1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Hà Nội: Gói tín dụng ưu đãi 500 tỷ đồng cho 10.000 lao động khó khăn

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Với mức vay trung bình 50 triệu đồng/người, gói tín dụng sẽ giúp khoảng 10.000 lao động gặp khó khăn vay phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm, khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Hà Nội: Gói tín dụng ưu đãi 500 tỷ đồng cho 10.000 lao động khó khăn - 1

Lao động khó khăn do Covid-19 nhận hỗ trợ từ gói an sinh của TP Hà Nội (Ảnh: Quân Đỗ).

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, thông tin về việc HĐND TP Hà Nội vừa thống nhất với đề xuất của UBND TP Hà Nội đã phê duyệt bổ sung nguồn vốn ngân sách thành phố năm 2021, nhằm hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được vay ưu đãi. Nguồn vốn vay này sẽ được ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội TP Hà Nội.

Đây là gói hỗ trợ an sinh xã hội đặc thù của TP Hà Nội dành cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Số vốn đề nghị bổ sung dự kiến đáp ứng được khoảng 44% nhu cầu vốn của người lao động, góp phần tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động. Mức cho vay bình quân dự kiến là khoảng 50 triệu đồng/lao động.

Theo đó, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Hà Nội ủy thác qua các chi nhánh NHCSXH với số tiền 500 tỷ đồng để cho người lao động trên địa bàn thành phố vay phục hồi sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm, khắc phục ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Đối tượng cho vay là người lao động bị mất việc làm do Covid-19; người lao động gặp khó khăn do dịch có nhu cầu vay vốn để phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định.

Theo ông Nguyễn Hồng Dân, việc triển khai cho các đối tượng vay được thực hiện theo trình tự sau:

Người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; người lao động là người mù; người khuyết tật có nhu cầu vay vốn để tạo việc làm và thu nhập ổn định.

Người lao động mất việc làm vì Covid-19; người lao động khó khăn do dịch Covid-19 có nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo việc làm và thu nhập ổn định.

Về ngành nghề, quyết định nêu rõ người lao động làm việc trong các ngành sau  được cho vay, gồm: Kinh doanh buôn bán, dịch vụ (kinh doanh hàng tiêu dùng, tạp hóa, vật tư nông nghiệp, cửa hàng ăn uống, cà phê giải khát, vận chuyển Grab....). Các ngành sản xuất nông nghiệp (chăn nuôi, trồng trọt, nuôi thủy sản và một số ngành, nghề khác (sản xuất tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp, lâm nghiệp...).

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Dân, dự kiến trong tuần tới, UBND TP Hà Nội sẽ ban hành quyết định chính thức triển khai công tác cho vay theo chỉ đạo của HĐND TP.

Trước đó, Sở Tài chính, Sở KH&ĐT và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã có đánh giá và Tờ trình về việc triển khai chính sách cho vay vốn đối với người dân, người lao động.

Liên quan tới việc hỗ trợ người dân gặp khó khăn, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 15/NQ-HĐND bổ sung chính sách hỗ trợ tới 10 nhóm đối tượng đặc thù bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng chưa quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 3642/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.