Mặt trận phân bổ 325 tỷ đồng đến bà con vùng lũ
Theo ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN, số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ bằng tiền và hiện vật qua hệ thống Mặt trận từ Trung ương tới địa phương là trên 350 tỷ đồng.
Trong đó, Mặt trận đã phân bổ trên 325 tỷ đồng đến bà con các tỉnh vùng lũ.
Miền Trung luôn là điểm đến của nhiều cơn bão, kéo theo nhiều thiệt hại về người và của. Những tháng qua, khi vừa thoát cơn đại dịch Covid-19, kinh tế tê liệt, người miền Trung gần như kiệt quệ thì liên tiếp bão, lũ lại giáng xuống mảnh đất vốn còn quá nhiều khốn khó này.
Nhưng trong gian khó ấy, chúng ta lại càng cảm nhận sâu sắc tình dân tộc, nghĩa đồng bào hướng về miền Trung, khúc ruột của Tổ quốc.
Tình dân tộc, nghĩa đồng bào được chắt chiu trong những cân gạo, thùng mì, và quần áo ấm vẫn đang được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân tìm cách chuyển đến miền Trung thông qua hệ thống Mặt trận từ trung ương tới địa phương.
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, tính đến ngày 24/11, hệ thống Mặt trận từ trung ương tới địa phương đã tiếp nhận số tiền ủng hộ và đăng ký ủng hộ bằng tiền và hiện vật là trên 350 tỷ đồng. Trong đó, Mặt trận đã phân bổ trên 325 tỷ đồng đến bà con các tỉnh vùng lũ.
Cụ thể, Ban cứu trợ trung ương đã tiếp nhận bằng tiền và hiện vật được trên 76,571 tỷ đồng, trong đó tiếp nhận bằng tiền là 71,341 tỷ đồng, tiếp nhận hiện vật quy ra tiền là 5,2 tỷ đồng.
Theo đó, ở Trung ương đã phân bổ tiền và hiện vật quy ra tiền được trên 73,591 tỷ đồng. Trong đó, phân bổ tiền trong hai đợt là 68,391 tỷ đồng. Đợt một phân bổ 23,391 tỷ đồng. Đợt hai phân bổ 45 tỷ đồng. Đồng thời cũng phân bổ hiện vật quy ra tiền là 5,2 tỷ đồng.
Ở địa phương đã tiếp nhận tiền và hiện vật quy ra tiền là trên 273,5 tỷ đồng. Trong đó tiếp nhận bằng tiền là 262,5 tỷ đồng, tiếp nhận hiện vật quy ra tiền là 11 tỷ đồng. Các địa phương đã phân bổ tiền và hiện vật quy ra tiền là 254,533 tỷ đồng.
Trước những thiệt hại nặng nề về người và tài sản của đồng bào các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên bởi những cơn bão chồng bão, lũ chồng lũ, những ngày qua, hệ thống Mặt trận từ Trung ương đến địa phương vẫn tiếp tục tiếp nhận nhiều tấm lòng nhân ái từ các cơ quan, tổ chức cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ở trong và ngoài nước cùng bạn bè quốc tế...
Điều này càng thể hiện cho sự tin tưởng của người dân vào Mặt trận trong việc tiếp nhận ủng hộ, phân bổ cứu trợ và giám sát cứu trợ.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, chính trong những lúc này, khi bão, lũ đi qua, càng cần nhiều hơn nữa những nguồn lực ủng hộ để giúp bà con vượt qua khó khăn về nhà ở, khôi phục sản xuất và cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương sửa sang hệ thống điện, đường, nhà văn hóa, trạm y tế và các công trình phúc lợi.
Chính vì vậy, những tấm lòng, những nghĩa cử cao đẹp của người Việt Nam ở trong và ngoài nước sẽ tiếp tục được lan tỏa để góp thêm nguồn lực gửi tới bà con các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Đặc biệt, từ nguồn tiền, hiện vật tiếp nhận ủng hộ được, Mặt trận cùng các tổ chức thành viên luôn giám sát chặt chẽ việc phân bổ nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, tránh hiện tượng trùng lặp.
Thực tế cho thấy, miền Trung luôn là điểm đến của nhiều cơn bão, kéo theo nhiều thiệt hại về người và của. Phân tích của các nhà khoa học đã chỉ ra, đa phần các cơn bão lớn thường bắt nguồn từ nguyên nhân địa lý. Theo đó, bão hình thành ở các vùng nhiệt đới vì hiện tượng thiên nhiên này cần một dòng nước rất nóng, tối thiểu là 26 độ ở độ sâu ít nhất là 50m.
Hầu hết các cơn bão thường đi men theo rìa các áp cao và chịu lực hút từ các vùng áp thấp. Ở nước ta, những tháng mặt nước biển chứa nhiều năng lượng nhất (tháng 7,8,9) rãnh thấp thường nằm vắt ngang miền Trung nên bão cũng thường theo đường đó mà đi.
Khi bão đổ bộ vào miền Trung lại thường gây ra tình trạng lũ lụt trên diện rộng. Điều này phần lớn do địa hình các tỉnh miền Trung có đường bờ biển kéo dài, đồng bằng hẹp. Nơi đây còn có hệ thống sông ngòi, kênh rạch rất chằng chịt. Điều đáng nói, sông, suối nhiều nhưng chiều dài các sông đa số ngắn và có độ dốc lớn. Lưu vực các sông thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh. Các cửa sông lại hay bị bồi lấp làm cản trở việc thoát lũ cho vùng đồng bằng.
Ngân hàng Thế giới cho rằng, mỗi năm, thiên tai đã đẩy ít nhất 26 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo. Việt Nam là một trong những quốc gia phải gánh chịu nhiều nguy cơ thiên tai như bão, lũ lụt và hạn hán… Tại Việt Nam, ước tính khoảng 60% tổng diện tích đất đai và 71% dân số phải chịu nguy cơ bão và lũ lụt.
Ở một đất nước mà hàng năm có tới hơn mười cơn bão đổ bộ, chủ yếu ở khu vực miền Trung, chưa kể mưa lũ bất thường, cơn bão cơn lũ nào cũng hung hãn và tàn phá nhiều nhà cửa, tài sản và cướp đi mạng sống của bao người. Việt Nam chưa bao giờ hết gian nan trong cuộc chiến với thiên tai.
Trong những chuyến đi cứu trợ các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh tới Quảng Bình, từ Quảng Nam tới Quảng Ngãi của Chủ tịch Trần Thanh Mẫn và ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam, Trưởng Ban cứu trợ Trung ương - một quy hoạch dài hơi và thiết thực hơn nữa trong công tác ứng phó với thiên tai - luôn là trăn trở thường trực của người Mặt trận với cộng đồng ở những khu vực thường xuyên bị bão lũ.
Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, để giải quyết những vấn đề trước mắt, việc khắc phục hậu quả của thiên tai là việc làm cấp thiết hiện nay. Trong đó, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể tại địa phương cần tiếp tục đi đến từng hộ gia đình bị thiệt hại nặng nề sau bão để khảo sát, thống kê nhằm chủ động hơn nữa để giúp bà con xây mới, sửa sang nhà cửa, tạo sinh kế để bà con có nguồn lực chăn nuôi, sản xuất; đồng thời cần quan tâm tới vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh từ tàn dư của cơn bão; đảm bảo mọi điều kiện để học sinh được đến trường và bà con yên tâm đón Tết Nguyên đán.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng, cùng với nguồn hỗ trợ của Trung ương, địa phương cần huy động thêm nhiều nguồn lực và sự chung tay của các nhà hảo tâm để giúp bà con có căn nhà kiên cố, vững vàng trước sự khốc liệt của bão lũ.
Theo Dạ Yến
Tạp chí Mặt Trận