HIV, đồng giới nam và những hệ lụy
Vừa qua tuổi 15 bỗng một ngày cậu bé T. phát hiện mình nhiễm HIV (có H), cuộc đời tưởng như dừng lại ở giây phút đó, cậu đã tuyệt vọng khi nghĩ tới cái chết…
Theo cảnh báo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), tình hình dịch HIV tại Việt Nam có xu hướng tăng cao trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới.
Qua công tác giám sát trọng điểm năm 2020, phát hiện tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) chiếm 13,3%, đặc biệt cao ở một số tỉnh như An Giang, Kiên Giang, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ.
Cùng với HIV, quan hệ đồng giới cũng là một vấn đề đáng báo động, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đậu mùa khỉ đang có những diễn biến phức tạp trên khắp thế giới.
Báo động HIV trong học sinh, sinh viên
T.T.T. (Long An) vừa qua tuổi 15 thì phát hiện nhiễm HIV. Cậu đã sốc khi cầm kết quả xét nghiệm dương tính trên tay. T là một đồng giới nam, cách đây chưa lâu, cậu đã có quan hệ tình dục với một người đàn ông lớn tuổi. Khi các cán bộ tiếp cận cộng đồng ở tỉnh Long An gặp được T., họ đã tư vấn cho cậu đi xét nghiệm vì bạn tình của T. đã nhiễm HIV. T. còn quá trẻ để nhận "hung tin", em đã vô cùng tuyệt vọng khi nghĩ mình không còn sống được bao lâu nữa.
Theo chia sẻ của anh Huỳnh Minh Phong - cán bộ tiếp cận cộng đồng - vì T. chưa đến tuổi thành niên nên cần phải có chữ ký giám hộ của gia đình để thực hiện các xét nghiệm, họ phải giấu cha mẹ cậu chuyện T. là người đồng tính, để gia đình đồng hành cùng T. trên con đường chữa bệnh sau này.
Thời gian đầu T. rất suy sụp, cậu bé nghĩ mình có thể chết trong nay mai, con đường tương lai trở nên tăm tối. Huỳnh Minh Phong đã giúp cậu đứng lên, động viên, tư vấn T. uống thuốc kháng virus ARV đều đặn, sức khỏe cậu đã dần khá hơn.
Chưa đến tuổi 20 nhưng N.T.C. (Long An) được phát hiện có H.. Cậu cũng định kết thúc cuộc sống bằng cái chết khi biết mình mang bệnh. Từ nhỏ, mẹ C đã bỏ đi biệt xứ, cậu ở với bà ngoại. Nhà nghèo nhưng có gì ngon bà đều dành cho đứa cháu côi cút.
Do thiếu sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ, C đã sớm bước đi trên con đường lệch lạc. Trong nhiều lần quan hệ đồng giới C. không may đã bị nhiễm HIV.
Ngày biết kết quả, C. đi lang thang, khi dừng lại bên một con sông, cậu đã định nhảy xuống kết thúc cuộc sống. Trong giây phút nghĩ quẩn đó, C. đã gọi cho Huỳnh Minh Phong.
"Tình huống lúc đó rất cấp bách, em phải "đánh" vào điểm yếu của C. là bà ngoại. Em nói với cậu ấy, phải nghĩ đến bà ngoại chứ, nếu em chết đi bà biết nương tựa vào ai. Trong khi HIV có thuốc, uống đều đặn vẫn sống được vài chục năm. C. đã thức tỉnh và không tìm đến cái chết nữa", Phong kể lại.
Theo ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Long An, nếu như giai đoạn năm 2018, tỷ lệ lây HIV qua tiêm chích ma túy tại tỉnh cao thì đến năm 2021, 95% ca nhiễm HIV lây qua đường tình dục. Đặc biệt, số nhiễm HIV là nam giới tăng nhiều, trung bình trong 100 người có 92 trường hợp là nam giới. Tỷ lệ đồng nhiễm của nhóm MSM là khoảng 70%, như vậy cứ 3 ca thì có 2 ca nhiễm HIV.
Đặc biệt, số ca nhiễm HIV tại Long An ngày càng trẻ hóa, có những học sinh đang học phổ thông, sinh viên đại học. Khi nhiễm HIV, các bạn bị mất phương hướng và dễ nghĩ tới cái chết. "Những trường hợp này, mình phải tác động vào điều họ quan tâm nhất trong cuộc đời còn lại để giúp họ có thêm niềm tin vào cuộc sống. Nhờ vậy mà mình đã cứu giúp được nhiều mạng sống. Các bạn đều đang điều trị rất tích cực, sức khỏe đều ổn định", Phong nói.
Theo thông tin từ Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng chống HIV/AIDS, không chỉ Long An, mà nhiều tỉnh, thành phố có không ít học sinh cấp 2, cấp 3 đã nhiễm HIV do quan hệ tình dục đồng giới. Đây là một thực trạng rất đáng báo động. Nguyên nhân khiến các em mắc căn bệnh thế kỷ là do bị lạm dụng tình dục. Có em ở Hà Nội chia sẻ, họ bị chính các "ông già" đồng tính dụ dỗ khi vào công viên chơi. Những người này không dám lộ diện như các đồng tính trẻ là sử dụng mạng xã hội để tìm bạn tình, để che đậy giới tính, họ thường ra công viên tìm bạn tình, hoặc dụ dỗ các em nhỏ. Có em học sinh ở một tỉnh miền núi, bị lạm dụng tình dục đồng tính nhiều lần nhưng không khai báo vì bị đe dọa…
Phát hiện khi bệnh ở giai đoạn muộn
Tham gia Chương tình Tiếp cận cộng đồng của dự án EPIC (can thiệp hiệu quả trong quần thể người nguy cơ cao nhằm ngăn chặn tỷ lệ lây truyền HIV trong nhóm cũng như ra cộng đồng), các cán bộ cộng đồng gặp rất nhiều trường hợp phát hiện bệnh muộn, chuyển sang giai đoạn AIDS. Ở cộng đồng MSM, hàng trăm trường hợp sau khi được tư vấn đưa vào điều trị đã bị rối trí, suy kiệt. Có nhiều ca lúc mới vào bị sốc tâm lý, sợ hãi, chỉ muốn kết thúc cuộc sống.
Huỳnh Minh Phong chia sẻ câu chuyện của một nam giới song tính đã có vợ con. Anh này khi phát hiện nhiễm HIV thì đã ở giai đoạn cuối, gần chuyển sang AIDS. Trong thời gian chung sống với vợ, anh đã có quan hệ với bạn tình cùng giới. Là một công chức nhà nước, anh giấu giếm những quan hệ song tính của mình, khi nhiễm HIV, anh đã sốc. Giai đoạn đầu mắc bệnh, anh sụt cân nhanh chóng, chỉ còn hơn 30kg. Ban đầu để giấu kín danh tính, anh tìm đến phòng khám tư nhân, nhưng bị từ chối điều trị. Nếu tiếp tục kéo dài, sinh mệnh có thể không giữ được. Giữa sự sống và cái chết, anh theo tư vấn của Phong, vào điều trị tại Bệnh viện đa khoa Long An. Từ một người suy yếu, giờ anh đã khỏe mạnh nhờ vào điều trị thuốc ARV.
Đau lòng hơn trong quá trình tư vấn, Phong đã gặp 1 nam sinh với gương mặt hoang mang, sợ hãi. Chàng trai trốn gia đình đi gặp Phong xin tư vấn làm thế nào để vượt qua nỗi đau và nguy cơ nhiễm bệnh khi bị chính anh trai xâm hại. Gia đình quản thúc cậu bé bằng camera, nhưng cậu bé lại bị anh ruột xâm hại ngay trong trong chính ngôi nhà của mình. Bị khủng hoảng tinh thần khi phải sống trong sự căm phẫn và u tối. "Chúng tôi tư vấn cho em làm xét nghiệm, động viên tâm lý và điều trị dự phòng nguy cơ lây nhiễm HIV", Phong cho biết.
Khi tiếp cận cộng đồng MSM (quan hệ tình dục đồng giới), Huỳnh Minh Phong và nhiều cán bộ khác đã trở thành người bạn đồng hành của nhiều bạn trẻ. Nhiều trường hợp đồng giới có nguy cơ cao nhiễm HIV đã được nhóm tiếp cận, tư vấn điều trị dự phòng chống phơi nhiễm bằng thuốc kháng virus (PrEP) và sức khỏe rất tốt. Nhóm tuổi MSM tại Long An bị nhiễm HIV, đưa vào điều trị dự phòng PrEP chủ yếu là các bạn trẻ dưới 25 tuổi, là lao động tự do.
Đẩy mạnh tuyên truyền trong trường học
Theo PGS.TS Phạm Đức Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, qua công tác giám sát trọng điểm năm 2020 phát hiện tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng MSM tới 13,3%, ở một số tỉnh đặc biệt cao như: An Giang (13,5%), Kiên Giang và TP Hồ Chí Minh (14,7%), Cần Thơ (22,7%). Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã triển khai nhiều dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS như dịch vụ xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng PrEP trước phơi nhiễm HIV, điều trị HIV, khám và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục… Tuy nhiên, vẫn không thể khống chế tình hình lây nhiễm HIV trong cộng đồng MSM do quần thể này khó tiếp cận và sử dụng các dịch vụ phòng, chống HIV còn hạn chế.
Theo một cán bộ làm công tác dự phòng chống lây nhiễm HIV, nhóm MSM thông qua một số app để hẹn hò tìm bạn tình. Nhóm này có nhu cầu tình dục rất cao, thường có từ 2-5 bạn tình, thậm chí còn nhiều hơn, hoặc còn quan hệ với cả nữ nhưng lại rất thiếu kiến thức về tình dục an toàn. Hơn nữa, nhóm này còn sử dụng ma túy tổng hợp để tạo hứng phấn khi quan hệ, dẫn đến không kiểm soát được hành vi, không sử dụng bao cao su… nên nguy cơ lây nhiễm HIV rất lớn.
Bên cạnh đó còn nhóm mại dâm nam đồng tính, đây là nhóm nguy cơ lây HIV cao nhất. Nhóm này tập trung ở lứa tuổi 18-35. Họ tìm bạn tình chủ yếu thông qua mạng xã hội; hoặc hoạt động núp dưới bóng các cơ sở massage, xông hơi, spa và công viên… Giải pháp đưa ra với nhóm MSM này là dùng bao cao su và điều trị dự phòng PrEP. Phương pháp điều trị PrEP đang được nhiều nước trên thế giới triển khai vì thể hiện được rõ hiệu quả giảm lây nhiễm HIV trong đồng giới nam.
Để tiếp cận với nhóm MSM tư vấn, những người làm công tác phòng, chống HIV/AIDS phải dựa vào nhóm CBO (tổ chức dựa vào cộng đồng) mà thành viên cốt cán là các đồng đẳng MSM. Nhóm CBO có lợi thế là sự đồng cảm, chia sẻ về tâm tư, tình cảm và dễ dàng có tiếng nói chung trong cuộc sống. Vì thế, các nhóm CBO là cánh tay nối dài của cơ quan y tế để tiếp cận, kết nối khách hàng đến tư vấn, xét nghiệm, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm, điều trị thuốc ARV cũng như điều trị đồng nhiễm khác.
Theo chia sẻ của anh Nguyễn Huy Hoàng - đồng đẳng viên cũng đang điều trị PrEP, tỷ lệ nhiễm và cần điều trị dự phòng PrEP ở các bạn trẻ đang theo học phổ thông rất cao. Có những bạn chỉ mới đang học lớp 9, muốn điều trị phải có sự đồng ý của gia đình nên họ sợ hãi, giấu bệnh và từ chối điều trị dự phòng nên rất khó thuyết phục. Điều này sẽ khiến các em đối mặt với nguy cơ nhiễm HIV rất cao.
Để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm HIV trong giới trẻ, việc tuyên truyền cho lứa tuổi học sinh, sinh viên cực kỳ quan trọng. Ông Nguyễn Ngọc Linh nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn cảnh báo mạnh mẽ tình trạng nam quan hệ tình dục đồng giới ở lứa tuổi học sinh. Chúng tôi muốn đẩy mạnh truyền thông, muốn các nhà trường cùng phối hợp tuyên truyền rộng rãi. Tôi cho rằng, nội dung này cần đưa vào môn học về giáo dục giới tính để các bạn nam đồng giới hiểu đúng, có biện pháp phòng tránh nguy cơ nhiễm HIV".
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Long An phát hiện 187 người nhiễm HIV mới, (tăng 45 ca so với cùng kỳ năm 2011), tử vong 18 ca. Số bệnh nhân nội tỉnh còn sống đang quản lý là 3.269 và 620 bệnh nhân ngoại tỉnh. Tại các tỉnh phía Nam, HIV trong nhóm MSM tăng nhanh trong những năm gần đây. Tỉnh Vũng Tàu, giai đoạn 2016-2021, tỷ lệ lây truyền qua đường máu từ 28,3% xuống 12,9%, trong khi đó, lây nhiễm HIV qua đường tình dục tăng từ 69,3% lên 86%. Độ tuổi điều trị dự phòng PrEP từ 20-34, chủ yếu là các lao động trong khu công nghiệp. Số người nhiễm HIV tập trung ở các nhóm nguy cơ cao, trong đó nhóm MSM có tỷ lệ nhiễm tăng cao trong những năm gần đây, từ 4,5% (2016) lên 60% (2021).