Khoảng tối phía sau băng cướp nhí: Có trách nhiệm của gia đình và xã hội
Để xảy ra các vụ án hình sự mà người phạm tội là người chưa thành niên có trách nhiệm của cha mẹ, của người giám hộ. Sâu xa hơn là trách nhiệm của gia đình và nhà trường trong việc giáo dục trẻ em.
Rạng sáng 12/4, tại khu vực cầu vượt trên cao hướng từ Võ Chí Công đi Hoàng Quốc Việt (phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội), anh Hoàng Văn Sinh (SN 2002, trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bị một nhóm thiếu niên chặn đầu, dùng 2 vỏ chai nước ngọt bằng thủy tinh đe dọa, hành hung, lấy đi chiếc xe máy.
Chỉ 2 ngày sau khi vụ cướp xe máy xảy ra tại quận Cầu Giấy, anh Nguyễn Hữu Thành (SN 1999, ở huyện Quốc Oai) đến cơ quan công an trình báo việc bị một nhóm thanh thiếu niên chặn đầu trên Đại Lộ Thăng Long (xã Song Phương, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đánh gây thương tích và cướp xe máy và điện thoại di động.
Rạng sáng 21/4, hai vụ cướp khác với thủ đoạn tương tự đã xảy ra trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm và quận Cầu Giấy khiến dư luận hoang mang, lo lắng.
Trước tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án, Ban Giám đốc CATP Hà Nội chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự xác lập chuyên án đấu tranh, phối hợp với Công an các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Công an huyện Hoài Đức và các đơn vị nghiệp vụ có liên quan, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ điều tra, rà dựng lên các ổ nhóm đối tượng nghi vấn.
Ngày 22/4, Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt giữ toàn bộ các đối tượng trong băng cướp trên do Nguyễn Hữu Hưng (SN 2003, ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cầm đầu. Cùng bị bắt giữ còn có các đối tượng: Đàm Xuân Long (SN 2004, ở xã Liên Hà, huyện Đan Phượng); Đàm Xuân Huy (SN 2006, ở phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm); Lê Quang Việt (SN 2002, ở phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm); Nguyễn Hữu Tình (SN 2005) và Bùi Xuân Đức (SN 2006), cùng trú tại xã Tân Lập (huyện Đan Phượng).
Chia sẻ về vụ án này, Ts.Ls Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, qua nghiên cứu của các chuyên gia pháp lý thời gian gần đây thì tội phạm có xu hướng trẻ hóa, những đứa trẻ sống trong gia đình thiếu hạnh phúc, thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ rất dễ sa ngã, rất dễ thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra sự phát triển của mạng internet, các nền tảng số, mạng xã hội khiến giới trẻ rất dễ lập hội nhóm, tụ tập các phần tử bất hảo, suy nghĩ thiếu chín chắn trở thành những "thế lực" mới, nhen nhóm, gây mất an ninh trật tự.
Với độ tuổi chưa thành niên và những người trẻ tuổi thì họ thiếu kỹ năng sống, rất dễ bị lôi kéo kích động, nhận thức về pháp luật hạn chế. Với những đứa trẻ lì lợm, nghịch ngợm, bất hảo có cơ hội tiếp xúc với nhau lại thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ, thiếu sự quản lý của các thiết chế xã hội thì chúng rất dễ có thể trở thành các băng nhóm, thực hiện các hành vi lệch chuẩn rồi tiến tới thực hiện các hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Trẻ em và người chưa thành niên là những đối tượng chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần, nhận thức về pháp luật và xã hội còn hạn chế. Họ rất cần có sự quan tâm chăm sóc giáo dục của gia đình và cộng đồng. Khi gia đình, cộng đồng thiếu quan tâm chăm sóc giáo dục, không kịp thời uốn nắn chỉ bảo người chưa thành niên rất dễ sai lầm, sa ngã, thậm chí hư hỏng.
Từ những đứa trẻ ngoan hiền, biết vâng lời nhưng khi gia đình xảy ra những chuyện chẳng lành, không còn hạnh phúc mà người nuôi dạy trẻ em lại không có đủ thời gian, thiếu trách nhiệm hoặc không đủ kỹ năng thì rất dễ biến những đứa trẻ ngoan thành những đứa trẻ hư, khó bảo rồi cú trượt dài có thể biến chúng thành các tên tội phạm.
"Nhóm đối tượng cướp tài sản trong vụ án này rất trẻ tuổi, nhiều đối tượng chưa đủ 18 tuổi, hành vi của chúng có thể được xác định là có tổ chức, sử dụng vũ khí, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đây là các tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự nên chúng sẽ phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 07 năm đến 15 năm tù theo quy định tại khoản 2 (Điều 168, BLHS 2015). Tuy nhiên, do các đối tượng chưa đủ 18 tuổi nên sẽ không quá 3/4 mức hình phạt theo khung của điều luật", Ts.Ls Cường phân tích.
Cũng theo luật sư Cường, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có của một số người có liên quan để xử lý về tội "Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" theo Điều 323 (BLHS 2015).
Đối với tội "Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" thì mức phạt tù cao nhất lên đến 15 năm. Trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy các đối tượng đã mua các chiếc xe là tang vật của vụ án biết được những chiếc xe này do phạm tội mà có nhưng vì tham rẻ mà vẫn tiêu thụ thì sẽ bị xử lý hình sự về tội danh này.
Việc xử lý đối với các đối tượng tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có là rất quan trọng để loại bỏ động cơ phạm tội, khi không có nơi tiêu thụ thì các đối tượng có thể sẽ từ bỏ ý định thực hiện hành vi phạm tội. Các căn cứ để chứng minh hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là: Những chiếc xe không có giấy tờ, giá rẻ, các đối tượng bán xe bán nhiều lần. Ngoài ra còn có thể có những thông tin tài liệu khác để chứng minh cho thấy các đối tượng mua những chiếc xe gian này biết xe là do phạm tội mà có. Khi chứng minh được những tình tiết này thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục khởi tố vụ án hình sự và khởi tố bị can để xử lý đối với các đối tượng này.
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy các đối tượng cướp tài sản trong vụ án này hầu hết đều rất trẻ tuổi và có hoàn cảnh gia đình đặc biệt, thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ. Trong xã hội ngày nay có rất nhiều cám dỗ, nếu trẻ em không được quan tâm giáo dục thì rất dễ sa ngã. Những đứa trẻ mải chơi, suy nghĩ tiêu cực, thiếu sự giáo dục của cha mẹ rất dễ có thể kết thành bè nhóm, rất dễ có thể tìm thấy nhau trong các hội nhóm trên Facebook, ở các quán game hoặc trong những khu vui chơi giải trí. Với tâm lý tiêu cực sẵn có, ở tuổi còn thiếu chín chắn không phải nghĩ, chúng rất dễ bị kích động thì việc bị lôi kéo trở thành nhóm tội phạm là dễ xảy ra.
Theo quy định của pháp luật thì cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái đến khi thành niên. Gia đình, nhà trường và xã hội đều có nghĩa vụ, trách nhiệm giáo dục, bảo vệ trẻ em và người chưa thành niên. Bởi vậy với những người chưa thành niên phạm tội thì họ sẽ được hưởng những chính sách khoan hồng nhân đạo của pháp luật theo hướng tăng cường giáo dục, hạn chế áp dụng hình phạt tù và mở ra cơ hội để cho họ có thời gian sửa chữa làm lại cuộc đời. Với người chưa thành niên thực hiện hành vi phạm tội thì trong đó sẽ có lỗi của gia đình, nhà trường và xã hội.
Để giảm thiểu những vụ án hình sự mà người phạm tội là người chưa thành niên, ngăn chặn tình trạng trẻ hóa tội phạm thì vấn đề giáo dục cần phải được đẩy mạnh hơn, cần phải tăng cường các biện pháp giáo dục, tăng cường trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ đối với trẻ em. Giáo dục kỹ năng sống, giáo dục văn hóa đạo đức cho trẻ em cần được quan tâm nhiều hơn.
"Đối với những trẻ em sống trong môi trường đặc biệt, thiếu cha, thiếu mẹ, gia đình không có hạnh phúc thì cần phải nêu cao hơn nữa trách nhiệm của nhà trường và xã hội, trách nhiệm của các tổ chức, các cơ quan có chức năng bảo vệ trẻ em, tạo ra môi trường an toàn lành mạnh, tăng cường giáo dục đạo đức thì mới giảm thiểu được những vụ việc người chưa thành niên phạm tội và hạn chế được những việc đáng tiếc như vụ án này", Ts.Ls Cường chia sẻ.