Hơn 200 chủ doanh nghiệp bỏ trốn, người lao động rơi cảnh "đem con bỏ chợ"
(Dân trí) - Hơn 200 chủ doanh nghiệp bỏ trốn, trong đó có những đơn vị "bùng" hàng chục tỷ đồng tiền Bảo hiểm xã hội của người lao động. Đây là những doanh nghiệp được liệt vào diện nợ khó thu.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thanh Hóa mới đây tiếp tục có báo cáo về tình trạng chậm đóng và nợ đọng BHXH, Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) kéo dài trên địa bàn tỉnh này.
Theo BHXH Thanh Hóa, trong những năm qua, việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn luôn được lãnh đạo tỉnh quan tâm, chỉ đạo; các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, người lao động tích cực triển khai thực hiện, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, nhiều đơn vị thuộc khối hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, hợp tác xã còn nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Theo BHXH Thanh Hóa, thời điểm 31/12/2022, khối hành chính sự nghiệp có 17 đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền hơn 4,6 tỷ đồng; 2.252 đơn vị khối doanh nghiệp, hợp tác xã đang hoạt động chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN với số lao động là 40.144 người và số tiền chậm đóng là hơn 314 tỷ đồng…
Trong đó, có nhiều đơn vị được liệt vào diện khó thu, lý do chủ doanh nghiệp bỏ trốn.
Theo thống kê của BHXH Thanh Hóa, năm 2022, trên địa bàn tỉnh này có 520 doanh nghiệp nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN khó thu với tổng số nợ là hơn 121 tỷ đồng, trong đó có hơn 220 chủ doanh nghiệp bỏ trốn, với số tiền nợ lên đến hàng chục tỷ đồng.
Có những doanh nghiệp chủ bỏ trốn nhưng còn nợ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động với số tiền lớn như: Công ty TNHH xây dựng và thương mại Nhật Phong (xóm 6, xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa), có tổng nợ gần 1,8 tỷ đồng; Công ty CP XD và TM Minh Dũng, đường Nguyễn Trãi, phường Ba Đình, thành phố Thanh Hóa, có tổng nợ hơn 1,5 tỷ đồng; Công ty CP VAVINA, Khu công nghiệp Tây Bắc Ga, phường Đông Thọ, thành phố Thanh Hóa, có tổng nợ hơn 1,9 tỷ đồng; Công ty TNHH TS VINA, xã Định Liên, huyện Yên Định, có tổng nợ hơn 18,5 tỷ đồng…
Về việc khởi kiện ra tòa đối với doanh nghiệp nợ BHXH, theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật BHXH, từ ngày 1/1/2016, cơ quan BHXH không có chức năng khởi kiện ra tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về BHXH gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động, mà giao cho tổ chức công đoàn khởi kiện theo quy định tại khoản 8 Điều 10 Luật Công đoàn, từ năm 2020 đến nay tổ chức Công đoàn chưa thực hiện khởi kiện được đơn vị nợ BHXH nào.
Đối với việc chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết hình sự các vụ nợ đóng BHXH kéo dài, từ 2020 đến 2022, BHXH tỉnh Thanh Hóa đã lập và chuyển hồ sơ đến cơ quan cảnh sát điều tra kiến nghị khởi tố đối với 5 đơn vị nợ BHXH, gồm: Công ty cổ phần xây dựng Hancorp.2, Công ty cổ phần Licogi 15, Công ty TNHH may Vạn Hà, Công ty TNHH TS VINA và Công ty TNHH may Đa Lộc.
BHXH tỉnh Thanh Hóa cũng đã chỉ đạo BHXH cấp huyện cung cấp số liệu, phối hợp với tổ chức Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH. Tuy nhiên, do còn những khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt pháp lý trong khởi kiện nên đến nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa thực hiện khởi kiện được doanh nghiệp nào.
Các nguyên nhân chủ quan, khách quan, trách nhiệm, cũng như việc thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm trong việc chậm đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN đã được BHXH Thanh Hóa tích cực triển khai trong thời gian qua.
Cũng với đó, nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới nhằm khắc phục tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN kéo dài trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã được cơ quan BHXH Thanh Hóa đề ra.