Mất việc, sao để người lao động vẫn có lương hưu?

Lê Thanh Xuân

(Dân trí) - Mất việc làm, không thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, nhiều lao động vẫn tiếp tục ở lại "lưới an sinh" bằng cách đóng BHXH tự nguyện.

Mỗi tháng, họ chắt chiu một khoản tiền nhỏ để tham gia BHXH, đổi lại được yên tâm có tuổi già thảnh thơi nhờ lĩnh lương hưu và được cấp thẻ BHYT chăm sóc sức khỏe…

Khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động sẽ được nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng theo quy định và được lựa chọn phương thức đóng linh hoạt, phù hợp với thu nhập của bản thân như: đóng định kỳ hoặc đóng 1 lần cho những năm còn thiếu (không quá 10 năm) để đủ điều kiện hưởng lương hưu.

Sau khi được Nhà nước hỗ trợ, mức đóng thấp nhất của người tham gia BHXH tự nguyện hiện nay là 231.000 đồng/tháng (với người thuộc hộ nghèo); 247.000 đồng/tháng (với người thuộc hộ cận nghèo); 297.000 đồng/tháng (với đối tượng khác).

Mất việc, sao để người lao động vẫn có lương hưu? - 1

Hướng dẫn người dân tham gia BHXH tự nguyện (Ảnh: BHXH VN).

Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tự do được tiếp cận và thụ hưởng chính sách BHXH, hiện nay, nhiều tỉnh còn hỗ trợ thêm từ ngân sách địa phương cho người tham gia BHXH tự nguyện ngoài mức quy định của Nhà nước. Do đó, số tiền thực đóng của người dân khi tham gia BHXH tự nguyện tại các địa phương này tiếp tục thấp hơn.

Không chỉ được thụ hưởng nhiều quyền lợi, chế độ, thủ tục đăng ký đóng, nộp BHXH tự nguyện cũng rất thuận tiện, nhanh chóng tạo thuận lợi cho người tham gia. 

Về đóng trực tiếp, người tham gia nộp hồ sơ và đóng tiền BHXH tự nguyện theo quy định tại Tổ chức dịch vụ được ủy quyền thu BHXH, BHYT hoặc cơ quan BHXH nơi cư trú hoặc tạm trú.

Đặc biệt, sau khi nộp tiền đóng BHXH tự nguyện cho nhân viên thu của Tổ chức dịch vụ thu, người dân có thể thực hiện tra cứu, kiểm soát thông tin đóng BHXH tự nguyện của mình. Nhờ đó, thông tin được công khai, minh bạch và quyền lợi của người tham gia luôn được đảm bảo theo quy định.

Mất việc, sao để người lao động vẫn có lương hưu? - 2

Tham gia BHXH tự nguyện thông qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia (Ảnh: Chụp màn hình).

Người tham gia không cần trực tiếp đến cơ quan BHXH hay tổ chức dịch vụ được ủy quyền thu BHXH, BHYT mà có thể đóng, nộp BHXH tự nguyện online qua Cổng Dịch vụ công (DVC) BHXH Việt Nam hoặc Cổng DVC quốc gia với quy trình được tự động hóa mức độ cao; hoặc trên ứng dụng trực tuyến của một số ngân hàng đảm bảo giao dịch nhanh gọn, thuận tiện.

Theo số liệu thống kê, tính đến hết tháng 8, cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia BHXH, trong đó khoảng gần 1,5 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; đến ngày 18/8, đã có 3.141 trường hợp đóng tiếp BHXH tự nguyện qua Cổng DVC Quốc gia.