Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng tiếp thêm động lực sau những ngày gian khó
(Dân trí) - Trường đóng cửa do dịch, nhiều giáo viên phải vật lộn đủ nghề để mưu sinh. Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng là động lực sau những ngày gian khó và họ mong muốn sớm nhận được để phần nào bớt đi khó khăn.
Giáo viên mầm non nghỉ dịch bán hàng online
Khoảng 2 năm qua, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, nhiều giáo viên mầm non tư thục ở Thanh Hóa "đứng ngồi không yên", nhiều lần phải tạm nghỉ việc không lương để phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cô Mai Thị Thủy, giáo viên một trường mầm non tại TP Thanh Hóa liên tục phải nghỉ, đồng nghĩa với việc không có lương. Để có tiền trang trải cuộc sống, cô Thủy phải xoay xở đủ việc để mưu sinh như bán hàng online, làm một số công việc bán thời gian khác.
Đợt dịch Covid-19 thứ 4 diễn ra, cô giáo trẻ này quyết định nghỉ việc và chuyển sang nghề khác.
Cũng như cô Thủy, cô Phạm Thị Vân Anh cũng phải tạm nghỉ công việc làm giáo viên mầm non để phòng, chống dịch. Cô hiện đang mang thai tháng thứ 6. Trong thời gian nghỉ dịch, để có tiền trang trải cuộc sống, cô giáo này mua hải sản về bán kiếm thêm đồng ra, đồng vào.
Với cô Hoàng Thị Dung (giáo viên mầm non tư thục tại TP Thanh Hóa), đợt nghỉ dịch từ 11/5 đến 21/6 vừa qua khiến cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn. Hai vợ chồng cùng phải nghỉ việc không lương nên để trang trải cuộc sống, cô về quê kiếm các mặt hàng đưa lên TP Thanh Hóa bán qua hình thức online.
"Tôi đã 2 lần nghỉ việc không lương. Khó khăn hơn là chồng tôi làm đầu bếp cũng phải nghỉ việc. Chi phí sinh hoạt hàng tháng cũng gần 10 triệu đồng mỗi tháng, để có thể trang trải tôi phải chuyển sang bán hàng online", cô chia sẻ.
Mong sớm được nhận hỗ trợ
Hai năm với 4 làn sóng dịch Covid-19 bùng phát, nhiều ngành nghề và doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Những người làm giáo viên mầm non cũng nhiều đợt phải tạm nghỉ làm không lương khiến cuộc sống gia đình đảo lộn.
Khi biết Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, trong đó có đối tượng là giáo viên mầm non tư thục, nhiều người được hỏi tỏ ra rất vui, phấn khởi và mong ngóng gói hỗ trợ sớm được triển khai.
"Vừa qua nghe tin về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ, chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi, đó không chỉ là vật chất mà là món quà tinh thần vào lúc này. Hy vọng gói hỗ trợ sẽ sớm được triển khai để những người lao động vực dậy sau chuỗi ngày gian khó. Chúng tôi hy vọng đại dịch sẽ sớm qua nhanh để cuộc sống người dân sớm trở lại như trạng thái ban đầu", cô Hoàng Thị Dung chia sẻ.
Cùng tâm trạng, cô Lê Thị Trang, giáo viên mầm non tư thục tâm sự: "Tôi đã đọc và nghe thông tin về gói hỗ trợ lần này. Hi vọng đây sẽ là nguồn động viên và tiếp thêm động lực lớn đối với nhiều người lao động".
Theo bà Đặng Lan Anh - Hiệu trưởng Trường mầm non Việt Nhật KuMa (TP Thanh Hóa), dịch Covid-19 diễn ra khiến đơn vị lâm vào cảnh vô cùng khó khăn. Nghỉ dịch, không có nguồn thu nhưng vẫn phải đóng tiền thuê mặt bằng; giáo viên thì nghỉ không lương.
"Tôi có theo dõi qua ti vi và được biết, Chính phủ tiếp tục dành nguồn ngân sách khoảng 26.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, tôi rất phấn khởi. Tôi mong rằng các thủ tục sẽ được đơn giản tối đa để người lao động sớm nhận được hỗ trợ, ổn định cuộc sống", bà Đặng Lan Anh nói.
Nghị quyết 68/NQ-CP hỗ trợ nhiều nhóm đối tượng
Theo Nghị quyết 68/NQ-CP có 12 nhóm chính sách hỗ trợ, gồm:
Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.
Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động.
Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc.
Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
Chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em.
Chính sách hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm Covid-19 (F0).
Chính sách hỗ trợ một lần đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch; đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn.
Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh.
Chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Chính sách lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác.