên được xóa án tích khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong các thời hạn sau: 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo; 02 năm trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm; 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm; 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Về quyền trẻ em, Bộ luật Lao động năm 2019 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật, trong đó có Thông tư số 09/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ LĐ-TB&XH quy định các điều kiện về sử dụng người chưa đủ 15 tuổi (trong đó có người chưa đủ 13 tuổi) làm công việc nghệ thuật, thể dục, thể thao.
Người sử dụng lao động phải có phiếu lý lịch tư pháp được cấp không quá 06 tháng kể từ ngày cấp đến ngày giao kết hợp đồng lao động, trong đó không có án tích về hành vi xâm hại trẻ em và có bản cam kết chưa từng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xâm hại trẻ em.
Để bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt về an toàn, phòng chống các nguy cơ xâm hại trẻ em trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; tránh những nhận thức, quan điểm khác nhau từ phía cơ quan quản lý nhà nước và dư luận xã hội trong những vấn đề có sự giao thoa giữa các lĩnh vực quản lý nhà nước, ông có đề xuất gì không?
- Về công tác xây dựng thể chế, trước một vấn đề xã hội có nhiều ý kiến trái chiều, nhiều cách hiểu, quan điểm khác nhau, đặc biệt các vấn đề, mối quan hệ có sự giao thoa giữa nhiều lĩnh vực, đối tượng quản lý thì cần rà soát, nghiên cứu để có sự bổ sung, điều chỉnh kịp thời các quy định pháp lý.
Đối với sự việc chúng ta đang trao đổi, tôi kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần chủ trì, phối hợp rà soát, nghiên cứu để ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp lý cụ thể về: Tiêu chuẩn, điều kiện người được tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật, tham gia các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật biểu diễn cho công chúng, nhân sự điều hành doanh nghiệp hoạt động nghệ thuật, đặc biệt về thời gian, thời hiệu hoạt động liên quan đến lý lịch tư pháp, án tích, quá trình hoạt động nghệ thuật của người tham gia biểu diễn, người quản lý hoạt động, doanh nghiệp hoạt động nghệ thuật.
Để đảm bảo quyền của trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH sẵn sàng phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, rà soát, đề xuất về các quy định pháp lý cũng như chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp để phòng tránh việc những nghệ sỹ, diễn viên, người quản lý, điều hành các hoạt động, doanh nghiệp hoạt động nghệ thuật đã có lý lịch tư pháp về xâm hại trẻ em tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dành cho trẻ em, có sự tham gia của trẻ em hoặc có khán giả, công chúng là trẻ em hoặc tham gia các hoạt động có ảnh hưởng xã hội rộng lớn khác.
Xin cảm ơn ông vì cuộc trao đổi này!