Ly kỳ chuyện hai anh em 47 năm đi "đòi" chế độ thương binh
(Dân trí) - Rời chiến trường với 3 vết thương trên thân thể từ năm 1975, nhưng ông Khúc Văn Long và người em trai đã phải qua 47 năm gian truân đi tìm, khiếu nại để được hưởng chế độ thương binh.
Theo lời kể của ông Khúc Minh Ngà (em trai, đồng thời là người đồng hành cùng ông Long đi đòi quyền lợi suốt 47 năm qua), sau khi vào bộ đội, đi B, ông Khúc Văn Long bị thương tại Tây Ninh và được chuyển tuyến ra Đoàn an dưỡng 155 (tại thị trấn Kẻ Sặt, Bình Giang, Hải Dương). Thương tích thân thể ông được xác nhận từ năm 1975, vết thương lòng thì còn dai dẳng mãi.
"Hai vết thương" thời cuộc!
Hết thời gian điều trị tại Đoàn an dưỡng 155, gia đình ông Ngà đến Hải Dương đón anh trai trở về đoàn tụ.
Theo ông Ngà, ngay từ khi điều trị, phân loại sức khỏe tại Đoàn an dưỡng 155, ông Long đã được Quân khu Tả Ngạn (nay là Quân Khu 3) cấp chứng nhận thương binh.
"Kết luận tỷ lệ thương tật 45% (hạng 3/4) có trong Quyết định số 733 của Quân Khu Tả Ngạn. Họ ghi rõ số sổ thương binh của anh tôi là 32930, có ghi cả mức phụ cấp ở đó", ông Ngà thông tin.
"Gia đình chúng tôi làm các thủ tục hồ sơ, giấy tờ hưởng chính sách chuyển về cơ quan hành chính của Hải Hưng, rồi yên tâm đưa anh tôi về. Tuy nhiên, từ đó mãi vẫn không thấy thông tin", ông Ngà kể.
Theo ông Ngà: "Sau giải phóng, chính sách đãi ngộ của Nhà nước chưa có nhiều, thêm nữa cả đất nước lại trải qua hai cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam và cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, nhiều người vừa tham gia giải phóng miền Nam xong được động viên ra mặt trận... Sau hai cuộc chiến là thời kỳ bao cấp, thời cuộc cả đất nước như vậy, gia đình tôi cũng bị cuốn đi, không để ý đến chuyện đòi hỏi quyền lợi, chế độ riêng, chỉ chờ các cơ quan chức năng xử lý, bởi biết chính sách Nhà nước lúc này như nào mà đòi hỏi cho được".
Ông Ngà cũng kể sau chống Mỹ cứu nước, ông Long giải ngũ về quê, lần lượt là 4 anh em ông này lên đường nhập ngũ bảo vệ đất nước, thời chiến có, thời bình có, may mắn sau này 4 người em ông Long đều may mắn trở về lành lặn, nhưng cũng chỉ luôn canh cánh nỗi lo cho ông Long bị vết thương ảnh hưởng, sức khỏe đau yếu mà vẫn phải đi làm ruộng hằng ngày, không được hưởng chế độ nào.
"Một thời gian sau, thấy nhiều người có chế độ, anh tôi lên hỏi thì người ta bảo không có căn cứ để được hưởng chính sách thương binh", ông Ngà kể.
Ông Ngà cho biết, mãi sau này, khi con trai ông Long nhờ người hỏi ở tỉnh Hải Dương về hồ sơ của bố mình, mới thấy có hồ sơ gốc của ông Long vẫn ở tỉnh đội Hải Dương. Sau đó, gia đình đi hỏi và được nhận lại được hồ sơ gốc, làm đề nghị trả chế độ. Nhưng nhiều lần bản thân ông Long lên hỏi về chính sách chế độ cho mình, Sở LĐ-TB&XH đều nói là không đủ căn cứ.
"Trường hợp chúng tôi tìm được các căn cứ, hỏi Sở LĐ-TB&XH, đáng lẽ họ phải tìm lại, đối chiếu các hồ sơ để xác minh thì sự việc không xảy ra. Nếu nhỡ những người tham gia kháng chiến, bị yếu đi, mất khả năng lao động, nằm một chỗ hoặc tuổi già không nhớ gì cả sẽ bị bỏ qua?", ông Ngà nhấn mạnh.
Theo ông Ngà, sau nhiều năm gõ nhiều cửa, đi nhiều cửa, hy vọng tưởng chừng như mất hết thì gần đây Nhà nước cho phép những người mất giấy tờ chứng minh thương, bệnh binh có thể đi làm lại để hưởng chế độ chính sách.
"Gia đình động viên anh tôi làm một bộ hồ sơ để xem có được hưởng hay không? Thủ tục làm rất nhiều, từ việc niêm yết ở địa phương, thôn, xã để cho nhân dân, ai có khiếu nại, tố cáo thì đến. Sau đó địa phương, ban ngành đoàn thể đóng hàng chục con dấu vào hồ sơ và thống nhất gửi để ông Long được nhận chế độ. Tuy nhiên, sau đó cơ quan chức năng vẫn nói không đủ căn cứ giải quyết chế độ chính sách", ông Ngà nói.
Ông Ngà cho biết: "Gia đình lại một lần nữa quyết tâm đi xin lại số hồ sơ gốc còn lưu ở tỉnh đội Hải Dương và kiến nghị với Sở LĐ-TB&XH Hưng Yên cấp lại thẻ thương binh mới thay sổ thương binh đã thất lạc. Đến năm 2019, Sở LĐ-TB&XH Hưng Yên đã cấp lại thẻ thương binh theo sổ cũ từ năm 1975 nhưng ông Long vẫn không được hưởng trợ cấp".
Ông Ngà cho biết: "Mãi đến tháng 8/2021, ông Long mới được giải quyết trợ cấp thương tật hàng tháng, hơn 2,3 triệu đồng. Nhưng số tiền trợ cấp truy lĩnh từ năm 1975 cho đến nay vẫn chưa được!"
Theo ông Ngà, nguyện vọng của gia đình hiện nay là làm thế nào để giải quyết truy lĩnh chế độ cho ông Long bởi mỗi tuổi một già yếu hơn, đến nay ông đã gần 70. "Không ai dám chắc được sức khỏe bởi đối với người khỏe mạnh, độ tuổi này đã có nhiều bệnh, hơn nữa anh tôi lại có nhiều vết thương, trong đó có cả vết thương tinh thần", ông Ngà nói.
Theo ông Khúc Minh Ngà, hồ sơ thương tật có ghi và trên thân thể ông Long vẫn nhìn thấy ba vết thương, một vết thương trên trán trái, một vết thương trên trán phải, một vết thương vẫn còn mảnh đạn ở cằm.
"Sau khi giải phóng, anh tôi về địa phương cùng vợ làm ruộng, cuộc sống cũng không khấm khá, mãi đến tháng 8/2021 mới được nhận trợ cấp, đến nay được nửa năm. Gia đình lúc nào cũng đau đáu với vết thương thể chất và cả tinh thần của anh tôi", ông Ngà cho hay.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng Yên nhận sai!
Trao đổi với PV Dân trí ngày 22/2, ông Nguyễn Khắc Sang, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hưng Yên khẳng định, từ tháng 8/2021, Sở đã giải quyết chế độ cho ông Khúc Văn Long theo chính sách trợ cấp thương binh với mức 2,34 triệu đồng/tháng theo Quyết định số 2727 ngày 30/8/2021 về việc trợ cấp thương binh.
Tuy nhiên, việc thiếu trách nhiệm của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng Yên là từ năm 2000, khi hồ sơ các đối tượng chính sách được Bộ LĐ-TB&XH chuyển về các tỉnh, cán bộ LĐ-TB&XH Hưng Yên không rà soát việc ông Long không hưởng chế độ chính sách do đâu?
Năm 2019, Sở cũng đã cấp lại thẻ thương binh cho ông Long theo số sổ cũ năm 1975, nhưng từ thời điểm đó đến tháng 7/2021, ông Long vẫn không được hưởng chế độ chính sách.
"Lỗi ở đây là của Sở. Chúng tôi đáng ra phải rà soát, trong mấy chục nghìn hồ sơ Bộ chuyển về để xác định vì sao ông Long không hưởng chế độ. Vì lượng hồ sơ nhiều quá nên anh em không tự rà soát được. Đến năm 2019, khi gia đình ông Khúc Văn Long tìm ra thông tin và yêu cầu Sở trích lục hồ sơ gốc, chúng tôi đã cấp thẻ thương binh ngay khi đó", Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng Yên nhấn mạnh.
"Về nguyên tắc, sau khi cấp thẻ, cán bộ làm công tác LĐ-TB&XH phải rà soát ngay vì sao ông Long không được hưởng trợ cấp, có phải ông này đã hưởng các chế độ khác như mất sức hoặc không muốn hưởng", ông Sang cho biết.
Theo ông Sang, việc truy lĩnh chế độ cho ông Long từ năm 1975 đến tháng 7/2021 hết sức phức tạp bởi mức trợ cấp thương binh qua các giai đoạn rất khác nhau, giá trị trợ cấp vì thế cũng rất khác. Về việc này, hiện Sở LĐ-TB&XH Hưng Yên đã xin ý kiến Cục Người có công và Bộ LĐ-TB&XH về cách thức, phương thức thực hiện như thế nào để thấu lý, đạt tình.
Theo Phó GĐ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng Yên Nguyễn Khắc Sang, ngày 8/12/2021, UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản số 3138/UBND-KGVX gửi Bộ LĐ-TB&XH về việc hướng dẫn giải quyết việc truy lĩnh trợ cấp thương binh đối với ông Khúc Văn Long từ năm 1975 cho đến tháng 7/2021.
Về trách nhiệm để xảy ra sự việc, ông Sang cho biết hiện những người làm công tác ở Sở thời gian từ 1975 đến nay hầu hết nghỉ hưu.
Vì sao địa phương luôn trả lời: "Không đủ căn cứ"
Về việc vì sao Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng Yên trả lời hồ sơ đề nghị hưởng chế độ thương binh của ông Long không đủ căn cứ, bởi ngày 20/5/2021 Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hưng Yên nhận được văn bản số 668/NCC-CS1 của Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH) về việc giải quyết trợ cấp thương tật đối với ông Khúc Văn Long.
Theo đó, Cục Người có công cho ý kiến: "Theo quy định tại điểm 1, mục A, phần I, Thông tư số 254/TT-LB ngày 10/11/1967 của liên Bộ Nội vụ - Quốc phòng - Công an, khi thương binh xuất ngũ, đơn vị quản lý thương binh phải ghi vào sổ thương binh ngày tháng năm xuất ngũ và giới thiệu thương binh đến trình sổ thương binh và phiếu thương tại ủy ban hành chính tỉnh, thành phố nơi cư trú để thương binh được tiếp tục hưởng mọi quyền lợi ưu đãi đã quy định.
Ủy ban các tỉnh đăng ký và quyết định trợ cấp thương tật cho thương binh, cho các đối tượng chính sách theo hướng. Đối với thương binh, công nhân, nhân viên quốc phòng bị thương, khi ra ngoài quân đội, Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố đăng ký vào danh sách thương binh ở địa phương, chứng nhận vào sổ thương binh và giao lại sổ cho thương binh, công nhân, nhân viên quốc phòng giữ, sử dụng, sau đó chuyển "Phiếu thương tật" về Bộ Nội vụ để làm hồ sơ theo dõi.
Cục Người có công cho biết, theo công văn số 659/SLĐTBXH-NCC gửi về, ông Khúc Văn Long không cung cấp thông tin về quá trình di chuyển nơi ở từ 1975 đến nay và hồ sơ thương tật của ông này đã nộp cho cơ quan nào. Do đó, không thể xác định được địa phương nào đã đăng ký và quyết định trợ cấp thương tật cho ông Khúc Văn Long theo quy định nêu trên tại thời điểm năm 1975.
Cục Người có công khuyến cáo, các địa phương có nhiều trường hợp đề nghị hưởng lại chế độ ưu đãi đã bị cắt, bị dừng hoặc không được hưởng chế độ hàng chục năm trước đây.
Trong đó, có nhiều đối tượng qua thanh kiểm tra, rà soát, đã phát hiện không đủ điều kiện hưởng hoặc do phạm tội, vượt biên trái phép... nên đã bị đình chỉ chế độ ưu. Tuy nhiên, qua thời gian quá lâu, có những đối tượng di chuyển nhiều địa phương, đồng thời công tác lưu trữ hồ sơ tại nhiều cơ quan, đơn vị không tốt nên không xác định được lý do thực sự vì sao đối tượng bị cắt, bị dừng hoặc không được hưởng trợ cấp.
Cục Người có công đề nghị Sở LĐ-TB&XH Hưng Yên cần tiến hành xác minh rõ ràng nguyên nhân ông Long chưa được giải quyết chế độ từ khi xuất ngũ cho đến nay tại các cơ quan, đơn vị có liên quan. Nếu ông Long chưa nộp hồ sơ thương tật khi xuất ngũ thì cơ quan có thẩm quyền không có căn cứ để đăng ký và giải quyết trợ cấp thương tật tại thời điểm năm 1975 cho đến nay.