Đông Tháp:
Đã chi hỗ trợ hơn 226.000 đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19
(Dân trí) - Qua công tác thống kê, ngành chức năng Đồng Tháp đã thống kê có gần 228.800 đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh này đã chi hỗ trợ cho hơn 226.200 đối tượng.
Theo báo cáo của Sở LĐTB&XH tỉnh Đồng Tháp, thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện tại, Đồng Tháp đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho gần 228.800 đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, với tổng kinh phí gần 230 tỷ đồng.
Trong số này đã tổ chức chi hỗ trợ cho hơn 226.200 đối tượng, với số tiền hơn 226 tỷ đồng.
Ông Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, các ngành đã triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, với tỷ lệ chi hỗ trợ đạt 98,6% (đứng thứ 3 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long), không để xảy ra sai sót, trục lợi chính sách.
Những trường hợp chưa được chi hỗ trợ, ông Phạm Thiện Nghĩa yêu cầu ngành chức năng rà soát, xác định nguyên nhân và có biện pháp giải quyết dứt điểm; trường hợp không hỗ trợ được thì hoàn trả ngân sách.
Theo ngành lao động Đồng Tháp những trường hợp chưa nhận được hỗ trợ, chủ yếu là do đi làm ăn xa, mất, trùng tên (đối tượng bán vé số và hộ nghèo)… Thời gian tới, thực hiện ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh, Sở LĐTB&XH sẽ phối hợp với ngành chức năng, rà soát lại số đối tượng này.
Những trường hợp đủ điều kiện thì chi hỗ trợ; những trường hợp chưa đủ điều kiện hay không có người nhận thì hoàn trả ngân sách.
Ông Nghĩa còn chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức đoàn kiểm tra đến các Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND cấp xã về việc thực hiện kiểm tra rà soát các đối tượng thuộc 8 nhóm đối tượng nhận hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19; làm đầu mối tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh; đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh tiếp tục theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp thanh toán nợ bảo hiểm xã hội, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Trong tổng số 228.778 đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, có 194 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động ở các doanh nghiệp; 2.711 hộ kinh doanh cá thể; 56 lao động không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, 27.017 lao động không có giao kết hợp đồng lao động, 7.086 người bán vé số dạo; 8.245 người có công với cách mạng, 56.693 đối tượng bảo trợ xã hội, 36.262 người thuộc hộ nghèo, 90.514 người thuộc hộ cận nghèo.