Hà Nội muốn hỗ trợ thêm tiền cho người đóng BHXH tự nguyện
(Dân trí) - UBND TP Hà Nội vừa có tờ trình gửi HĐND thành phố, đề xuất hỗ trợ kinh phí cho người đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện, giai đoạn 2022-2025.
Theo nội dung tờ trình, qua 13 năm thực hiện, chính sách BHXH tự nguyện đã đạt được những kết quả bước đầu, tuy nhiên so với lực lượng lao động trên địa bàn thành phố thì kết quả đạt được chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, chưa tương xứng với tiềm năng của Hà Nội.
Đặc biệt, mức hỗ trợ cho người đóng BHXH tự nguyện hiện còn thấp, cụ thể: Đối với người thuộc hộ nghèo hỗ trợ bằng 30% trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, tương ứng từ năm 2022 là 99.000 đồng/người/tháng; người thuộc hộ cận nghèo hỗ trợ bằng 25% trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, tương ứng với 82.500 đồng/người/tháng.
UBND TP Hà Nội cho rằng, mức hỗ trợ nêu trên chưa thực sự thu hút người lao động tham gia đóng BHXH tự nguyện để hưởng chế độ trợ cấp hưu trí hàng tháng, bảo hiểm y tế (BHYT) khi già.
Trong khi đó, từ năm 2022, mức chuẩn nghèo đa chiều tăng lên, tại Hà Nội là 1.500.000 đồng mỗi tháng. Mức đóng BHXH tự nguyện cũng tăng theo, từ 154.000 đồng lên 330.000 đồng/người/tháng khiến người lao động gặp khó. Theo số liệu thống kê qua 3 tháng đầu năm 2022, do nâng mức đóng BHXH tự nguyện nên số người tham gia BHXH tự nguyện giảm so với tháng 12/2021.
Bên cạnh đó, thành phố khẳng định, những đối tượng lao động trong độ tuổi chưa tham gia BHXH tự nguyện sẽ là một gánh nặng cho ngân sách sau khi nhóm này bước vào nhóm người cao tuổi.
Theo đó, ngân sách sẽ phải chi trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng cho đối tượng người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng; cấp thẻ BHYT cho nhóm đối tượng không có lương hưu hàng tháng. Mỗi năm, ngân sách phải hỗ trợ cho 92.961 người với số tiền đóng BHYT là 75 tỷ đồng.
Được biết, quy định hiện hành của Chính phủ về mức hỗ trợ cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp xã hội hàng tháng là 440.000 đồng/người/tháng. Mỗi năm, ngân sách phải hỗ trợ cho nhóm đối tượng này khoảng 490 tỷ đồng/năm.
"Vì vậy việc ban hành chính sách sẽ giảm gánh nặng cho ngân sách thành phố trong việc chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội, BHYT hàng tháng cho đối tượng này" - trích nội dung tờ trình.