Dòng nhật ký của "người hùng bên phà sông Giang"

Những dòng nhật ký còn dang dở, lời yêu chưa kịp thổ lộ, ngày trở về với cha mẹ mãi xa… Anh đã nằm lại đôi bờ sông Gianh, nơi có bến phà Gianh một thời oằn mình trước mưa bom bão đạn, trước những trận oanh tạc dữ dội của B-52...

Anh đã hiến dâng trọn vẹn thanh xuân cho cách mạng, cho lý tưởng…

1. Năm 1972, chàng trai trẻ Huỳnh Kim Trung, quê Thủ Dầu Một, Bình Dương, khi ấy đang là thực tập sinh của trường Công an Trung ương, nay là Học viện An ninh đã viết đơn tình nguyện ra chiến trường chiến đấu và được Bộ Công an tăng cường vào Ty Công an Quảng Bình. Tại đây, chàng sĩ quan trẻ được tổ chức bố trí về Phòng Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ bảo vệ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông hai bến phà Gianh và khu vực lân cận. Những năm 1971-1972, khu vực hai bến phà Gianh và các xã Quảng Phúc, Quảng Thuận (Quảng Trạch), Hạ Trạch, Thanh Trạch, Bắc Trạch (Bố Trạch) là những mục tiêu trọng điểm đánh phá ác liệt hàng ngày, hàng giờ của máy bay, pháo kích địch.

Dòng nhật ký của người hùng bên phà sông Giang - 1
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, liệt sĩ Huỳnh Kim Trung  

"Nghe máu chảy trong người, sáng dậy nhớ bến phà Gianh

   Mỗi chuyến xe qua sông nước yên lành

   Anh tự thấy mình gần quê hương chút nữa

   Phía xa ấy, đêm ngày súng nổ…".

Những câu thơ được chép lại nắn nót trên trang nhật ký của Huỳnh Kim Trung, cũng đủ thấy rằng, bến phà này đã trở thành một phần thân thuộc của người lính trẻ.

Được tăng cường về công tác, chiến đấu ở địa bàn Quảng Bình ngày đêm đạn bom cày xới chà đi xát lại, chiến sĩ trẻ Huỳnh Kim Trung đã không quản ngại khó khăn, thể hiện bản lĩnh dũng cảm kiên cường, bám trụ địa bàn chiến đấu, hướng dẫn bảo vệ trật tự an toàn giao thông, bảo vệ tính mạng và tài sản cho nhân dân, lập được nhiều chiến công xuất sắc.

Ngày 16-4-1972, một đoàn xe bộ đội từ miền Nam ra Bắc học tập công tác, vừa đến phà sông Gianh thì bị máy bay Mỹ phát hiện chặn đánh. Chúng liên tiếp ném nhiều loại bom phá, bom bi xuống, đã khiến mặt đường hư hỏng nặng, cả đoàn xe bị tắc lại. Trong tình hình đó nếu không kịp thời thông tuyến đường giải phóng đoàn xe sẽ có nguy cơ bị địch đánh bom tiếp tục. Bất chấp nguy hiểm, chiến sĩ Huỳnh Kim Trung đã lao ra khỏi hầm trú ẩn, dùng hết sức lực nâng thanh barie chắn ngang đường để dẹp đường và hướng dẫn cho đoàn xe vượt ra khỏi khu vực bị máy bay địch đang đánh phá ác liệt.

Dòng nhật ký của người hùng bên phà sông Giang - 2
Bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Huỳnh Kim Trung

Trong trận đánh 29-4-1972, máy bay địch lại ném bom đánh phá khu vực bến phà Gianh, một xe chở đạn bị cháy, nếu không kịp thời cứu chữa, đạn nổ sẽ vô cùng nguy hiểm. Không do dự, đồng chí Huỳnh Kim Trung đã cùng đồng chí trạm trưởng dùng bao tải thấm nước xông lên dập tắt lửa, kịp thời cõng đồng chí lái xe đang bị thương đi cấp cứu rồi nhanh chóng trở lại bến phà làm nhiệm vụ thông đường.

Ngay sau đó, địch lại cho máy bay ném bom tọa độ, đất đá vùi lấp khắp người đồng chí Trung, nhưng khi nghe có tiếng kêu cứu, anh lại vùng dậy lao tới chỗ có tiếng kêu và cứu người bị thương nặng cõng đi bệnh viện. 

Mảnh đất Quảng Bình liên tiếp phải hứng chịu những trận dội bom của Mỹ. Sự ác liệt ấy được thể hiện trong dòng nhật ký của Huỳnh Kim Trung vào ngày 30-6: "Liên tiếp hơn 10 ngày địch đều cho nhiều lượt B-52 thả bom xuống đất Quảng Bình này. Có lần mình cùng anh Vân đi làm hầm ở nhà anh ấy, B-52 thả bom rải thảm cách đó 1km, bom đạn nổ xé trời, đất rung chuyển như muốn sập xuống rồi tung tất cả lên. Nghe nó rền rĩ ào ào như bão tố thế mà hai anh em chỉ biết đứng nhìn nhau cười vì hầm mới đào chỉ tới đầu gối, nguy hiểm thật. Suốt 15 ngày qua đêm nào cũng mất ngủ vì ngày đi dỡ nhà cũ dựng nhà mới, đào hầm, đắp hầm… đêm lại trực. Một ngày ngủ nhiều nhất chỉ 2-3 tiếng, người đen thui, hai hố mắt trũng sâu, hốc hác. Thế nhưng vẫn ca hát, vui cười. Giá như có cái đài mà nghe ca nhạc thì vui biết mấy hoặc có cái đàn ghi-ta cũng được. Lại nhớ những đêm ca nhạc thứ 7 hoặc chiếu phim ở Hà Nội. Hà Nội ơi, sẽ có ngày tôi trở về với chiến công chói lọi từ tuyến lửa anh hùng".

Dòng nhật ký của người hùng bên phà sông Giang - 3
Ông Huỳnh Kim Thành, em trai liệt sĩ Huỳnh Kim Trung bồi hồi lần giở cuốn nhật ký của anh trai

2. Từ bao giờ, quê hương Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình đã trở thành mảnh đất gắn bó với máu thịt và sự hy sinh quên mình của người lính công an Huỳnh Kim Trung. Anh sống trong lòng nhân dân, được nhân dân bao bọc chở che và hòa mình vào công cuộc vừa lao động sản xuất vừa chiến đấu chống lại sự giày xéo của kẻ địch. Những khi rảnh rỗi, Huỳnh Kim Trung lại lấy cuốn sổ nhật ký của mình ra, trải lòng vào đó, tâm tình với thời cuộc. Màu mực còn đậm, nét chữ nhỏ nhắn, mạch lạc: "Suốt mấy ngày Quảng Bình mưa to, thế nhưng bom đạn Mỹ đâu có từ… Những vụ pháo kích, ném bom tọa độ, B-52 ném bom như rải thảm, biết bao đồng bào, đồng chí đã đổ máu, biết bao những người dân lương thiện đã phải chết. Chúng hòng làm khiếp nhược ý chí của dân ta, nhưng chúng đã lầm to. Chính trong sự tàn phá ấy, từ trong đau khổ, dân ta càng trở nên cứng rắn, ý chí quyết thắng ngày càng cao. Trong gian khổ thì người đẹp hơn nghìn lần. Gang vẫn ra lò, xe hàng vẫn thông chạy. Từng hàng lúa chín vẫn trở về đầy sân. Giặc phá đường ta lại lấp, giặc phá nhà ta lại dựng lên nhà mới ngay trên nền nhà còn mùi khói súng. Ở đây, có những bà mẹ kiên cường, chồng và hai con bị bom thả chết nhưng mẹ vẫn anh dũng bám đất, trồng màu chăm sóc bộ đội… Đau thương, căm thù đã làm cho mẹ quên mọi chết chóc, từ trong khói lửa, bóng mẹ trở nên chói lọi. Và những em nhỏ cũng trở nên nghiêm nghị cùng mẹ bám đất trồng rau, trồng lúa, mong mỏi sau này lớn lên sẽ trở thành anh bộ đội cầm súng ra chiến trường. Những O thanh niên vẫn duyên dáng, tươi cười cất cao tiếng hát, câu hò, thi đua cày cấy. Ba đảm đang đã trở thành công việc hàng ngày thường xuyên. Không những thế, họ còn cầm súng đánh trả quân thù. Ở Lệ Thủy, khẩu đội pháo mặt đất nữ dân quân cũng đã bắn cháy một tàu chiến Mỹ…".

Đó là những dòng nhật ký viết ngày 4-6-1972 của liệt sĩ Huỳnh Kim Trung. Dù tình hình chiến sự vô cùng ác liệt, bến phà Gianh liên tục bị ném bom, pháo kích nhưng không thể khuất phục được ý chí chiến đấu của quân và dân hai bên bến phà Gianh. Làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông cho bến phà Gianh, Huỳnh Kim Trung cùng đồng đội của mình luôn có mặt trong những lúc hiểm nguy nhất.  

Dòng nhật ký của người hùng bên phà sông Giang - 4
Một trang nhật ký của liệt sĩ Huỳnh Kim Trung

Ngày 12-6, trong khi đang làm nhiệm vụ ở bờ Bắc bến phà, thấy chiếc phà chở 4 xe hàng của Đoàn 559 bị nước tràn vào khoang khiến phà bị đắm. Đồng chí Huỳnh Kim Trung lao nhanh ra giữa dòng sông cứu người. Khi người vào tới bờ, nhìn thấy hàng hóa vẫn còn nổi bồng bềnh giữa sông, đồng chí Trung đã chạy bộ nhiều cây số đi thông báo chính quyền và vận động nhân dân các xã lân lận bơi ra sông cứu vớt được hàng chục tấn hàng hóa, sách báo chi viện cho chiến trường miền Nam.

Trong trận chiến đấu xuyên đêm ngày 20-8, khi máy bay Mỹ ném bom xuống thôn Thuần Bài, xã Quảng Thuận làm cho nhiều nhà dân bị cháy, trong đêm tối, bom đạn nổ vang trời, người lính công an đã lao ra khỏi hầm, chạy bộ gần 2km đến tham gia cứu chữa. Vừa tới nơi, thấy nhà của một bà mẹ bị cháy dữ dội, trong nhà mẹ chứa nhiều hòm đạn của bộ đội gửi, anh Trung và gia đình đã xông vào nhà vác các hòm đạn ra nơi khác. Cuộc vật lộn giành giật từng thùng đạn với khói lửa nóng rát diễn ra khốc liệt. Sau khi vác được 50 thùng đạn chuyển ra ngoài, thì một số hòm đạn khác bắt lửa, một quả đạn 85 ly nổ làm đồng chí bị thương nặng. Khi dân quân và nhân dân đưa đi cấp cứu thì người lính tỉnh táo mà nói với mọi người: "Tôi không thể sống được nữa, các đồng chí hãy tìm, cứu chữa cho những người bị thương khác. Chỉ tiếc là tôi chưa làm tròn nhiệm vụ được Đảng giao…". Và anh đã trút hơi thở cuối cùng trên đường đến bệnh viện. Người chiến sĩ công an ngã xuống khi tuổi đời vừa tròn 20. Ngày 31-12-1973, đồng chí Huỳnh Kim Trung đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Chiến công hạng Nhất.

3. Nhớ về người anh trai của mình, ông Huỳnh Kim Thành, 67 tuổi, hiện ngụ Q.3, TP Hồ Chí Minh vẫn không sao hết tiếc thương. Anh trai hy sinh tròn 50 năm nhưng trong lòng ông Thành, thì anh mình vẫn đang đi công tác bí mật ở một nơi nào đó thật xa. Nghĩ về anh, ông Thành còn nhiều ký ức. "Anh Trung được nhà trường dự định giữ lại làm giảng viên sau khi ra trường nhưng anh ấy đã lặng lẽ viết đơn tình nguyện ra chiến trường, gia đình tôi không ai biết điều đó. Mãi sau này mới được xem lá đơn của anh ấy ở Bảo tàng Công an nhân dân", ông Thành kể lại.

Tình yêu quê hương, lý tưởng cách mạng và khát khao được cầm súng ra trận đã hình thành trong con người của liệt sĩ Huỳnh Kim Trung từ thời còn cắp sách tới trường.

Ông Thành cho biết, học xong phổ thông, anh trai Huỳnh Kim Trung được chọn đi học hàng hải tại Ba Lan. Thời đó, có được một vé đi nước ngoài là mơ ước và mong mỏi của rất nhiều thanh niên nhưng Huỳnh Kim Trung lại quyết tâm ở lại quê hương và chọn vào học trường Công an để sau này được đi chiến đấu. 

Và người anh hùng ấy đã nằm lại bên đôi bờ sông Gianh.

Theo Ngọc Hoa - Công an nhân dân