F0 bị "đánh đố" khi xin giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm, nhà quản lý nói gì?

An Linh

(Dân trí) - Cần kết hợp cấp giấy xác nhận F0 với giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm để giảm thủ tục và đi lại. Ngoài ra, có thể sử dụng giấy hoàn thành cách ly, nhưng phải quản lý chặt chẽ, tránh khả năng trục lợi.

Đây là ý kiến của hai chuyên gia trong ngành Lao động, Thương binh và Xã hội khi trao đổi với PV Dân trí xung quanh việc người lao động là F0 Covid-19 đang gặp khó khi xin giấy xác nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm.

Theo bà Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, cần giải quyết chế độ cho người lao động là F0 điều trị tại nhà theo hai hướng: Kết hợp cấp giấy 2 trong 1 và kết nối mạng trực tuyến giữa người bệnh, cơ quan y tế và cơ quan bảo hiểm.

Theo bà Hương, khi người dân ra test Covid-19, cơ quan y tế xác định họ là bệnh nhân F0 thì thông thường sẽ có giấy xác nhận, yêu cầu cách ly, giấy xác nhận hoàn thành cách ly do cơ quan y tế, chính quyền địa phương cấp. Lúc này, cần kết hợp cấp luôn giấy xin nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội.

F0 bị đánh đố khi xin giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm, nhà quản lý nói gì? - 1

Cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm song hành chứng nhận F0

Trường hợp người bệnh có xét nghiệm PCR tại các cơ sở y tế có thẩm quyền, cũng cần báo cho chính quyền địa phương, cơ quan y tế địa phương để xác định đó là F0 và kết hợp làm luôn giấy xin nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm, nếu là người lao động đóng bảo hiểm.

Trường hợp người bệnh F0 dương tính với Covid-19 có giấy xét nghiệm PCR của cơ sở y tế có thẩm quyền, người bệnh cần khai báo với chính quyền địa phương để xác định là F0, đề xuất dùng giấy này để xác định thời gian bắt đầu người lao động nhiễm bệnh, cho đến khi khỏi bệnh, đi xin giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm.

Theo bà Hương, để hạn chế những điều đáng tiếc xảy ra với quyền lợi của mình, người bệnh F0 cần khai báo với chính quyền và y tế địa phương để làm các thủ tục đúng quy định.

Thông tư 56/2017/TT-BYT của Bộ Y tế đã quy định, mỗi lần khám, người bệnh được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội của Bộ Y tế quy định giấy xin nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội (giấy nghỉ ốm) phải được cấp trước hoặc trùng với thời gian người lao động khám, chữa, nằm viện hoặc ra viện.

Hiện, khá nhiều người dương tính Covid-19 sau khi khỏi bệnh mới đến các trung tâm y tế xã phường để xin giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội. Từ đó, có hai trường hợp cơ quan y tế địa phương từ chối cấp giấy.

Trường hợp thứ nhất là từ chối cấp giấy nghỉ việc trùng với ngày người bệnh F0 được xác định nhiễm Covid-19 vì lý do sợ trục lợi bảo hiểm.

Trường hợp thứ 2 là, người F0 dương tính Covid-19 nhưng không có xác nhận bằng giấy xác nhận dương tính PCR của tổ chức y tế cơ sở, xác nhận cách ly F0 của địa phương nên cơ quan y tế địa phương từ chối cấp giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội hoặc giấy nghỉ việc đó không đúng, đủ số ngày quy định theo Thông tư 56 nên cơ quan bảo hiểm từ chối thanh toán tiền bảo hiểm.

Thực tế, hiện có nhiều người được xác định mắc Covid-19 bằng phương pháp test nhanh, không thông báo với chính quyền, cơ quan y tế địa phương, tự điều trị tại nhà. Những trường hợp này làm các thủ tục hưởng chế độ rất khó khăn và các cơ quan y tế, bảo hiểm thường không xác định được thời gian nghỉ bệnh và chi trả.

Theo bà Hương, hiện tại vẫn có nhiều F0 dù được yêu cầu cách ly nhưng vẫn đi ra ngoài đường, vẫn đi làm việc bình thường, nguy cơ trục lợi bảo hiểm xã hội vẫn xảy ra.

"Việc làm chặt chẽ, đúng quy định cũng cần thiết bởi nếu nới lỏng, tùy tiện dễ dẫn đến trục lợi bảo hiểm xã hội. Ở đây tôi nhấn mạnh là trục lợi bảo hiểm từ cả 3 phía, người dân, cơ quan y tế, cơ quan bảo hiểm", nguyên Viện trưởng, Viện Khoa học Lao động và Xã hội, Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

"Nếu không có biện pháp quản lý đồng bộ, đúng quy định, người giả bệnh Covid-19; cơ quan y tế địa phương và cả cơ quan bảo hiểm cũng có thể lợi dụng trục lợi khi họ đưa ra các giấy tờ sai hoặc bịa ra một người khác để hưởng chế độ. Tôi nhấn mạnh là nguy cơ trục lợi bảo hiểm từ nhiều phía", bà Hương nhấn mạnh.

Minh bạch, kết nối để tránh trục lợi

Theo bà Hương, "việc đến hay không đến cơ quan y tế để có giấy xác nhận mắc Covid-19 chỉ là một vấn đề. Quan trọng nhất, giấy chứng nhận F0 Covid-19 phải do cơ quan y tế xác định. Hai là giấy xin nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội là do cơ quan y tế cung cấp đúng và đủ để người bệnh được hưởng chế độ".

F0 bị đánh đố khi xin giấy nghỉ việc hưởng bảo hiểm, nhà quản lý nói gì? - 2

Về giải pháp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động khẳng định, cần ứng dụng tin học hóa vào giải quyết giấy tờ, chế độ cho bệnh nhân Covid-19.

Bà Hương cho rằng, khi người bệnh nhiễm Covid-19 điều trị tại nhà, bình thường, về nguyên tắc phải cách ly tại chỗ. Cơ quan y tế địa phương xác định họ là F0, có giấy cách ly tại chỗ thì liên hệ với họ làm luôn giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội trong 5-7 ngày đầu.

"Cần xây dựng hệ thống tin học, kết nối email hoặc dữ liệu điện tử kết nối giữa cơ quan y tế địa phương, bảo hiểm và người bệnh để giải quyết các thủ tục giấy tờ. Thậm chí chỉ cần gửi email giữa ba bên là cũng xử lý xong các thủ tục giấy tờ, không phải đi xin giấy, chờ đợi như hiện nay vừa minh bạch, hiệu quả", bà Hương nhấn mạnh.

Trả lời PV Dân trí, ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, cơ quan bảo hiểm xã hội và Bộ Y tế cần sớm thống nhất sửa đổi quy định nhằm thống nhất chấp nhận giấy hoàn thành cách ly y tế để làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội.

Hiện nay, F0 phải khai báo với chính quyền địa phương, nếu người bệnh tự test Covid-19 bằng phương pháp test nhanh, PCR mà không khai báo với chính quyền địa phương cũng không được xác định là F0.

Chính vì vậy: "Phải làm chặt chẽ quy trình xác định F0 để tránh việc trục lợi chính sách, cái này là của địa phương, nên làm chặt chẽ. Còn nên giảm bớt các giấy tờ, thủ tục cho người bệnh đi, họ đã khổ sở vì bị F0 lắm rồi'', nguyên Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh.