Làm việc nặng nhọc, độc hại có bắt buộc nghỉ hưu sớm?
Ông Nguyễn Hà Trung (Đà Nẵng) hỏi, lao động có đủ 15 năm làm việc trong điều kiện đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có phải nghỉ hưu trước 5 năm so với người làm việc trong điều kiện bình thường?
Có phải ký lại hợp đồng đối với người cao tuổi nếu vẫn được tiếp tục làm việc hay không?
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động năm 2019 và Điều 5 của Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu thì đối với người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu.
Như vậy, Khoản 3 Điều 169 của Bộ luật Lao động năm 2019 và Điều 5 của Nghị định số 135/2020/NĐ-CP không quy định bắt buộc người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường,
Tuy nhiên, tại Điều 35 và Điều 36 của Bộ luật Lao động năm 2019 quy định người lao động và người sử dụng lao động đều có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật Lao động năm 2019 (được quy định chi tiết tại Nghị định số 135/2020/NĐ-CP).
Căn cứ quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 35, Điểm đ Khoản 1 Điều 36 và Khoản 1, Khoản 2 Điều 149 của Bộ luật Lao động năm 2019 thì người sử dụng lao động và người lao động cao tuổi giao kết hợp đồng lao động mới; khi sử dụng người lao động cao tuổi, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Đề nghị ông căn cứ vào quy định nêu trên và đối chiếu với trường hợp cụ thể của mình để thực hiện.