Phú Yên:
Giúp người dân vùng cao giải cơn "khát" nước sạch
(Dân trí) - Tỉnh Phú Yên dự kiến đến năm 2025 huy động hơn 900 tỷ đồng để nâng cấp, xây mới hàng chục công trình nước sạch phục vụ người dân nông thôn, vùng cao.
Nguồn nước giếng ô nhiễm
Mỗi năm vào mùa khô tình trạng thiếu nước sạch diễn ra tại nhiều địa phương ở tỉnh Phú Yên, gây ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế của người dân, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.
UBND tỉnh Phú Yên đã hỗ trợ kinh phí cho người dân đào giếng. Tuy nhiên, tại một số xã ở vùng núi như Suối Trai (huyện Sơn Hòa), giếng được đào sâu xuống lòng đất, nguồn nước dồi dào nhưng không thể sử dụng vì nước ngầm nhiễm vôi, người dân vẫn phải bỏ tiền mua nước sạch đóng chai về sử dụng.
Mí Bun, ở Suối Trai (huyện Sơn Hòa), chia sẻ: "Giếng ở đây ít khi nào cạn lắm, nhưng đem lên nấu vài hôm là đáy nồi đóng một lớp vôi dày cộm. Trước đây, người dân phải bỏ tiền mua từng bình nước 20 lít với giá 10.000 đồng để ăn, uống".
Để giải quyết nhu cầu bức thiết của người dân, UBND tỉnh Phú Yên đã chi 20 tỷ đồng (giai đoạn 1) đầu tư mới hệ thống nước sạch hiện đại cung cấp nước cho hơn 400 hộ dân ở 2 xã Suối Trai và xã Ea Chà Rang.
Công trình gồm 1 trạm bơm, bơm nước từ hồ thủy điện lên các hồ chứa và xử lý. Sau đó, nước sạch đạt chuẩn sẽ được cung cấp đến từng hộ dân qua hệ thống ống dẫn.
Ông Hồ Hữu Như, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phú Yên, cho biết công trình nước sạch ở Suối Trai là một công trình hiện đại, được đầu tư bài bản.
Chi phí đầu tư ban đầu khá lớn, tuy nhiên với chính sách an sinh, hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nên nước sạch có giá chỉ từ 6.000 đồng/m3.
Theo ông Như, công trình đang tiếp tục thi công giai đoạn 2, với tổng chi phí 12 tỷ đồng, để mở rộng phạm vi cung cấp nước sạch cho nhiều hộ dân khác trong vùng.
Nâng cấp, xây mới công trình nước sạch
Theo thống kê của UBND tỉnh Phú Yên, hơn 20 năm qua, bằng nhiều nguồn vốn, đã có 86 công trình nước sạch tại tỉnh này được xây dựng. Tuy nhiên, chỉ có hơn 46% công trình hoạt động bền vững, 23% tương đối bền vững, 20,5% kém bền vững và hơn 10% không hoạt động.
Nguyên nhân được đưa ra do một số công trình đã có thời gian đưa vào sử dụng trên 10 năm, quy mô nhỏ, đầu tư chưa đồng bộ, nguồn nước khai thác không ổn định (nhiều công trình thường xuyên bị thiếu nguồn trong mùa nắng), chất lượng nước chưa đảm bảo.
Những nguyên nhân trên dẫn đến tỷ lệ hộ gia đình nông thôn, vùng cao ở Phú Yên sử dụng nước sạch đáp ứng Quy chuẩn Việt Nam mới đạt hơn 60%.
Để tăng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch, theo kế hoạch được UBND tỉnh Phú Yên, đến năm 2025, tỉnh dự kiến dành hơn 185 tỷ đồng để khôi phục, duy trì và đảm bảo hiệu quả hoạt động ổn định 74 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nông thôn đã đầu tư các giai đoạn trước.
Ngoài ra, tỉnh thực hiện đầu tư mới 29 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung bằng nguồn vốn đầu tư xã hội hóa 100%, đầu tư đối tác công tư (PPP) và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự kiến tổng mức đầu tư là hơn 730 tỷ đồng, qua đó cung cấp nước sạch sinh hoạt đạt quy chuẩn cho khoảng gần 58.000 hộ dân.
Đến năm 2030, duy trì đảm bảo hoạt động bền vững 103 công trình đã đầu tư, nâng cấp. Bên cạnh đó tập trung toàn bộ ngân sách để thực hiện đầu tư, nâng cấp các công trình cấp nước hộ gia đình, tăng tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thêm 10% đạt được mục tiêu của Chính phủ đề ra.