Đề xuất thêm chính sách an sinh xã hội cho lái xe công nghệ: "Cần thiết nhưng doanh nghiệp có đồng tình?"
Các tài xế xe công nghệ đều bày tỏ sự vui mừng nếu đề xuất thêm chính sách an sinh xã hội đi vào thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng tình, nhiều ý kiến cũng băn khoăn việc các doanh nghiệp có muốn đóng bảo hiểm xã hội cho tài xế hay không...
Lái xe công nghệ vui mừng vì quyền lợi được bảo đảm
Trước đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc lái xe công nghệ cần được tiếp cận, tham gia và hưởng lợi từ các chương trình, dịch vụ an sinh xã hội, đặc biệt là bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, PV Dân Việt lắng nghe chia sẻ của tài xế cũng như đại biểu Quốc hội quan tâm đến vấn đề này.
Anh Nghiêm Đức Hùng (Kim Mã, Hà Nội) cho biết, anh chạy xe ôm cho hãng Gojek cũng được gần năm nay. Bình thường công ty không có chế độ, khách đặt chuyến nào thì anh được trả tiền chuyến đó.
"Cuộc sống rất bấp bênh vì tài xế chúng tôi không được hưởng chế độ bảo hiểm. Nay thấy đề xuất chính sách này, tôi cũng như nhiều tài xế khác rất phấn khởi, cũng mong các cấp chính quyền sẽ đẩy nhanh tiến độ càng sớm càng tốt để anh em lái xe có thể hưởng chế độ này", tài xế Hùng bộc bạch.
Trong khi đó, ông Lý Văn Nam (Hoài Đức, Hà Nội), tài xế hãng Grab chia sẻ niềm vui vì nếu như đề xuất được thông qua thì quyền lợi dành cho người lao động sẽ được đảm bảo.
Ông Nam hy vọng đề xuất sẽ sớm đi vào thực tiễn để đảm bảo quyền lợi cho những lái xe như ông.
"Khi không còn sức lao động nữa thì mình sẽ có khoản tiết kiệm khi về già, có đồng ra đồng vào để trang trải cuộc sống hàng ngày. Tôi cũng rất phấn khởi khi nhà nước có sự quan tâm đến người lao động, đặc biệt là người lao động thấp và những người lao động ở ngành nghề bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch bệnh như chúng tôi", ông Nam nói.
Theo lời ông Nam, đợt dịch vừa qua, ông phải tạm dừng chạy xe khiến nguồn thu nhập của cả nhà bấp bênh. Không có thu nhập và bất cứ nguồn hỗ trợ nào khác.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Tiến tài xế hãng Bee (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, anh và anh em lái xe khác đều rất vui mừng và phấn khởi.
Anh Tiến cảm thấy yên tâm hơn vì nếu được đóng bảo hiểm thì quyền lợi được đảm bảo khi ốm đau hoặc bệnh tật.
"Tôi cũng mong đề xuất này sớm thành hiện thức để được hưởng sự hỗ trợ nếu không may bị ốm đau, bệnh tật nhưng chưa có điều kiện tham gia bảo hiểm. Chỉ mong được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội, để mỗi khi đi làm yên tâm hơn", anh Tiến cho hay.
Cần phương án tài chính phù hợp
Trao đổi thêm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, hiện nay không chỉ riêng tài xế công nghệ mà tất cả những người lao động trong bất cứ một doanh nghiệp nào thì việc người lao động được hưởng các chính sách an sinh xã hội là điều rất cần thiết.
ĐBQH Phạm Văn Hòa cho rằng, người lao động được hưởng các chính sách an sinh xã hội là điều rất cần thiết.
Tuy nhiên, vị đại biểu này băn khoăn việc các doanh nghiệp có muốn đóng bảo hiểm cho người lao động hay không, có doanh nghiệp có cả ngàn công nhân nhưng liệu doanh nghiệp đó có mua bảo hiểm hết cho cả ngàn công nhân hay không?
Theo đại biểu Hòa, là người lao động làm ở bất cứ đâu thì họ cũng đều muốn quyền lợi của mình được đảm bảo, ngay cả tài xế xe công nghệ cũng muốn được đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, doanh nghiệp và công ty có đồng tình hay không, hoặc nếu muốn thì công ty sẽ tính chi phí từ tài xế xe như thế nào để tài xế đồng tình và hưởng ứng đóng bảo hiểm.
Từ những phân tích trên, đại biểu Hòa cho rằng cần có sự thanh kiểm tra từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan y tế, cơ quan quản lý nhà nước về lao động (Bộ LĐTBXH)… Trong việc sửa đổi Luật Lao động vừa qua, nhiều ĐBQH đã phát biểu ý kiến về việc đảm bảo quyền lợi của người lao động trong các doanh nghiệp và thành lập công đoàn trong nghiệp…
"Cho nên, một cơ chế ràng buộc, bắt buộc để người lao động mua bảo hiểm xã hội và doanh nghiệp có trách nhiệm đóng góp bảo hiểm cho xã hội là một vấn đề vô cùng quan trọng", đại biểu Hòa nhấn mạnh.
Đồng tình với đại biểu Hòa, đại biểu Quốc hội khóa XIII Bùi Thị An rất hoan nghênh đề xuất, kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Về Hiến pháp đều quy định mọi người đều có quyền bình đẳng, những người lái xe công nghệ cũng là công dân Việt, vì nhiều lý do họ không có điều kiện làm trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp lớn… nên đề xuất chính sách an sinh này rất tốt, thể hiện chính sách nhân văn của nhà nước ta đó là "không bỏ ai lại phía sau", làm cho họ yên tâm làm việc.
Theo bà An, hiện các tài xế xe ôm công nghệ có số lượng lớn và cũng phục vụ cho xã hội trong điều kiện phương tiện công cộng chưa đủ đáp ứng, vì thế đề xuất này có ý nghĩa rất lớn.
Về việc làm thế nào để đề xuất đi vào thực tiễn, bà An cho rằng nên rà soát, đánh giá lại số lượng tài xế, theo sát tài xế, để đảm bảo việc hỗ trợ đúng, trúng mục đích, mục tiêu… Khi được hỗ trợ thì họ sẽ phấn khởi, lao động tốt hơn.
Đề xuất nêu trên, dựa trên kết quả nghiên cứu "Khảo sát thực trạng và tăng cường sự tham gia của lái xe công nghệ Grab tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, cải thiện điều kiện việc làm", do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phối hợp với Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển cộng đồng thực hiện.
Qua khảo sát, tính đến nay, cả nước có khoảng 200.000 lái xe công nghệ (mô tô, ô tô) cung cấp dịch vụ chở người hoặc vận chuyển thức ăn, hàng hóa được điều hành trên nền tảng công nghệ. Bên cạnh đó, có gần 50% lái xe công nghệ đang hành nghề tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; phần lớn là người ngoại tỉnh, nữ chiếm 5%.
Nghiên cứu bước đầu với sự tham gia của các lái xe công nghệ của Công ty Grab cuối năm 2021 cho thấy: Có 2/3 các lái xe công nghệ đã có gia đình và 60% đang phải làm kiếm tiền để nuôi dưỡng từ 2 người trở lên.
Trong khi đó, thu nhập từ nguồn lái xe công nghệ khá thấp: Bình quân lái xe máy là 318.000 đồng/ngày và 7 triệu đồng/tháng; lái xe ô tô là 564.000 đồng/ngày và 12 triệu đồng/tháng (đã trừ phí, xăng). Ngoài thu nhập, tài xế xe công nghệ có các loại thưởng, trợ cấp, chương trình hỗ trợ… từ công ty cung ứng dịch vụ với mức thấp và không thường xuyên.
Thu nhập không cao nhưng lái xe công nghệ phải làm việc rất căng thẳng: Tài xế xe máy 9,2 giờ/ngày, tài xế ô tô 11,2 giờ/ngày; họ dường như không có ngày lễ, tết, ngày nghỉ. Tài xế xe công nghệ phải làm việc trong điều kiện vất vả về thời tiết, tai nạn…