Gần 90% lao động trẻ em sống ở nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số

An Linh

(Dân trí) - Hiện, không ít trẻ em nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số phải lao động từ khá sớm để kiếm sống thay vì được tới lớp để học tập.

Theo báo cáo của Cục Trẻ em, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), dù giá trị đóng góp của lao động trẻ em không cao, nhưng hiện trạng lao động trẻ em vẫn còn nặng nề ở nhiều khu vực, vùng miền của Việt Nam. Việc này để lại hậu quả lại kéo dài, ảnh hưởng đến sự phát triển tinh thần, trí tuệ và thể lực của trẻ.

Vòng luẩn quẩn kéo dài của đói nghèo, lạc hậu. Theo Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Việt Nam hiện có hơn 1,75 triệu lao động trẻ em và người chưa thành niên, trong đó, có khoảng 1 triệu trẻ em phải làm các công việc đặc biệt nặng nhọc. Phần lớn lao động trẻ em tại Việt Nam sống ở khu vực nông thôn.

Gần 90% lao động trẻ em sống ở nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số - 1

Lao động trẻ em tập trung lớn ở nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Trẻ em, có tới 85% trẻ em sinh sống ở khu vực nông thôn và 15% sống ở khu vực thành thị. Lao động trẻ em (LĐTE) tập trung chủ yếu ở ba ngành nghề: nông nghiệp, dịch vụ, công nghiệp - xây dựng. Trong đó, nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao nhất, gần 1,18 triệu em (chiếm 67%). Trẻ em có nguy cơ làm trong các nghề bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên hoặc điều kiện lao động độc hại là 1,3 triệu em (chiếm 75% LĐTE). Thời gian làm việc bình quân của các em 42 giờ/tuần.

Ông Nam cho rằng, LĐTE khá phổ biến trong các trường hợp nghèo đói, cha mẹ mù chữ và những môi trường có lao động rẻ mạt, vô tổ chức. Những điều kiện này thường diễn ra ở khu vực nông thôn, nơi có nhiều làng nghề, khu vực đánh bắt cá, chế biến hải sản, khai thác đá, ăn xin, bốc vác, hay các trang trại nhỏ...

Vì là lao động không được phép nên chủ sử dụng có tâm lý che giấu, thậm chí trả lương thấp hơn so mức quy định cho các em. "Hoàn cảnh gia đình nghèo khó khiến cha mẹ không quan tâm, các em không có điều kiện tới trường bắt buộc phải đi làm việc sớm, điều này không chỉ làm ảnh hưởng tới sức khỏe, tâm lý mà còn ảnh hưởng cả tương lai của các em. Về lâu dài các em không có cơ hội để phát triển, có công việc tử tế, và vì thế đa phần các em lại rơi vào vòng quay của đói nghèo lạc hậu", ông Nam nói.

Thực tế, để giải quyết vấn đề LĐTE, cần có sự chung tay tham gia tích cực của tất cả xã hội, từ các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội đến các gia đình, cộng đồng.

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện công tác phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE ở Việt Nam trong thời gian qua đã được Nhà nước rất quan tâm đầu tư. Việt Nam đã tham gia, phê chuẩn các điều ước quốc tế nhằm bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền trẻ em.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã phê chuẩn Công ước số 182 của ILO về việc cấm và những hành động tức thời để loại bỏ những hình thức LĐTE tồi tệ nhất, Công ước số 138 của ILO về tuổi tối thiểu làm việc.

Gần 90% lao động trẻ em sống ở nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số - 2

Nhóm lao động trẻ em dễ bị rơi khỏi hệ thống pháp luật bảo vệ nhất nằm ở nhóm trẻ ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Trước đó, ngay từ năm 2016, Việt Nam cũng đã ban hành và thực hiện Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình này đã triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em.

Theo đó, mô hình sẽ tập trung chia sẻ kỹ năng sống cho trẻ em; trợ giúp gia đình có trẻ em tham gia lao động trái quy định của pháp luật về kiến thức, kỹ năng, tay nghề để ổn định sinh kế, tăng thu nhập... tại các xã, phường, thị trấn có nhiều trẻ em tham gia lao động hoặc các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc khu vực kinh tế phi chính thức có trẻ em học nghề và tham gia lao động.

Các mô hình trên đã tập huấn kỹ năng sống, trang bị cho trẻ em những kỹ năng tự bảo vệ bản thân; trợ giúp gia đình có trẻ em tham gia lao động trái quy định của pháp luật về kiến thức, kỹ năng, tay nghề để ổn định sinh kế, tăng thu nhập; hỗ trợ người sử dụng lao động tại các làng nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh cải thiện điều kiện làm việc, tạo việc làm phù hợp với độ tuổi của trẻ em.

Theo ước tính của ILO, trên toàn thế giới có khoảng 152 triệu LĐTE. LĐTE tồn tại ở mọi lĩnh vực ngành nghề. Việc trẻ em phải lao động sớm đã, đang để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến sự phát triển hài hòa của trẻ em, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, nhất là chất lượng của nguồn nhân lực của đất nước trong tương lai.

Việc tham gia lao động sớm cản trở trẻ em hướng tới sự phát triển về thể chất, tâm lý, cản trở việc tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, giáo dục phù hợp và việc chuẩn bị một tương lai tốt hơn cho chính các em.