Họa sĩ một tay hiến giác mạc của bố: "Người không nhìn thấy khổ hơn tôi"
(Dân trí) - Nén đau thương ngày bố qua đời, anh K. - họa sĩ mất cánh tay phải sau tai nạn - thấu hiểu cảm giác của những người khuyết tật nên đã thực hiện di nguyện hiến giác mạc của bố.
Một ngày giữa tháng 12, trời rét đậm. Khi các xứ đạo ở huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định) tất bật trang hoàng nhà cửa, ông P.V.Đ. trút hơi thở cuối cùng, không kịp chờ đón Giáng sinh cuối.
Bà T.T.N., vợ ông Đ., nói về nguyện vọng hiến giác mạc của chồng để giúp những người vốn sống trong mù lòa. Các thành viên trong gia đình đều biết nghĩa cử cao đẹp hiến tạng nên mong muốn thực hiện di nguyện của ông Đ.
"Chồng tôi mất rồi, không làm gì được nữa. Chúng tôi mong muốn đem đến ánh sáng cho những người khiếm thị", bà N. nghẹn ngào.
Anh P.V.K, con trai thứ 2 của ông Đ., từng gặp tai nạn cách đây 12 năm nên chỉ còn một cánh tay. Là người khuyết tật, anh thấu hiểu cảm giác của những người khiếm khuyết.
"Người khiếm thị còn khổ hơn tôi rất nhiều. Bố đã ra đi, tôi muốn hiến giác mạc của ông cho những người còn khổ hơn mình. Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, là bộ phận quan trọng bậc nhất với cuộc sống của mỗi người, để có thể nhìn và cảm nhận nữa...", K. nói.
Vợ chồng ông Đ. có 4 người con, trừ người con út vẫn đi học, ba người còn lại đều làm trong lĩnh vực nghệ thuật.
Anh K. là họa sĩ, sống bằng nghề vẽ tranh phong cảnh, tranh chân dung. Mọi bức tranh đòi hỏi sự khéo léo, tài hoa, tinh tế đó đều được anh thể hiện chỉ bằng tay trái.
Nhận điện thoại từ người thân ông Đ. thông báo di nguyện hiến tặng giác mạc, các nhân viên Ngân hàng mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 đã huy động nhân lực, dụng cụ, di chuyển nhanh nhất về Hải Hậu, Nam Định. Mục tiêu quan trọng là thu nhận giác mạc trong thời gian sớm nhất để đảm bảo chất lượng tốt nhất có thể.
Sau khi hỗ trợ ổn định tinh thần gia đình ông Đ., các nhân viên Ngân hàng mô thực hiện việc thu nhận giác mạc.
Dưới ánh nến, công tác thu nhận diễn ra khẩn trương, trang nghiêm và tĩnh lặng. Mọi thao tác đều nhẹ nhàng, nghiêm cẩn hết sức để ông Đ. có thể yên tâm rời đi, tự hào về di sản quý giá sau cùng để lại cho cuộc đời.
Nén đau thương, gia đình đã trao tận tay hộp đựng giác mạc của ông Đ. cho đại diện bệnh viện.
"Giây phút ấy đối với chúng tôi rất cảm động. Chúng tôi cảm nhận được bên cạnh niềm tin vào đức tin, gia đình đã trao cho chúng tôi những niềm tin lớn lao khác: niềm tin vào y học và cao cả hơn nữa là niềm tin vào tình yêu thương con người", vị đại diện ngân hàng đặc biệt nói.
Tại Việt Nam, việc lấy - ghép giác mạc được thực hiện từ năm 2007. Đến nay, có hơn 3.000 người được ghép giác mạc, trong đó có hơn 50% là từ nguồn người hiến tại cộng đồng, tập trung chủ yếu ở Ninh Bình, Nam Định... nhiều nhất là năm 2020, có 169 người được ghép.
Các bệnh nhân chờ ghép giác mạc nhiều nhất là ở độ tuổi 30-60, có cả trẻ em. Các bác sĩ kêu gọi cộng đồng cùng đăng ký hiến giác mạc khi không may qua đời, để tiếp tục phần sống ý nghĩa dành cho người khác.
PGS.TS Hoàng Thị Minh Châu, Giám đốc Ngân hàng mô, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cho biết, chỉ trong 8 tháng, đơn vị đã thu nhận 57 giác mạc từ nhiều nguồn hiến, thực hiện ghép giác mạc cho 42 trường hợp, điều phối giác mạc sang một số viện khác.
Đặc biệt, trong số giác mạc hiến tặng, nhiều giác mạc được thu nhận từ các ngân hàng Mắt của Mỹ.