Khoảng 3,4 triệu lao động sẽ nhận tiền hỗ trợ 3 tháng thuê trọ
(Dân trí) - Cùng với những chính sách nhằm hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do Covid-19 đã triển khai, gói 6.600 tỷ hỗ trợ tiền thuê nhà lần này nhằm "kéo" người lao động trở lại thị trường lao động…
Đây là thông tin ông Vũ Trọng Bình - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh tại cuộc họp báo về Quyết định số 08 của Thủ tướng vừa được ký ban hành về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Họp báo do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức chiều 30/3 tại Hà Nội.
2 năm chồng chất khó khăn
Theo Cục trưởng Cục Việc làm, trong hai năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã tác động đa chiều và để lại hậu quả lâu dài với hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong năm 2020, Việt Nam có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch, bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập.
"2021 được kỳ vọng là năm của sự phục hồi nhưng thực tế, sự bùng phát phức tạp của đợt dịch thứ 4, kéo dài từ 27/4/2021 đến nay đã phá vỡ mọi tính toán, thậm chí còn tác động đến thị trường lao động nghiêm trọng hơn so với hậu quả của những đợt bùng phát dịch bệnh trong năm 2020", ông Vũ Trọng Bình khái quát.
Cục trưởng Vũ Trọng Bình cũng nhận định, nhìn chung năm 2021, cung - cầu lao động của thị trường lao động bị tác động tiêu cực theo nhiều chiều hướng nguồn cung lao động suy giảm nghiêm trọng, số lao động bị mất việc làm, giảm giờ làm việc, ngừng việc lớn khiến cho số lao động có việc làm giảm mạnh. Xu hướng chuyển dịch cơ cấu việc làm đảo chiều. Tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp làm tăng cao, tiền lương, thu nhập giảm, đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn và cuối cùng, có sự dịch chuyển lao động lớn từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh.
Thống kê của Cục Việc làm cho thấy, trong quý III và quý IV/2021, lần lượt có tương ứng 28,2 triệu và 24,7 triệu lao động bị ảnh hưởng, trong đó 2,3 triệu người bị mất việc; 12,4 triệu người phải tạm nghỉ/tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 8,8 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 16,9 triệu lao động bị giảm thu nhập. Hầu hết những đối tượng bị ảnh hưởng đều nằm trong độ tuổi lao động, số người từ 25 đến 54 tuổi chiếm 73,3%.
Theo ông Vũ Trọng Bình, đã có 2 đợt di chuyển lao động lớn xảy ra trong năm 2021 là đợt cuối tháng 7, đầu tháng 8/2021 và đợt đầu tháng 10/2021. Do e sợ dịch bệnh, lo ngại không có việc làm, thu nhập bấp bênh, không đảm bảo cuộc sống tại các tỉnh kinh tế trọng điểm phía Nam... nên có khoảng 2,2 triệu người đang làm việc tại khu vực này đã trở về địa phương, gây ra nguy cơ thiếu hụt lao động cho khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.
Trước tình hình đó, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các giải pháp, nhiệm vụ cụ thể để phục hồi, phát triển kinh tế xã hội tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022. Quốc hội cũng thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi kinh tế.
"Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 08 quy định về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo trình tự thủ tục rút gọn", ông Vũ Trọng Bình cho biết.
Đơn giản hóa thủ tục
Theo Cục trưởng Vũ Trọng Bình, ước tính ban đầu của Bộ LĐ-TB&XH, có khoảng 3,4 triệu lao động được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà.
Quyết định 08 là sự cụ hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về việc vừa thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 vừa nhằm phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng.
Đồng thời, Quyết định 08 bảo đảm các nguyên tắc, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết số 11 về chương trình phục hồi kinh tế, để triển khai việc hỗ trợ đúng đối tượng, công khai, minh bạch, tránh để xảy ra tình trạng lợi dụng, trục lợi chính sách.
Về thủ tục, việc triển khai chi trả tiền hỗ trợ sẽ thực hiện theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, phát huy vai trò, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện chính sách.
Giải thích rõ về mục tiêu chính sách, lãnh đạo Cục Việc làm nêu rõ, Quyết định số 08 nhằm chia sẻ, hỗ trợ cho người lao động còn khó khăn về nhà ở để họ yên tâm làm việc, tham gia phục hồi sản xuất cùng với người sử dụng lao động, hỗ trợ doanh nghiệp "giữ chân" được người lao động để có nhân lực cho phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để giữ chân người lao động vào làm việc, hạn chế việc phải ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh do thiếu lao động. Đặc biệt, chính sách hướng tới mục tiêu thu hút trở lại những lao động do tác động của đại dịch Covid-19 đã phải rời bỏ thành phố về quê.