"Đã có 45.000 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ đào tạo nghề"
(Dân trí) - Ông Phạm Hồng Đào, Phó chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cho biết đã có nhiều biện pháp được đưa ra nhằm để giải quyết các thách thức kinh tế - xã hội, hỗ trợ nhóm người yếu thế, người nghèo.
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã đi đến năm thứ 3. Nhưng thực tế, hai năm đầu của chương trình, hàng loạt những thách thức khách quan của kinh tế vĩ mô đã xảy ra, như Covid-19, biến đổi khí hậu, thiên tai… gây ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả chung.
Không những thế, xu thế đô thị hóa, xu hướng già hóa dân số, chênh lệch về thu nhập và mức sống, tình trạng di cư lao động cũng đặt ra những khó khăn lớn đối với người nghèo trong việc tiếp cận các cơ hội học tập, đào tạo kỹ năng nghề, tìm kiếm việc làm, sinh kế bền vững, nâng cao thu nhập.
Theo ông Phạm Hồng Đào, Phó chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã có nhiều biện pháp để giải quyết các bài toán thách thức trên, giúp tăng khả năng tiếp cận dịch vụ công xã hội và tiếp cận cơ hội việc làm cũng như nâng cao thu nhập cho nhóm người yếu thế.
Cụ thể, trong thiết kế của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, để góp phần giảm bớt thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản với mục tiêu giảm nghèo đa chiều bao trùm và bền vững, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo nhằm tạo kết nối thương mại, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân được quan tâm đặc biệt.
Bên cạnh đó, các dự án đào tạo nghề nhằm tạo cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm mới phù hợp với nhu cầu thị trường hay dự án đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, dự án hỗ trợ việc làm bền vững tạo cơ hội cho người nghèo tìm kiếm việc làm trong nước và ngoài nước một cách ổn định, có thu nhập để cải thiện tình trạng nghèo cũng được thống nhất đẩy mạnh.
Từ đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã tham mưu và Thủ tướng đã bố trí 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư cho 22 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo và đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025. Gần 1.200 công trình hạ tầng kinh tế - xã hội, gần 800 mô hình, dự án sinh kế, hỗ trợ phát triển sản xuất cũng sẽ được đưa vào thực tế thực hiện.
"45.000 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề, 146 cơ sở được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ đào tạo, 100% người lao động - trong đó có đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo - có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm...", ông Đào cho hay.
Bên cạnh đó, theo Phó chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo, các chính sách giảm nghèo thường xuyên đã góp phần hỗ trợ cho người nghèo tiếp cận hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản. Trong khi các chính sách tín dụng xã hội giúp người dân vay vốn để tổ chức sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tạo sinh kế thì các nguồn lực xã hội hóa đã góp phần hỗ trợ giải quyết một số nhu cầu cấp thiết như nhà ở, cải thiện đời sống.
Riêng với vùng lõi nghèo, khu vực trọng tâm của chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021 -2025, nơi có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cao, điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, giao thông khó khăn, ông Đào cho biết gần 99% vốn đầu tư phát triển được phân bổ để tập trung phát triển kinh tế xã hội.
Ngoài ra, các hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo, phát triển giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm bền vững, truyền thông và nâng cao năng lực thực hiện chương trình cũng ưu tiên thực hiện tại các vùng nghèo nhằm đạt mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm, ở các huyện nghèo giảm 4-5%/năm…