Lời nhắn gửi nữ sinh "yêu thôi, đừng vội đẻ!"
(Dân trí) - Chuyện những bà mẹ nữ sinh, hoàn cảnh ngặt nghèo, sinh xong mà không thể nuôi khiến các chuyên gia giáo dục, giảng viên đại học sốt ruột thốt lên: "Sinh viên yêu thôi, đừng vội đẻ!".
Ám ảnh bà mẹ sinh viên... bỏ con
Mới cách đây hơn hai tháng, Công an quận Bình Thạnh, TPHCM khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với N.T.B.T, 21 tuổi, quê Bình Thuận để điều tra về tội Giết hoặc vứt con mới đẻ. T. là sinh viên năm 4 một trường đại học ở địa bàn TPHCM.
Trước đó, từ thông tin của bệnh viện cho thấy T. có dấu hiệu sinh con nhưng không phát hiện cháu bé, cơ quan công an đã tiếp cận căn phòng trọ T. thuê trên đường Bạch Đằng. Tại đây, thi thể bé gái sơ sinh có thương tích gói trong túi nilon được phát hiện.
Tại cơ quan điều tra, lời khai của nữ sinh viên "sinh con xong, do quẫn trí nên ra tay sát hại cháu bé" làm nhiều người phải lạnh gáy.
Cách đây 3 ngày, người dân đi tập thể dục gần khu vực cây xăng đường Trần Não, phường An Khánh, TP Thủ Đức, TPHCM phát hiện bé sơ sinh bị bỏ rơi đặt trong một chiếc giỏ nhựa.
Bên cạnh cháu bé là lá thư của người mẹ trẻ gửi lại: "Em đang là sinh viên không có đủ điều kiện để chăm sóc cho bé. Kính nhờ các thầy (cô) chăm sóc bé giúp con để bé có được cuộc sống tốt hơn".
Không chỉ hai sự việc trên, trước đây đã có hàng loạt vụ việc vứt bỏ con vừa đẻ với những cách thức khó hình mà thủ phạm lại chính là những "bà mẹ sinh viên".
Nhiều cô gái bước vào mối quan hệ yêu đương, yêu liều yêu bất chấp, quan hệ tình dục thiếu an toàn rồi làm mẹ khi bản thân chưa lo nổi cho mình. Đối mặt với tương lai và cả những định kiến, nhiều nữ sinh đã tự tay vứt bỏ chính khúc ruột của mình, thậm chí với những cách thức khó tin nhất.
"Sinh viên yêu thôi, đừng vội đẻ!"
Vào mỗi đầu năm học, tiến sĩ đang giảng dạy tại một trường đại học ở TPHCM luôn chia sẻ lại chính bài viết của mình về những lời nhắn nhủ gửi tân sinh viên. Trong đó, bà nhấn mạnh: "Sinh viên yêu cũng được nhưng yêu thôi, đừng vội đẻ!".
Nữ tiến sĩ giải thích, đang ở tuổi đi học, hầu hết các bạn còn ngửa tay xin tiền bố mẹ hàng tháng, chuyện tình cảm yêu đương ở giảng đường cũng khó xác định lâu dài. Việc làm mẹ sớm ảnh hưởng đến sức khỏe, việc học và cả tương lai của chính người mẹ và cả đứa bé.
"Đừng vội đẻ", chỉ ba từ đó thôi nhưng theo vị tiến sĩ là chuyện không nhỏ. Phía sau đó chính là kiến thức về giới tính, sức khỏe sinh sản, là trách nhiệm với chính bản thân mình.
Theo bà, để "chưa vội đẻ" sinh viên phải biết bảo vệ bản thân, biết từ chối quan hệ tình dục khi chưa sẵn sàng hay khi chưa có biện pháp an toàn; biết cách phòng tránh thai một cách hiệu quả nhất để tránh những hậu quả đau lòng.
Không ủng hộ việc nạo phá thai, nhưng quan điểm của nữ tiến sĩ, Việt Nam không cấm nạo phá thai, trong không ít trường hợp đây là lối thoát của nhiều bạn trẻ.
Trong chương trình chia sẻ online về chủ đề "Chối bỏ mầm sống", thạc sĩ xã hội học Nguyễn Hoàng Dũng cho biết, khi tham vấn cho những ca sinh viên mang thai ngoài ý muốn, ông nhận thấy cứ 10 em thì có đến 7-8 em bị bạn tình bỏ rơi rồi đến gia đình bỏ rơi.
Ở tuổi chưa lo được cho thân mình, cho đứa trẻ, thêm các áp lực từ dư luận và các định kiến xã hội, nhiều nữ sinh đã từ chối chính giọt máu của mình.
Ông Dũng cũng kể có những trường hợp nữ sinh mang thai ngoài ý muốn, ban đầu các em định phá thai nhưng... phút chót suy nghĩ lại. Có em mạnh dạn chia sẻ với bố mẹ, được bố mẹ hỗ trợ vượt qua giai đoạn khó khăn. Đứa trẻ được giữ lại, còn người mẹ trẻ tiếp tục học để tốt nghiệp ra trường.
Theo ông Dũng, việc cung cấp kiến thức phòng tránh thai, tình dục an toàn cho con trẻ là việc cực kỳ quan trọng, cần trang bị càng sớm càng tốt. Trong trường hợp nếu mang thai, ông Dũng gợi ý các bạn hãy tìm về với gia đình hay tìm đến các kênh hỗ trợ, trợ giúp để giữ mầm sống.
Người này nhắc về trường hợp một nữ sinh lớp 11 nhưng có tiểu sử... 4 lần phá thai. Khi em này tìm đến tư vấn, ông phải nói với em rằng: "Giờ giữ được đứa con đã là kỳ tích vì có thể em sẽ không còn cơ hội làm mẹ".
Một nghiên cứu của Kimberly - Clark Vietnam trước đây từng chỉ ra, tỷ lệ các bạn gái Việt Nam ngộ nhận và thiếu hiểu biết về cơ thể cao hơn rất nhiều so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Đáng chú ý có đến 77% thiếu nữ Việt được khảo sát không thể trả lời được những câu hỏi về thai nghén, sức khỏe sinh sản, giới tính….
Hiện nay, nhiều trường đại học đều triển khai chuyên đề tình yêu sinh viên, sống thử, quan hệ tình dục an toàn để cung cấp kiến thức cho sinh viên. Đây là nỗ lực từ các trường nhằm bù đắp phần nào lỗ hổng kiến thức giới tính cho sinh viên, hướng đến việc giúp các em bảo vệ bản thân, tránh rơi vào cảnh làm bố mẹ, làm mẹ bất đắc dĩ.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thanh Thúy - Hội trưởng Hội quán Các bà mẹ - nơi tổ chức nhiều chuyên đề giới tính cho nhiều trường học thở dài cho biết nhiều nội dung rất cần thiết nhưng rất ít sinh viên tham gia, hoặc đến ngồi thì các em... chỉ lo lướt Tiktok, bấm điện thoại. Nhiều bạn đã từ chối việc bảo vệ an toàn cho mình khi còn có thể...