Lương tri, tình mẫu tử và những hối tiếc muộn màng
Trong các bị án nhận mức án tử hình đang được giam giữ tại Trại tạm giam của Công an tỉnh Lai Châu, có tới 1/3 trường hợp là người thân trong gia đình, hầu hết liên quan đến tội phạm về ma túy…
…Con số này gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, bởi bên cạnh cánh cửa nếu may mắn được hoàn lương, đâu chỉ là nỗi day dứt, hối tiếc, mà còn là dấu chấm hết cho một số phận.
Muôn nẻo u mê
Trời sang xuân nhưng cái lạnh lẽo vẫn tràn ngập vùng quê phố núi San Thàng (thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu) nơi trụ sở Trại tạm giam Công an tỉnh nép mình dưới chân núi. Lạnh lẽo hơn, phía sau hàng dây thép gai chằng chịt như xé toạc bầu trời ấy là những kẻ phạm tội lắt lay chờ ngày trả án. Cái chết đang cận kề, giờ đây mỗi ngày thức giấc, được nhìn thấy ánh sáng mặt trời với họ cũng là một ân huệ của cuộc đời, bởi sự sống chỉ tính bằng ngày, bằng giờ.
Cuộc gặp gỡ với T. T. D (43 tuổi, trú tại bản Pa Mu, xã Hua Bum, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu) tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lai Châu cách đây không lâu đã để lại cho tôi nỗi ám ảnh cùng cực về sự sống cái chết của một tử tù. D. dẫu đậm đà, khỏe khoắn hơn cả chục lần so với ngày đầu nhập trại, song làn da xanh xao, thần thái mệt mỏi, bước đi chậm chạp sau nhiều ngày tháng mất tự do trong buồng giam. Dẫu vậy, so với thời điểm chưa bị bắt, sức khỏe D. vẫn khá hơn trước nhiều, bởi lúc đó cả hai mẹ con D. đều nghiện hút. Chồng mất, một mình vai gánh cả cha lẫn mẹ của 3 đứa con, vậy mà của cải làm ra chẳng đủ nướng vào khói thuốc. Sức khỏe sa sút, tinh thần u mê, những phút giây tỉnh táo để kiếm tiền nuôi các con có lẽ chỉ thoảng qua như cơn gió. D. còn rủ con trai là G.A.T đi giao hàng và cả 2 mẹ con đều bị bắt giữ khi đang trên đường đi tiêu thụ. D. mang bản án tử hình. Còn con trai G.A.T bị Tòa tuyên án tù chung thân ở độ tuổi như cây măng rừng đang thoát bẹ tự vươn mình làm chủ cuộc đời.
Tâm sự với chúng tôi, D. như quên đi phút giây phải ngừng sự sống trong nay mai, kể tường tận quá trình gây án của mình cũng như tự đưa con trai mình vào đường cùng... Năm tháng sa ngã đã phải trả giá bằng cả cuộc đời.
Còn với số phận tử tù G.T.C (thường trú tại xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) lại khác, song cũng không kém phần bi đát. Tuy mới chưa đầy 30 tuổi nhưng C. đã có 2 đời chồng với 5 đứa con. Người chồng đầu tự tìm đến cái chết, bỏ lại hết những đớn đau, thiếu thốn và gánh nặng là 3 đứa con cho C. 14 tuổi lấy chồng, nên lúc chồng ra đi, C. chưa hình dung hết những gian nan cực nhọc khi phải sống cuộc đời vợ góa, con côi. Những lo toan, vất vả không thể một mình vượt qua, C. quyết định đi bước nữa với người đàn ông khác sau 2 năm góa bụa. Có thêm người gánh vác, C. tiếp tục sinh thêm 2 con. Vậy là gánh nặng kinh tế nhân lên gấp bội với 5 đứa con thơ dại.
Trong một lần có người rủ đi chơi, được cho tiền, C. đã bị cuốn hút vào "miếng mồi" mà những kẻ gieo rắc "cái chết trắng" giăng bẫy. Thấy số lượng "hàng" lớn, C. tiếp tục rủ chị gái là G.T.V "đồng hành". Trên chặng đường đó, nhiều lúc chị em C. muốn rút chân lại nhưng đã sa vào vũng lầy quá sâu, đành phải "theo lao". Và điều gì đến sẽ đến, 2 chị em C. lần lượt phải chịu bản án nghiêm khắc của pháp luật về tội "vận chuyển trái phép chất ma túy".
C. chịu mức án tử hình, còn chị gái chịu mức án chung thân. Giờ đây, 5 đứa con của C. sẽ ra sao khi mất mẹ, trong đó có 3 con mồ côi cả cha lẫn mẹ? Chồng của V. (anh rể của C.) cũng đang chấp hành án đặc biệt nghiêm trọng. Những đứa trẻ bơ vơ không nơi nương tựa sẽ đi về đâu?
Lương tri và tình mẫu tử
Sự hồn nhiên vô tư lự của phạm nhân T.T.D chỉ vụt tắt khi tôi hỏi về những đứa con của thị, trong đó có đứa con gái út năm nay mới 7 tuổi. Từ đó, câu chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi tiếng nấc nghẹn không cất nên lời. Khi tôi hỏi, người thân có thường xuyên đến thăm không, thị chỉ lắc đầu, những giọt nước mắt lã chã rơi, nỗi buồn thẳm sâu trong đôi mắt người mẹ. "Giờ tôi không biết con tôi ở đâu, ai nuôi nó?
Thương lắm, nhiều đêm tôi không ngủ được, nghĩ đến con mà héo ruột, héo gan" D. nghẹn ngào nói không thành tiếng. Có lẽ, ngay cả cái chết cận kề cũng không hãi hùng bằng nỗi lo khi ra đi rồi, 3 đứa con, 1 đứa án chung thân, và 2 đứa còn lại lấy ai làm điểm tựa khi cả 2 bố mẹ đều lần lượt ra đi? Tôi biết, D. cũng như hàng trăm, hàng nghìn phạm nhân nữ đã sinh con, họ chỉ ước thời gian quay ngược để được làm lại, sống cuộc đời người mẹ dung dị như bao cuộc đời khác; không vô tình "giết con" bằng cách bắt con trai mình lĩnh án chung thân, nhưng, mọi sự "giá như" đều có giá rất đắt.
Cũng với lương tâm giằng xé sau nhiều đêm suy nghĩ, đôi mắt thâm quầng, nước mắt giàn giụa, G.T.C giãi bày với sự ăn năn day dứt không nguôi. Với sự hoạt ngôn của mình, mỗi lời nói của C. đều là những tiếng kêu xé lòng của người mẹ: "Năm học này, không biết con tôi có được cắp sách đến trường? Có được ai chăm sóc, cho ăn, uống, ngủ, nghỉ hay không? Tôi biết mình đã quá sai rồi, vì tôi mà chị gái, bố mẹ, chồng, các con tôi phải khổ. Giờ tôi mới 28 tuổi, tôi còn trẻ, tôi khát khao được sống, được hoàn lương, được làm một người bình thường để con tôi có mẹ… Mỗi tiếng nấc là mỗi lần đôi bàn tay C cứ vò vào nhau.
Không biện minh cho tội ác của mình song C. đã nhận ra được rằng, do mình thiếu hiểu biết, không được học hành, không biết phải trái nên đã sa vào con đường lầm lỡ. Hai từ "giá như" của C. cũng muộn màng, đắng chát.
Tôi rời khỏi khu giam dành cho phạm nhân bị kết án tử hình khi bóng chiều tối sẫm, những câu nói uất nghẹn của hai người mẹ cứ văng vẳng bên tai suốt đoạn đường dài. Cái cảm giác rờn rợn lúc đầu khi bước chân vào khu vực trại đã tan biến, thay vào đó là một nỗi buồn sâu thẳm, một sự nuối tiếc không thể cất lời.
Vẫn biết, không còn lâu nữa, những tử tù trước mặt tôi sẽ phải đền tội, tôi vẫn ước gì, "giá như" trước khi bước chân vào vòng xoáy tội ác, những người mẹ ấy có chút thời gian nghĩ về những người thân ruột thịt, về những đứa con, chúng sẽ sống ra sao khi cuộc đời không còn cha mẹ trên đời? Và cả những tự ti, tủi hổ khi bố mẹ chúng đã có những "vết nhơ" không bao giờ rửa sạch…
Rủ người thân… phạm tội: Nỗi đau không thể hàn gắn
Theo số liệu thống kê, từ năm 2022 đến nay, trong số án tử hình trên địa bàn tỉnh Lai Châu, có không ít đối tượng phạm tội là người thân trong gia đình bao gồm: mẹ con đẻ, mẹ vợ, con rể, chị em ruột, anh em họ, anh em rể. Trong đó, đáng chú ý là có trên 90% số vụ phạm tội liên quan đến ma túy.
Đại tá Nguyễn Văn Luy Giám thị Trại tạm giam Công an tỉnh Lai Châu phân tích: Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng loại tội phạm này hầu hết là do nhận thức pháp luật hạn chế nên không tường tận được hậu quả nguy hại do việc mình gây ra. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số, hầu hết đời sống khó khăn, thu nhập thấp, trong khi mua bán, vận chuyển ma túy thường mang lại lợi nhuận lớn nên các đối tượng không kiểm soát được lòng tham và bản lĩnh vượt qua cám dỗ, bị cuốn theo cơn lốc xoáy của đồng tiền. Trong số những đối tượng phạm tội, có kẻ phạm tội nhiều lần, mỗi lần ra trại là bị rủ rê, lôi kéo, không thể đoạn tuyệt, từ chối những mối quan hệ trước nên tiếp tục sai lầm đi theo con đường cũ.
Qua nhiều vụ việc cho thấy, đồng bào các dân tộc có sự cố kết dòng họ cao, khi một người tham gia vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy đều muốn lôi kéo người thân thực hiện cùng. Từ đó sẽ hình thành các ổ nhóm, đường dây ma túy khép kín trong gia đình, dòng họ. Điều này không những gây hậu quả nghiêm trọng, khôn lường, khi lực lượng Công an triệt phá, bóc gỡ những đường dây tội phạm thì sẽ có rất nhiều người trong gia đình, dòng họ bị liên lụy. Hậu quả là nhiều gia đình tan vỡ; kẻ phạm tội phải đền tội, còn những người ở lại chịu nhiều tổn thất về tinh thần, vật chất, uy tín, danh dự. Nhiều vùng quê có định kiến với tội phạm, người thân của họ phải bỏ đi xứ khác sinh sống, tránh thị phi vây bủa.
Cũng chính thực trạng vi phạm pháp luật trong thân tộc, dòng họ đã gây nhiều khó khăn cho cho công tác điều tra, trinh sát, thu thập thông tin của lực lượng Công an. Công tác đấu tranh, xử lý tội phạm càng không dễ dàng khi các đối tượng kích động, dụ dỗ gia đình, dòng họ chống đối lại lực lượng chức năng.
Khi các đối tượng phạm tội, không phải ai bước qua song sắt của buồng giam cũng đều nhận ra hành vi phạm tội của mình, mà để các đối tượng nhận ra hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, là tội ác, để từ đó hoàn lương, biết đúng, biết sai có công sức rất lớn của cán bộ, chiến sỹ tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Lai Châu. Theo như Trung tá Trần Xuân Dũng, Phó Giám thị Trại thì, không phải đối tượng thuộc diện tạm giam, tạm giữ nào vào trại cũng "thuần nết", tu tâm, chấp hành quy định cải tạo.
Dù họ không phá phách, quấy rối hay gào thét, nhưng mỗi đối tượng có những biểu hiện tâm lý khác nhau. Đối với những đối tượng án cao biết mình "tận số", thường bất cần, không hợp tác với cán bộ trại, không chấp hành nội quy cải tạo; bỏ cơm, tìm cách trốn trại hoặc tự kết liễu đời mình. Thế nhưng với lương tâm và trách nhiệm của mỗi cán bộ tại Trại, nhiều đối tượng đã dần ổn định tâm lý hơn.
Đại tá Phạm Hải Đăng Phó Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu trong một cuộc trò chuyện mới đây với báo giới, đã chia sẻ rằng trách nhiệm đấu tranh, phòng ngừa, phòng chống tội phạm là nghĩa vụ của mọi công dân, cơ quan, tổ chức. Khi thấy có dấu hiệu của tội phạm, mặc dù đó là người thân trong gia đình nhưng trách nhiệm của mọi người trước hết là phải ngăn chặn, khuyên giải, tố giác, báo với cơ quan Công an phối hợp xử lý.
Hành vi phạm tội không thể che giấu được mãi, sẽ bị phanh phui, chỉ là sớm hay muộn, đừng để suy nghĩ bồng bột phút chốc mà ảnh hưởng đến những người thân trong gia đình. Muốn phòng ngừa tội phạm, trước tiên phải từ trong gia đình, làng bản, dòng họ; từ thôn xóm tới khu dân cư… Tức là phải từ đơn vị thấp nhất, căn bản nhất của xã hội thì mới có hiệu quả. Đó cũng là cái gốc để xử lý vấn đề trong mối quan hệ với người thân phạm tội.
Không ai có quyền tước đoạt sự sống của bất cứ người nào, trừ khi đó là chính họ. Những án tử hình đang treo lơ lửng trên đầu những kẻ phạm tội là do chính họ gây ra. Pháp luật Việt Nam luôn khoan hồng, nhân đạo, mở đường cho những ai lầm đường lạc lối; ngược lại, cũng sẽ trừng trị thích đáng cho mọi hành vi vi phạm pháp luật, dẫu có trăm nghìn lý do.