Mặc đồ cực sexy đi phỏng vấn, cô gái trẻ nhận ngay việc lương gần 1.000 USD
(Dân trí) - Khác những lần mặc trang phục nghiêm túc đi phỏng vấn, lần này Hoa đánh liều ăn mặc thật sexy, nóng bỏng và bất ngờ trúng tuyển công việc lương ngàn "đô".
Ứng viên bị đánh rớt vì vẻ ngoài
"Có nên mặc thật sexy, nóng bỏng khi đi phỏng vấn không các anh chị ơi?", là câu hỏi của một nữ ứng viên tại diễn đàn nhân sự ở TPHCM kéo theo nhiều ý kiến phản hồi.
Nữ ứng viên này cho biết, cô mới tốt nghiệp ngành truyền thông cách đây vài tháng, đang làm việc tự do vì chưa kiếm được công việc chính thức. Cô đã đi phỏng vấn nhiều lần nhưng đều... rớt.
Có người chê cô ăn mặc "phèn" quá, nhìn không ai muốn nhận. Vì vậy, cô gái cao 1m65, dáng mảnh muốn thử ăn mặc sexy khi đi phỏng vấn để "đổi vận" nhưng lại sợ gây phản cảm.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, phó phòng nhân sự tại một công ty ở TPHCM cho biết, trong quá trình tuyển dụng đã mất thiện cảm với không ít ứng viên vì vẻ bề ngoài.
Nhiều bạn đã tốt nghiệp, gia nhập thị trường lao động nhưng ăn mặc xộc xệnh, lôi thôi, quần áo nhàu nhĩ, nhăn nhúm. Có ứng viên còn đi dép bệt, tóc tai bù xù khi bước vào phòng phỏng vấn...
Không chỉ vẻ ngoài, nhiều ứng viên trẻ còn thiếu tự tin hay thiếu ý tứ trong giao tiếp, khi ấy anh Tuấn Anh sẽ kết thúc nhanh cuộc phỏng vấn và xếp hồ sơ ứng viên sang một bên.
Theo vị phó phòng này, sơ sài, cẩu thả trong ăn mặc khi đi phỏng vấn là điều ứng viên phải tránh. Bởi qua vẻ ngoài, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá tác phong, sự chỉn chu, nghiêm túc của mình trong công việc.
Tuy nhiên, nếu để "vượt" đến ngưỡng ăn mặc sexy, nóng bỏng đi phỏng vấn thì ông Phúc cho rằng ứng viên cẩn thận "chơi dao đứt tay".
"Giữa sexy và phản cảm có khi rất mong manh, nhất là ở môi trường công sở. Vẻ ngoài tác động rất lớn đến ấn tượng ban đầu, có thể bạn thấy đẹp, hấp dẫn nhưng người khác lại cho là thiếu nghiêm túc, thiếu đứng đắn", ông Tuấn Anh nêu quan điểm.
Cũng như ông Tuấn Anh, phần lớn các ý kiến phản hồi tại diễn đàn đều cho rằng ứng viên nên cẩn trọng khi chọn ăn mặc sexy đi phỏng vấn.
Hầu hết các công ty đều yêu cầu ứng viên ăn mặc lịch sự khi đến phỏng vấn hay xuất hiện ở công sở. Nếu không nắm chắc tình hình, ứng viên nên hướng đến phương án an toàn là trang phục lịch sự.
Liều lĩnh với phong cách sexy
Ý kiến ngược lại, Trương Ngọc Hoa, 28 tuổi, nhân viên tại một công ty quảng cáo ở TPHCM bày tỏ, ứng viên không nên trói mình trong bất kỳ một khuôn mẫu nào, kể cả phong cách khi đi phỏng vấn. Cần nhất là sự linh hoạt tùy hoàn cảnh, tùy ngành nghề, tùy cá tính.
Hoa kể vài năm trước, cô chật vật tìm việc. Dù có bằng cấp, năng lực nhưng cô không ghi điểm được với nhà tuyển dụng.
Cho rằng phong cách của mình chưa ấn tượng, Hoa quyết định "lột xác" khi đi phỏng vấn. Thay cho những chiếc áo sơ mi kín cổng cao tường, quần tây trang nghiêm, Hoa khoác lên mình chiếc áo trễ vai khoe được xương quai xanh và vòng eo thon, váy bó ngắn tôn chân, đi giày cao gót. Hoa còn làm tóc, trang điểm và mang trang sức cá tính...
Với phong cách sexy này, khi đến chỗ phỏng vấn, Hoa khác biệt hẳn ở vẻ ngoài so với các ứng viên khác. Lúc đó, cô cũng có chút ngại ngần, lo lắng...
Tuy vậy, ngay lần đầu đi phỏng vấn với vẻ ngoài phá cách như vậy, Hoa được nhận vào làm ở vị trí yêu thích với mức lương thử việc hơn 20 triệu đồng/tháng.
Ngoài bằng cấp, kinh nghiệm, nhà tuyển dụng đánh giá cô gái có phong cách, có sự sáng tạo, tố chất rất cần thiết với lĩnh vực quảng cáo, tổ chức sự kiện.
Theo Hoa, những nguyên tắc khi đi phỏng vấn hay được đề cập không phải lúc nào cũng phù hợp. Quần áo, phong cách khuôn mẫu có thể hợp với ngành này nhưng chưa chắc đã là lợi thế ở những lĩnh vực khác.
Bởi thế, hơn ai hết chính ứng viên phải hiểu mình và hiểu người, hiểu về đặc thù ngành nghề, môi trường làm việc để đưa ra quyết định. Có khi cũng cần phải thử, phải liều.
"Có thể tôi may mắn khi gặp nhà tuyển dụng có tư duy, cách nhìn nhận cởi mở. Biết đâu gặp người khác, nhìn ứng viên ăn mặc sexy như vậy lại đánh rớt ngay. Nên thật ra, đi phỏng vấn còn có cả yếu tố hên xui, bằng cấp nào thì cũng không qua nổi bằng... lòng", nữ nhân viên quảng cáo cười, nói.
Trong lần đối thoại giữa người lao động trẻ, sinh viên tiêu biểu với lãnh đạo TPHCM cách đây không lâu, Võ Lập Phúc, thủ khoa Trường đại học Sư phạm TPHCM đặt ra vấn đề về phong cách ăn mặc của nhân viên làm việc trong môi trường nhà nước.
Bạn trẻ này băn khoăn, phải chăng khi làm việc trong cơ quan nhà nước, ngày qua ngày đều đến công sở với sơ mi trắng, quần tây đen, làm việc trong văn phòng với hồ sơ, giấy tờ?
Với những khuôn mẫu như vậy, Phúc lo ngại, môi trường này sẽ làm cho thế hệ trẻ vốn năng động cảm thấy ngột ngạt, ràng buộc bởi rất khó để thể hiện, để sáng tạo, để phát triển được bản sắc cá nhân.
Từ đó, nam thủ khoa đề xuất môi trường làm việc ở lĩnh vực công cũng cần phải làm sao vừa đề cao được tính kỷ luật, nề nếp, đề cao tinh thần tập thể cũng vừa thể hiện được đó là môi trường của sự phát triển, sáng tạo, đột phá, thay đổi...