Long An: Tạo việc làm cho người nghèo để giảm nghèo bền vững

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Để giảm nghèo bền vững, Long An đang triển khai đồng bộ các chính sách đầu tư và kết nối đến các địa phương khó khăn, hỗ trợ việc làm và khơi dậy ý chí tự vươn lên của người nghèo.

Tập trung nguồn lực hỗ trợ người nghèo

Trong giai đoạn 2020-2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Long An cho biết đã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo với định hướng chính là hỗ trợ phát triển sản xuất và nhân rộng mô hình giảm nghèo nhằm giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Sở đã tận dụng tối đa nguồn lực ngân sách từ các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững nhằm từng bước phát triển kinh tế hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

Long An: Tạo việc làm cho người nghèo để giảm nghèo bền vững - 1
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An Nguyễn Hồng Mai chia sẻ tại hội thảo về công tác giảm nghèo ở địa phương (Ảnh: LA).

Trong 3 năm 2020-2022, Long An đã hỗ trợ tiền điện gần 20 nghìn lượt với kinh phí hơn 13 tỷ đồng cho hộ nghèo, hộ chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh; cấp miễn phí gần 327 nghìn lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo với kinh phí gần 317 tỷ đồng; hỗ trợ khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho người nghèo…

Long An cũng vận dụng chính sách tín dụng ưu đãi để cho gần 115 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn làm ăn, phát triển kinh tế với doanh số đạt 4.126 tỷ đồng.

Tỉnh còn tập trung hỗ trợ con em hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh đến trường để nâng cao trình độ học vấn, có cơ hội phát triển trong tương lai. Tổng kinh phí hỗ trợ trong 3 năm qua là hơn 24 tỷ đồng.

Long An vận dụng nhiều nguồn lực để phát triển Quỹ "Vì người nghèo", hỗ trợ xây dựng 835 căn nhà đại đoàn kết và sửa chữa 241 căn nhà đại đoàn kết với số tiền hơn 43 tỷ đồng để cải thiện nhà ở cho người nghèo, giúp họ an cư lạc nghiệp.

Tỉnh còn đưa chính sách khuyến nông, khuyến ngư hướng về mục tiêu cải thiện kinh tế hộ nghèo, cận nghèo với việc tổ chức các hội thảo, tập huấn và hướng dẫn người dân trồng trọt, chăn nuôi, phát triển lĩnh vực thủy sản…

Ngoài các chính sách hỗ trợ của nhà nước, tỉnh còn vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh giúp đỡ người nghèo trong tỉnh phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống.

Công tác truyền thông về giảm nghèo bền vững được tỉnh đẩy mạnh triển khai, từ đó nâng cao được nhận thức của người dân, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo.

Nội dung truyền thông về các mô hình thoát nghèo, cá nhân tiêu biểu có tác dụng lớn để khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.

Long An: Tạo việc làm cho người nghèo để giảm nghèo bền vững - 2
Lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An đối thoại với người dân về công tác giảm nghèo (Ảnh: LA).

Thực hiện đồng bộ các chính sách

Với việc triển khai hiệu quả các chính sách an sinh, giảm nghèo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An, số hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến trong 3 năm qua.

Kết quả rà soát năm 2021 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 cho thấy, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 6.296 hộ, chiếm tỷ lệ 1,31%; số hộ cận nghèo là 11.570 hộ, chiếm tỷ lệ 2,41%.

Từ năm 2022, cả nước áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 có nhiều tiêu chuẩn tăng cao so với giai đoạn 2016-2020.

Theo chuẩn mới, trong năm 2022, Long An có tỷ lệ nghèo đa chiều là 3,28% tổng số hộ; trong đó, số hộ nghèo là 4.764 hộ (chiếm tỷ lệ 0,99%), số hộ cận nghèo là 11.049 hộ (chiếm tỷ lệ 2,29%).

Kết quả rà soát 6 tháng đầu năm 2023 theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 đã giảm so với năm 2020.

Cụ thể, tỷ lệ nghèo đa chiều là 3,21% tổng số hộ (giảm 0,07%); trong đó, số hộ nghèo là 4.665 hộ (chiếm tỷ lệ 0,97%), số hộ cận nghèo là 10.820 hộ (chiếm tỷ lệ 2,24%).

Tuy nhiên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An tự đánh giá công tác triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 còn chậm, giảm nghèo chưa bền vững, đời sống của một bộ phận người nghèo vẫn còn khó khăn.

Long An: Tạo việc làm cho người nghèo để giảm nghèo bền vững - 3
Long An tập trung tạo việc làm cho người nghèo để ổn định cuộc sống (Ảnh: LA).

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An, công tác giảm nghèo của tỉnh chưa đạt hiệu quả cao do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ nhận thức của một vài bộ phận người nghèo còn trông chờ ỷ lại sự hỗ trợ của nhà nước, chưa phấn đấu tự lực vươn lên, nhận thức của một số địa phương về tầm quan trọng của thực hiện chính sách giảm nghèo trong quá trình phát triển của địa phương chưa đầy đủ.

Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trong 3 năm qua có chuyển biến nhưng chưa mạnh, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, lao động đi làm việc nước ngoài còn thấp…

Con đường thoát nghèo bền vững nhất là phát triển kinh tế, muốn vậy phải có công ăn việc làm ổn định và thu nhập cao. Do đó, ngành lao động Long An đặc biệt chú trọng đến việc phát triển đề án đưa người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, cũng như giáo dục, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho người nghèo.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An dự kiến trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phát triển kinh tế cho các hộ nghèo, cận nghèo và địa phương còn nghèo. Cụ thể, phải tập trung đầu tư và kết nối đến các địa phương nghèo; đáp ứng nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin...

Đồng thời khơi dậy cho được ý chí tự lực vươn lên của người nghèo; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng. Từ đó, từng bước tạo nguồn thu nhập cho các hộ nghèo để ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.