Lao động vỡ òa, doanh nghiệp bớt gánh nặng

Tiến Thành

(Dân trí) - "Với chúng tôi, một vài triệu đồng tiền lương cũng rất quý trong bối cảnh dịch Covid-19 gia tăng..." - chị Nguyễn Thị Trang, công nhân may ở Quảng Bình nói về tiền lương ngừng việc sắp được nhận.

Chia sẻ của người sử dụng lao động khi được vay vốn trả lương ngừng việc

Niềm vui từ gói vay vốn trả lương ngừng việc

Đã gần 3 tháng nay, chị Nguyễn Thị Hồng Mai, một lao động trú tại thị trấn nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã phải tạm ngừng việc do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19.

Chị đang làm việc tại Trung tâm tiệc cưới Bình Hường, ở thị trấn Lệ Ninh. Tuy nhiên, do hoạt động cưới hỏi hiện phải tạm dừng nên phía trung tâm đã cho nhân viên tạm nghỉ việc. Cũng vì khó khăn do đại dịch, chủ trung tâm nơi chị làm việc đành phải nợ lương nhân viên suốt nhiều tháng qua.

Để khắc phục những khó khăn trong thời điểm dịch Covid-19, chị Nguyễn Thị Hồng Mai đã phải làm đủ thứ việc từ bán hàng online đến buôn hoa quả nhưng vẫn không đủ trang trải mọi chi phí sinh hoạt.

Lao động vỡ òa, doanh nghiệp bớt gánh nặng - 1

Covid-19 đã gây ảnh hưởng lớn đến nhiều lao động tại Quảng Bình, rất nhiều người đã phải ngừng việc.

Tuy nhiên mới đây, chị bất ngờ nhận được cuộc gọi từ chủ trung tâm tiệc cưới, thông báo chi trả 3 tháng lương cơ bản. Đây là thông tin khiến chị cũng như nhiều lao động tạm nghỉ việc khác tại nơi làm việc hết sức vui mừng.

"Vì Covid-19, gia đình mình phải chắt bóp chi tiêu, không có nguồn thu nên cuộc sống hết sức vất vả. Mới đây, mình được chi trả 3 tháng lương với số tiền hơn 10 triệu đồng. Có thể nói đây là số tiền lớn với gia đình trong hoàn cảnh hiện tại, đủ để mình có kinh phí trang trải sinh hoạt trong thời gian tới", chị Nguyễn Thị Hồng Mai chia sẻ.

Căn cứ để chủ Trung tâm tiệc cưới Bình Hường có thể chi trả lương 3 tháng liên tiếp cho chị và 14 lao động khác phải tạm ngừng việc tại đơn vị này là nhờ vào gói vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP (NQ 68) và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg (QĐ 23).

Lao động vỡ òa, doanh nghiệp bớt gánh nặng - 2

Một doanh nghiệp tại huyện Bố Trạch tiến hành làm thủ tục giải ngân, sẵn sàng chi trả tiền lương cho lao động ngừng việc.

"Khi được ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tạo điều kiện để làm hồ sơ và kịp thời giải ngân số tiền hơn 120 triệu đồng, chúng tôi đã nhanh chóng chi trả lương cho các nhân viên ngừng việc. Gói vay hỗ trợ này đã giúp chúng tôi giảm bớt phần nào gánh nặng quỹ lương, đồng thời cũng đảm bảo cuộc sống cho nhân viên trong thời điểm hiện nay", đại diện Trung tâm tiệc cưới Bình Hường cho hay.

Còn với chị Nguyễn Thị Trang, công nhân của Công ty TNHH Xây dựng và May mặc Lâm Minh, ở huyện Lệ Thủy, cũng đã phải tạm nghỉ việc từ tháng 5 đến nay.

Cơ sở nơi chị đang làm việc hiện có 18 lao động đang phải tạm nghỉ việc. Nguyên nhân cũng vì dịch Covid-19 nên hàng may mặc xuất khẩu giảm sút.

Lao động vỡ òa, doanh nghiệp bớt gánh nặng - 3

Được chi trả lương là niềm mong mỏi của nhiều lao động trong thời điểm dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề.

Suốt 2 tháng qua, chị Nguyễn Thị Trang và đồng nghiệp mỏi mòn chờ lương cũng như hết sức nóng ruột khi tình hình dịch đang có những diễn biến phức tạp. Và rồi thông tin xưởng may nơi chị đang làm việc được tiếp cận gói vay vốn trả lương ngừng việc cho nhân viên và chỉ chờ giải ngân khiến chị và các lao động khác vỡ òa.

"Với chúng tôi giờ đây một vài triệu tiền lương cũng rất quý, vì dịch mà hoạt động kinh doanh rất khó khăn, chúng tôi cũng thấu hiểu và chia sẻ những vất vả đó với công ty. Vừa rồi nhận thông báo sẽ được chi trả lương bởi công ty đã vay được vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách tôi mừng lắm. Giờ cứ ngóng điện thoại, chỉ chờ giám đốc gọi lên để nhận lương thôi", chị Nguyễn Thị Trang vui mừng.

Hơn 500 cơ sở, doanh nghiệp đã được tiếp cận nguồn vốn

Theo ông Trần Văn Tài - Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình, ngay sau khi có NQ 68 và QĐ 23, đơn vị đã kịp thời phối hợp với các ban ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức thực hiện tuyên truyền và phổ biến chính sách hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp.

Sau khi rà soát, đối với những người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn, xác định đúng đối tượng đủ điều kiện, NHCSXH đã kịp thời hướng dẫn các đơn vị làm hồ sơ và thủ tục giải ngân cho vay, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Nhờ vậy, Quảng Bình thuộc nhóm các tỉnh đầu tiên trong cả nước đã giải ngân được gói vay vốn.

Lao động vỡ òa, doanh nghiệp bớt gánh nặng - 4

Cán bộ Chi nhánh NHCSXH Quảng Bình tiến hành khảo sát, tuyên truyền chính sách gói vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo NQ 68 và QĐ 23 đến doanh nghiệp.

Theo ông Trần Văn Tài, đến thời điểm này, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình đã chủ động tiếp cận, khảo sát cấp vốn cho trên 500 người sử dụng lao động. Trong đó đã tiếp nhận hồ sơ 8 đơn vị đề nghị vay trả lương ngừng việc cho gần 300 lượt người lao động với số tiền gần 1 tỷ đồng.

Là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tại Quảng Bình được giải ngân gói vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, ông Phan Thanh Công - Giám đốc Công ty TNHH Công Ngân, một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh ăn uống tại huyện Quảng Trạch đánh giá cao trước sự quan tâm kịp thời của Chính phủ.

Theo ông Phan Thanh Công, việc được tiếp cận nguồn vốn đã góp phần giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp, các công nhân cũng đảm bảo cuộc sống tối thiểu.

Lao động vỡ òa, doanh nghiệp bớt gánh nặng - 5

Đến nay, Quảng Bình đã có 6 doanh nghiệp được giải ngân gói vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo NQ 68 và QĐ 23.

"Đây là chính sách rất nhân văn với doanh nghiệp và người lao động. Chúng tôi cũng đã được phía NHCSXH giải quyết các thủ tục nhanh gọn, giải ngân kịp thời. Về phía người vay vốn, chúng tôi sẽ sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, đến tận tay người lao động và trả vốn kịp thời", ông Phan Thanh Công nói.

Có thể nói, chính sách hỗ trợ người sử dụng vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất có ý nghĩa nhân văn, thể hiện sự quan tâm kịp thời của Đảng, Nhà nước trước những khó khăn chung của đất nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Trong thời gian tới, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Quảng Bình sẽ tiếp tục khảo sát, tiếp cận cũng như phối hợp tuyên truyền về chủ trương, chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất đến các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân biết, tổ chức thực hiện.