Lý do khách Tây nháo nhác tìm người phiên dịch ở phố đi bộ Nguyễn Huệ
(Dân trí) - Nhìn bức ảnh Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập được trưng bày ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1, TPHCM dịp lễ Quốc khánh, nhiều khách ngoại quốc rất ấn tượng nhưng khó khăn để tìm hiểu nội dung thể hiện.
Tại triển lãm ngoài trời với chủ đề chào mừng 78 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và lễ Quốc khánh năm 2023 ở phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TPHCM), nhiều du khách ngoại quốc đứng trước bức hình Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn Độc lập, chăm chú xem nội dung áp phích.
Không hiểu được nội dung ghi chú về những bức ảnh, vị khách dò hỏi một vài người xung quanh về dòng chữ được ghi phía dưới nhưng không ai phản hồi vì không nói được tiếng Anh.
Khi thấy phóng viên Dân trí đi tới, người đàn ông này cũng ra sức hỏi. Người này cho biết, ông đã nhận ra người trong ảnh là Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng không hiểu nội dung trong bức ảnh, do thông tin chỉ được ghi bằng tiếng Việt.
"Nhìn ảnh thì tôi biết đây là Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng không biết chữ kia viết gì. Có thêm phụ đề tiếng Anh nữa thì hay!", vị khách Tây nhún vai nói.
Được nghe dịch lại nội dung nêu rõ ngày 2/9/1945, thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình, trước đông đảo quốc dân đồng bào, nam du khách đặc biệt thích thú, cảm kích.
Tấm áp phích kỷ niệm ngày độc lập tại khu vực tưởng niệm thu hút khá nhiều du khách nước ngoài nhưng hầu hết các vị khách đều rơi vào trường hợp tương tự. Nếu đi cùng hướng dẫn viên hoặc bạn bè, người thân là người Việt, những vị khách ngoại quốc thường hỏi luôn về nội dung chú thích ảnh.
Còn những du khách đi một mình đều gặp khó khăn, khó nhờ được người phiên dịch giúp. Vì vậy, đa phần các vị khách chỉ xem phần hình ảnh lướt qua.
Giữa trung tâm quận 1, phố đi bộ Nguyễn Huệ và đầu đường Đồng Khởi là 2 vị trí thường xuyên được bố trí đặt tranh ảnh triển lãm ngoài trời với các chủ đề về lịch sử TPHCM.
Nơi đây cũng nằm trong cụm điểm tham quan, vui chơi của thành phố như Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, Nhà hát thành phố, các trung tâm thương mại... Khách du lịch có xu hướng đi bộ trong khu vực này, có thời gian để tiếp cận các tranh ảnh trưng bày.
"Không phải ai cũng vào bảo tàng do không có thời gian hoặc đơn giản là không thích. Vì vậy, thông tin lịch sử bày sẵn ở những nơi vui chơi, giải trí, vỉa hè, hơn nữa là miễn phí, xác suất khách du lịch tiện dừng lại xem rất khả quan", một hướng dẫn viên du lịch người Na Uy làm việc tại TPHCM chia sẻ trải nghiệm.
Chị Nguyễn Thu, hướng dẫn viên inbound (người tiếp nhận, hướng dẫn khách du lịch nước ngoài) có kinh nghiệm 10 năm, khẳng định, phần lớn khách Tây thích tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam.
Theo chị Thu, trong các bảo tàng chuyên nghiệp tại TPHCM như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, Bảo tàng TPHCM, Dinh Độc Lập..., các hiện vật, tranh ảnh được trưng bày đều có phụ đề lẫn thuyết minh với nhiều thứ tiếng.
"Tuy nhiên, ví dụ ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, dòng chữ phụ đề tiếng Anh có kích thước khiêm tốn so với nội dung tiếng Việt, nhiều du khách lớn tuổi hoặc bị cận thị khó nhìn rõ", nữ hướng dẫn viên phản ánh.
Mặt khác, chị Thu còn tiết lộ, khi đưa khách tham quan các bảo tàng, một số vấn đề khách không nghe, không thấy rõ hoặc muốn được giải thích thêm, người hướng dẫn đoàn bị đặt vào thế khó.
Do đó, nữ hướng dẫn viên bày tỏ quan điểm đồng tình khi thêm phụ đề ngoại ngữ vào bất kỳ tranh ảnh, hiện vật trưng bày, phổ biến nhất là tiếng Anh.
"Cần có phụ đề chính thống được cơ quan chức năng thực hiện để truyền tải thông tin chính xác. Nếu mỗi người dịch một kiểu, hoặc lỡ dịch sai thì du khách sẽ bị hiểu sai lệch về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam", hướng dẫn viên Nguyễn Thu nói.