Hỗ trợ hơn 20.000 tấn gạo cho người dân biên giới bảo vệ, phát triển rừng

Trần Lê

(Dân trí) - Hơn 20.000 tấn gạo sẽ được hỗ trợ cho 37.678 lượt khẩu tham gia trồng, chăm sóc rừng trồng và 86.391 lượt khẩu nhận khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng tại huyện biên giới Mường Lát (Thanh Hóa).

Tỉnh Thanh Hóa vừa có quyết định về việc phê duyệt phương án hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để thực hiện công tác bảo vệ, phát triển rừng huyện Mường Lát, giai đoạn 2020 - 2026.

Theo đó, có 8 xã và thị trấn thuộc huyện Mường Lát (Thanh Hóa) được nhận hỗ trợ gạo. Đối tượng hỗ trợ là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ người kinh nghèo tự nguyện trồng, chăm sóc rừng trồng và hộ nghèo nhận khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Mường Lát.

Việc hỗ trợ gạo chỉ áp dụng đối với các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ người kinh nghèo tự nguyện trồng, chăm sóc rừng trồng và hộ nghèo nhận khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ trong thời gian chưa đảm bảo được lương thực trên địa bàn huyện Mường Lát; được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hàng năm.

Hỗ trợ hơn 20.000 tấn gạo cho người dân biên giới bảo vệ, phát triển rừng - 1

Thanh Hóa hỗ trợ hơn 20 nghìn tấn gạo cho người dân bảo vệ, phát triển rừng...

Mức gạo hỗ trợ đảm bảo đủ ăn cho hộ gia đình, trong thời gian chưa đảm bảo được lương thực. Đối với hộ gia đình là đối tượng trợ cấp gạo của cả nội dung trồng, chăm sóc rừng trồng và nhận khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng thì chỉ được nhận hỗ trợ theo một nội dung, đảm bảo không trùng lặp đối tượng hỗ trợ.

Danh sách các hộ, số nhân khẩu thuộc diện được hỗ trợ gạo trồng, chăm sóc, bảo vệ và nhận khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng được thông báo công khai tại thôn, bản, UBND xã; có sự tham gia giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cùng cấp; không để hiện tượng tiêu cực, lợi dụng gây thất thoát, lãng phí và phiền hà xảy ra.

Việc hỗ trợ bắt đầu từ khi hộ tham gia trồng, chăm sóc rừng trồng và hộ nghèo nhận khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng đến khi có thu nhập thay thế. Thời gian cụ thể từ tháng 11/2020 đến hết năm 2026. Thời gian được hỗ trợ gạo tối đa không quá 7 năm (tỉnh cả thời gian đã được hỗ trợ gạo giai đoạn 2013-2018 nếu có).

Thời gian hỗ trợ gạo tối thiểu 2 tháng một lần, cấp vào đầu tháng. Riêng năm 2020, hộ tham gia trồng, chăm sóc rừng trồng và nhận khoán, hỗ trợ bảo vệ rừng được hỗ trợ một lần cho 02 tháng cuối năm (tháng 11 và tháng 12).

Hộ nghèo nhận khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng được trợ cấp 15 kg/khẩu/tháng; hộ trồng, chăm sóc rừng trồng mức trợ cấp gạo xác định cho từng hộ gia đình căn cứ vào diện tích trồng rừng, mỗi ha không quá 700 kg/năm và mỗi khẩu được trợ cấp bình quân 10 kg/tháng, hộ nghèo trợ cấp 15 kg/khẩu/tháng.

Đối với những hộ gia đình có số nhân khẩu nhiều nhưng tham gia trồng rừng với diện tích ít, thì mức trợ cấp theo diện tích không quá 700 kg/năm. Đối với những hộ gia đình có số nhân khẩu ít nhưng tham gia trồng rừng diện tích nhiều, thì mức trợ cấp gạo tính theo khẩu.

Tổng số gạo hỗ trợ trong đợt này cho huyện Mường Lát là 20.033 tấn (giai đoạn 2020-2026) để trồng, chăm sóc 2.100 ha rừng trồng và khoán bảo vệ, hỗ trợ bảo vệ 153.000 lượt ha rừng. Số khẩu hỗ trợ là 37.678 lượt khẩu tham gia trồng, chăm sóc rừng trồng và 86.391 lượt khẩu tham gia nhận khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng.

UBND huyện Mường Lát chỉ đạo rà soát, lập danh sách đối tượng được hỗ trợ gạo đảm bảo chính xác, dân chủ, công khai và kịp thời; xem xét quyết định hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ người kinh nghèo tự nguyện trồng, chăm sóc rừng trồng và hộ nghèo nhận khoán bảo vệ rừng, hỗ trợ bảo vệ rừng trong thời gian chưa đảm bảo được lương thực trên địa bàn huyện Mường Lát.

Chủ tịch UBND huyện phải chịu trách nhiệm toàn diện về hiệu quả trồng, chăm sóc, bảo vệ và nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng trên địa bàn.