Quảng Nam:

Doanh nghiệp nợ gần 230 tỷ đồng bảo hiểm cần đóng cho người lao động

Công Bính

(Dân trí) - Trong 9 tháng đầu năm, số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam lên đến gần 230 tỷ đồng.

Chiều 1/11, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2022-2025.

Doanh nghiệp nợ gần 230 tỷ đồng bảo hiểm cần đóng cho người lao động - 1

Chiều 1/11, tỉnh Quảng Nam tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp giai đoạn 2022-2025 (Ảnh: Công Bính).

Ông Nguyễn Thanh Danh - Giám đốc BHXH Quảng Nam cho hay, tính đến ngày 30/9, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên đến gần 230 tỷ đồng, chiếm 4,74% trên tổng số phải thu, tăng 18,41 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2021.

Trong đó, nợ BHXH hơn 195 tỷ đồng, nợ BHYT hơn 27 tỷ đồng, nợ BHTN hơn 5,3 tỷ đồng.

Tình trạng trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động còn khá phổ biến. Theo Giám đốc BHXH Quảng Nam, nguyên nhân là do doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở quy mô vừa và nhỏ, số việc làm tại đơn vị không ổn định nên thường không đăng ký tham gia BHXH cho người lao động.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động còn hạn chế nhất định, còn một bộ phận người dân, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về chính sách BHXH, BHYT, BHTN.

Doanh nghiệp nợ gần 230 tỷ đồng bảo hiểm cần đóng cho người lao động - 2

Cán bộ BHXH Quảng Nam tuyên truyền về BHYT, BHXH đến bà con tiểu thương tại chợ Tam Kỳ (Ảnh: Công Bính).

Ngoài trốn đóng, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài còn xảy ra ở nhiều doanh nghiệp.

Theo BHXH Quảng Nam, nguyên nhân do ảnh hưởng dịch Covid-19, một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, không có việc làm nên không có khả năng đóng BHXH, BHYT, BHTN.

Một số trường hợp chủ sử dụng lao động cố tình không đóng BHXH, BHYT hoặc đóng không đúng thời hạn quy định, cố tình nợ BHXH, BHYT, BHTN để tạo nguồn vốn phục vụ mục đích khác của đơn vị.

Ngoài ra, việc thanh tra, xử lý vi phạm của các cơ quan có thẩm quyền không kịp thời và chưa đủ sức răn đe.

Để khắc phục tình trạng nợ, trốn đóng các chế độ bảo hiểm cho người lao động, Giám đốc BHXH Quảng Nam cho rằng cần tổ chức thanh, kiểm tra đột xuất hoặc phối hợp liên ngành; kiên quyết xử lý vi phạm.

Chủ động phối hợp với Công an, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện thanh tra, kiểm tra liên ngành, làm việc với các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN đảm bảo hiệu lực, hiệu quả với các hình thức linh hoạt.