Hé lộ mặt trái cuộc sống và công việc của "osin" xứ người

An Linh

(Dân trí) - Làm 22h mỗi ngày, chủ không cho ăn uống, đối diện với rủi ro bị cưỡng bức. Nhiều lao động nữ đã kể về nỗi khổ cực, sợ hãi khi đi làm việc tại nước ngoài bất hợp pháp.

Theo Ngân hàng Thế giới, trong năm năm qua, Việt Nam luôn thuộc 10 nước trên thế giới nhận được lượng kiều hối cao nhất, đỉnh điểm là 17,2 tỷ đô la Mỹ vào năm 2019.

Một phần đáng kể trong số tiền đó là đóng góp của người lao động di cư. Trong quá trình di cư lao động ở nước ngoài, bên cạnh những nơi làm việc đàng hoàng vẫn còn không ít người phải đối mặt với các rủi ro và nguy cơ bị bạo lực, thậm chí có thể là nạn nhân của những đường dây mua bán người.

Làm hơn 22h mỗi ngày cho chủ

"Hành trình di cư lao động nước ngoài của phụ nữ Việt Nam: Những câu chuyện bây giờ mới kể" là cuốn sách được Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) tập hợp bởi nhiều câu chuyện về cuộc sống của phụ nữ Việt Nam khi đi lao động xa xứ, do chính các thành viên của mạng lưới phụ nữ Hà Tĩnh di cư lao động ở nước ngoài kể lại.

Hé lộ mặt trái cuộc sống và công việc của osin xứ người - 1

Lao động nữ đi làm việc tại nước ngoài, trong đó đặc biệt là lao động đi làm việc phi chính thức, giúp việc gia đình đang đối diện với nhiều rủi ro pháp lý và an toàn (Ảnh minh họa).

Theo TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện ISDS: Những người di cư lao động không chính thức khi chưa có thỏa thuận hợp tác lao động giữa Việt Nam và quốc gia nơi đến, nhất là phụ nữ, người vị thành niên là các nhóm đặc biệt dễ bị tổn thương.

"Nhiều người trong số họ do thiếu hiểu biết và mong muốn thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn đã rơi vào bẫy của những kẻ môi giới lao động dẫn đến vay nợ để ra đi. Khi sang đến nước ngoài, họ trở thành người lao động bất hợp pháp và buộc phải chấp nhận những điều kiện làm việc tồi tệ khác xa thỏa thuận ban đầu", bà Hồng cho hay.

Theo lời kể của nhiều phụ nữ đi làm việc tại nước ngoài, bao nhiêu kham khổ, vất vả họ đều phải trải qua. Đa số đều được môi giới đưa lời đường mật, nhưng sự thật là phải làm giúp việc trong điều kiện thiếu thức ăn, thiếu tự do và bị hành hạ cả tinh thần và thể xác.

Chị Thúy Hạnh (35 tuổi) kể về chuyến đi làm việc tại Đài Loan: Lúc cả nhà họ ăn tối thì chị này phải cho trẻ ăn và chỉ kịp nuốt vội vài miếng cơm. Cả ngày làm việc quần quật từ 6-22h, loay hoay với công việc, nhà chủ đi ngủ lúc 22h, người giúp việc 22 giờ mới tắm giặt xong. Sau đó, người giúp việc còn phải là, gấp quần áo cho cả gia đình chủ gồm 9 người và kết thúc công việc là lúc 2h ngày hôm sau.

"Khi tôi làm xong việc thì đồng hồ đã điểm 2h ngày hôm sau. Lúc đó, tôi mới đặt lưng xuống nằm nghỉ ngơi", chị Hạnh nói.

Lời chị Hạnh kể lại: "Cuộc sống không dám nghĩ đến nghỉ ngơi. Ốm đau thì tự mình cố gắng chăm sóc bản thân, người thân không có, bạn bè cũng không, suốt ngày bù đầu với công việc. Với sức của một con người lao động bằng tay chân và việc làm liên tục 22h là quá sức và mới đầu cũng không nghĩ là mình làm được".

Một hoàn cảnh khác là chị Nguyễn Minh Thu đi giúp việc tại Đài Loan (Trung Quốc) còn khủng khiếp hơn. Theo chị này, khi sang Đài Loan lại rơi vào một nhà chủ không cho ăn. "Họ nhốt mình trong phòng với đứa trẻ, nhiệm vụ là cho bé uống sữa và không có bất kỳ đồ ăn nào dành cho người giúp việc", chị Thu nói.

Không vì nợ, vì gia đình không bao giờ đi nước ngoài

"Tôi chỉ được ăn duy nhất một đọi (bát) cơm vào buổi tối. Một ngày chỉ được ăn một đọi cơm buổi tối. Đến mức, cháu bé uống thừa sữa đáng lẽ phải mang đi rửa nhưng vì đói quá nên em vẫn mở nắp ra uống", lời kể của chị Thu.

Hé lộ mặt trái cuộc sống và công việc của osin xứ người - 2

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện ISDS, cơ quan đứng ra tập hợp những câu chuyện của lao động nữ Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài.

Tương tự, chị Phan Thị Hòa kể, năm 2003, chị được đưa sang Đài Loan làm giúp việc. Công việc chính là chăm sóc bà già và phụ giúp việc nhà. Trong suốt 2 năm, chị sống trong gia đình chủ không được ra khỏi nhà, tuyệt đối không được dùng điện thoại.

"Nhớ nhà, tôi chỉ biết gửi thư về và từng chiều trông chờ lá thư trở lại. Một năm có 365 ngày, công việc mở mắt ra đầu tiên là xé tờ lịch vứt để cho thời gian trôi từng ngày để có động lực cho một ngày mới. Nguy hiểm hơn, một lần ông chủ xuống phòng đòi sàm sỡ. Lúc đó tôi la lên và ông ta sợ đi ra khỏi phòng. Từ đó về sau, ông không dám bén mảng đến phòng ngủ của 2 bà cháu nữa", chị Hòa kể.

Tương tự như hoàn cảnh của chị Thúy Hạnh, chị Thu, chị Minh Hồng tại Hà Tĩnh cũng chịu cảnh ngược đãi khi đi làm "osin". Chị Hồng cho rằng: "Vì gia đình khó khăn nên tôi quyết định đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, tôi phải bỏ lại 2 đứa con nhỏ cho chồng chăm sóc".

Sang đến nơi, chị được công ty đưa đến trại dưỡng lão, bị giao chăm sóc 12 người già ở tầng 5 và 6. Chị phải làm việc suốt 8h không được nghỉ, làm tất cả từ việc tắm giặt, vệ sinh, ăn uống cho họ. Vì mới sang, chị chưa thạo tiếng nên bị người ta chửi mắng, khinh thường...

"Đến bữa ăn, hôm nào may mắn thì tôi có được 1 bát cơm, 1 bát canh với 2 miếng thịt, còn không thì lại bánh mỳ. Lúc đó rất nhớ chồng con, quê hương nhưng tôi không thể liên lạc về được vì điện thoại đã bị công ty môi giới thu rồi. Làm việc vất vả thế đến lúc nhận lương tôi lại bị công ty thu lại một nửa, nhưng tôi cũng chỉ biết đành chấp nhận", chị kể.

Ở nơi đất khách, người xuất khẩu lao động chịu rất nhiều khổ cực thiệt thòi, bị người ta bóc lột sức lao động, bị người ta khinh thường, mà không một ai, một tổ chức nào ra đứng bảo vệ. Mọi người ở nhà cứ thấy tiền gửi về là bảo sướng, rồi đua nhau đi nước ngoài, nhưng đi sang rồi mọi người mới cảm nhận được sự vất vả.

"Quả thực không vì con cái, vì gia đình, vì những khoản nợ thì tôi nghĩ tôi sẽ không bao giờ đi xuất khẩu lao động", người phụ nữ đi lao động Đài Loan cho hay.