Lý do vợ chồng giáo sư khiến con trai ưu tú từ mặt hơn 20 năm
(Dân trí) - Viết chữ xấu liền bị ăn tát, nghịch ngợm sẽ bị phạt quỳ gối, chỉ được thích người "được duyệt"… là những áp đặt hà khắc mà Tiểu Hải (Trung Quốc) nhận được suốt tuổi thơ. Cậu đã từ mặt bố mẹ giáo sư.
23 năm qua là khoảng thời gian mà vợ chồng ông Hoàng Lâm Sâm (80 tuổi) tìm kiếm đứa con trai đã lâu không về nhà. Nhiều người thắc mắc về lý do chàng trai có thể để bố mẹ già cất công tìm kiếm mình trong vô vọng như vậy.
Trong mắt người khác, Tiểu Hải (con trai ông Sâm) là người có cuộc sống may mắn, hạnh phúc. Bố mẹ Hải đều là giáo sư đại học. Bố của Hải giảng dạy ở trường đại học danh tiếng tại Nam Kinh (Trung Quốc) nên anh vừa có uy tín xã hội vừa có gia thế vững chắc.
Biết lý do ẩn giấu sau đó cho thấy quyết định "biến mất" của người con trai chỉ là giọt nước tràn ly sau những ký ức ám ảnh thời thơ ấu.
Sự "uốn nắn" nghiêm khắc
"Tiểu Hải, lại đây, quỳ xuống", ông Hoàng Lâm Sâm hét lên. Tiếng hét lạnh lùng của người bố khiến Hải sợ hãi, vô thức run rẩy và không ngừng lục lọi đầu óc xem dạo gần đây mình có làm sai chuyện gì không.
Tiểu Hải chậm rãi bước đến. Ngay lập tức, ông Sâm tóm lấy cậu con trai lôi ra ngoài, buộc anh phải quỳ xuống. "Hôm nay con phải quỳ ở đây để hàng xóm thấy bố Hoàng Lâm Sâm này là một người biết dạy con!", người bố nói.
Cách đó không lâu, Tiểu Hải vô tình làm vỡ gạch nhà hàng xóm khi đang chơi cùng bạn bè. Người hàng xóm đã phàn nàn với ông Sâm - một người vốn luôn kiêu hãnh đến ngạo mạn - trở nên vô cùng tức giận.
Ông Sâm là một giáo sư rất quan tâm đến danh tiếng của mình. Nghĩ con trai quá nghịch ngợm, ông đã trừng phạt con thật nặng để hàng xóm cùng nhìn thấy.
Tiểu Hải phải quỳ ở đó suốt nhiều giờ, hàng xóm đi qua liên tục chỉ tay vào Hải khiến cậu vô cùng xấu hổ.
Tiểu Hải đã lớn lên trong sự giáo dục đầy nghiêm khắc như vậy.
Đến khi học cấp hai, mối quan hệ giữa cậu và bố trở nên xấu đi vô cùng nghiêm trọng.
Hôm ấy, sau bữa cơm tối, ông Sâm ép Tiểu Hải đến trước bàn ăn để kiểm tra bài tập về nhà như thường lệ. Khi thấy một số câu từ cẩu thả, khó đọc, ông Sâm trở nên mất kiên nhẫn.
Lúc này, ông quay sang trách mắng thì Tiểu Hải trả lời với vẻ dửng dưng khiến ông Sâm nghĩ rằng con đang chọc giận mình. Ngay lập tức, người bố giáo sư này đã tát 2 cái vào mặt con trai.
Dấu tay in hằn trên gương mặt, Tiểu Hải trừng mắt nhìn bố. Cậu con trai từ từ sửa bài theo ý bố, nhưng trong lòng thầm nghĩ sẽ không bao giờ gọi ông là bố nữa.
Bức thư từ biệt
Sự áp đặt của bố và sự đồng tình, lạnh lùng của mẹ khiến Tiểu Hải hoàn toàn tuyệt vọng và muốn thoát khỏi gia đình này.
Đỉnh điểm là khi đến tuổi niên thiếu, thời điểm Tiểu Hải lớn vọt, ông Sâm liền yêu cầu cậu ăn uống đều đặn và ăn số lượng nhiều gấp đôi.
Mỗi khi Tiểu Hải giải thích không thể ăn được nữa, ông Sâm liền hét lên: "Ăn thêm một bát nữa. Một phần nhỏ như vậy thì làm sao lớn được?".
Dần dà, đến bữa ăn với cậu con trai cũng là sự chịu đựng. Sau bữa ăn, Tiểu Hải còn bị ép đi bộ 1-2 tiếng vì ông Sâm không thích "hành vi lãng phí thời gian".
"Tôi không thể ăn được nữa!", Tiểu Hải kiềm nén cơn buồn nôn, buông đũa trong tay xuống. Thấy vậy, Hoàng Lâm Sâm liền yêu cầu vợ dọn cho Tiểu Hải thêm một bát cơm như thường lệ.
"Tôi đã bảo là tôi không ăn được nữa mà!", cậu con trai hét lên. Lúc này, ông Sâm phản bác: "Con không thể chống lại ta, ở trong gia tộc này, ta là pháp luật, ta là trời!".
Nghe vậy, Tiểu Hải sầm mặt xuống, càng suy nghĩ, chỉ có hoàn toàn thoát khỏi gia đình này mới có thể được tự do.
Sau kỳ thi tuyển sinh đại học, điểm số của Tiểu Hải đủ để chọn một trong hai trường đại học danh tiếng là Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa. Song, vì bố giảng dạy ở đại học Nam Kinh nên ông một mực yêu cầu con trai nộp đơn vào trường này để có thể tiện theo dõi con.
Chẳng những vậy, ông Sâm còn bắt con trai theo đuổi một cô gái mà con không thích, trực tiếp can thiệp vào tất cả các mối quan hệ của con. Ông thường xuyên dùng quan hệ cá nhân để nói chuyện với giáo viên của Tiểu Hải. Có thể nói mỗi hành động của Tiểu Hải đều không thể thoát khỏi tầm tay của ông.
Có lần, chỉ vì cho bạn học mượn 70 NDT (khoảng 240.000 đồng) mà Tiểu Hải bị bố tìm đến tận trường. Ông Sâm đã gây ồn ào đến mức cậu học sinh đó bị đuổi học. Về sau, người bạn học liên tục tránh mặt Tiểu Hải.
Năm 1994, Tiểu Hải tốt nghiệp đại học, tìm cách để được chuyển đi làm ở Bắc Kinh, tránh xa người bố của mình. Hay tin, ông Sâm phản ứng nhưng Tiểu Hải đã âm thầm bỏ đi.
Vợ chồng ông Sâm đến ký túc xá, nhưng Tiểu Hải đã không có ở đó, chỉ để lại căn phòng trống. Vài tháng sau, Tiểu Hải gửi cho bố mẹ một lá thư. Đọc thư, ông Sâm chưa kịp vui mừng thì nhận ra đó là thư từ mặt của con trai mình.
Đến nay đã 23 năm, Tiểu Hải cắt đứt mọi liên lạc. Vợ chồng ông Sâm vẫn luôn nỗ lực tìm con trai. Nhờ vào một chương trình tìm kiếm người thân, ông bà đã gọi được cho Tiểu Hải nhưng khi nghe thấy giọng mẹ, anh đã lập tức ngắt liên lạc và khóa máy.
Được biết, Tiểu Hải hiện sống ở Bắc Kinh, công việc đang gặp khó khăn. Tiền làm ra chỉ đủ trang trải cuộc sống giản tiện, Tiểu Hải sống không vợ, không con trong ngôi nhà thuê đơn sơ. Thế nhưng, khi được hỏi có muốn tìm lại bố mẹ không, anh đã thẳng thắn từ chối.