1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Đắk Lắk:

Đi khám bệnh mới tá hỏa biết đã bị chủ sử dụng cắt bảo hiểm

Thúy Diễm

(Dân trí) - Bảy tháng sau khi bị nhà trường cắt bảo hiểm, nữ nhân viên cấp dưỡng mới tá hỏa phát hiện sự việc khi đi khám bệnh.

Lương thấp, không dám khám bệnh vì bị cắt bảo hiểm

Mới đây, chị H.M.B. (33 tuổi), nhân viên cấp dưỡng trường mầm non Thành Nhất (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) ốm bệnh nên mang thẻ bảo hiểm y tế đến bệnh viện đã đăng ký để khám.

Tại đây, chị được bệnh viện thông báo bảo hiểm của chị đã bị ngưng đóng từ tháng 9/2022. Do đó, chị không thể sử dụng bảo hiểm y tế để khám bệnh.

Đi khám bệnh mới tá hỏa biết đã bị chủ sử dụng cắt bảo hiểm - 1

Người lao động tại trường mầm non Thành Nhất (TP Buôn Ma Thuột) phản ánh việc vô cớ bị cắt bảo hiểm nhiều tháng liền.

Băn khoăn trước sự việc, chị B. đã gặp kế toán nhà trường để hỏi thì được người này hướng dẫn lên Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Đắk Lắk để hỏi.

"Phía bảo hiểm cũng trả lời rằng bảo hiểm của tôi đã bị ngưng đóng nhiều tháng nay. Nghe vậy, tôi rất hoang mang. Lương của tôi mỗi tháng chỉ hơn 3 triệu đồng, không có bảo hiểm, tôi không dám đi khám, chữa bệnh. Do đó, tôi mong phía nhà trường sớm giải quyết để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động", chị B. lên tiếng.

Chị B. kể đã làm việc tại trường Mầm non Thành Nhất được 3 năm và được ký hợp đồng lao động theo từng năm.

Trước sự việc của chị B., một số giáo viên, nhân viên của trường Mầm non Thành Nhất kiểm tra thì phát hiện cũng bị ngưng đóng bảo hiểm nhiều tháng nay. Cụ thể, có tổng cộng 5 lao động (2 giáo viên, 3 nhân viên) của trường bị gián đoạn thời gian đóng bảo hiểm, trong đó có một trường hợp là giáo viên đang mang thai.

Chị H. (36 tuổi, nhân viên trường Mầm non Thành Nhất) băn khoăn vì chưa rõ lý do bị ngưng đóng bảo hiểm, trong khi hàng tháng, nhà trường vẫn trừ lương để đóng bảo hiểm đều đặn.

"Nếu chị B. không đi khám bệnh và được bệnh viện thông báo thì chúng tôi không biết việc mình vô cớ bị ngưng đóng bảo hiểm. Để làm rõ nguyên nhân, chúng tôi đã làm đơn kiến nghị gửi một số cơ quan chức năng", chị H. cho hay.

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) TP Buôn Ma Thuột xác nhận: "Phòng đã được phản ánh của một số lao động làm việc tại trường mầm non Thành Nhất. Các đơn vị chuyên môn đang rà soát, kiểm tra, làm rõ sự việc. Quan điểm của Phòng GD - ĐT là bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động".

Lỗi do... kế toán (?!)

Liên quan vụ việc, bà Lê Thị Bích Thảo - Hiệu trưởng trường mầm non Thành Nhất cho biết, khi nắm thông tin từ các nhân viên, giáo viên, Ban giám hiệu đã yêu cầu kế toán nhà trường kiểm tra và và xác định việc phản ánh là có căn cứ.

Theo bà Thảo, khi kiểm tra hệ thống, kế toán đã phát hiện việc hàng tháng vẫn có trừ lương của người lao động để đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, kết nối dữ liệu online giữa trường và BHXH gặp sự cố dẫn đến tình trạng một số người không hiển thị việc tham gia BHXH.

"Trước sự việc, tôi đã yêu cầu kế toán làm việc với BHXH và cập nhật, bổ sung ngay việc đóng bảo hiểm cho giáo viên, nhân viên nhà trường", bà Thảo khẳng định.

Trao đổi PV Dân trí, một lãnh đạo Phòng Quản lý thu sổ - thẻ BHXH tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa làm việc với Hiệu trưởng và kế toán của nhà trường để làm rõ những thắc mắc, băn khoăn chính đáng của người lao động tại trường.

Qua đó, cơ quan BHXH nhận định, từ tháng 9/2022, phía trường có ký hợp đồng với một số lao động nhưng kế toán đã không làm hồ sơ điều chỉnh lương, tăng số lao động làm việc để báo cho BHXH mà vẫn sử dụng bảng lương cũ và chuyển đóng BHXH trên số lao động cũ.

"Do không khớp dữ liệu, các con số không được cập nhật mới nên thực tế trường chuyển tiền có dư ra nhưng hệ thống bảo hiểm không thể hiện việc đóng bảo hiểm cho một số người. Về sai sót này, BHXH đã yêu cầu truy thu toàn bộ số tiền bảo hiểm với giáo viên, nhân viên tại trường và phạt lãi đối với đơn vị sử dụng lao động theo quy định. Hiện người lao động đã được cập nhật, bổ sung sổ BHXH đầy đủ", đại diện BHXH Đắk Lắk thông tin.

Phòng Quản lý thu sổ - thẻ BHXH tỉnh Đắk Lắk cũng khuyến cáo, người lao động cần thường xuyên kiểm tra tình trạng đóng bảo hiểm của mình để kịp thời phát hiện và yêu cầu đơn vị sử dụng lao động cập nhật trong trường hợp bị gián đoạn đóng.

Cơ quan bảo hiểm đồng thời lưu ý kế toán của các đơn vị phải quan tâm, cập nhật số lao động đầy đủ, khớp với các dữ liệu của BHXH để đảm bảo các quyền lợi cho người lao động. Đặc biệt, đối với các nữ lao động đang mang thai, nếu việc cập nhật, đóng bảo hiểm chậm trễ có thể ảnh hưởng đến việc hưởng chế độ thai sản theo quy định.