1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Cuộc ly hương vượt nghìn cây số của những đứa trẻ dịp hè

Hoàng Lam

(Dân trí) - Những đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới bước chân lên ô tô, vượt cả nghìn cây số mà không có người lớn đi kèm. Bố mẹ các em - những công nhân nghèo xa quê tặc lưỡi giao con cho nhà xe.

Vượt nghìn cây số đoàn tụ với cha mẹ ngày hè

8 ngày trước, Giản Thị Huyền Trâm (6 tuổi) được ông bà ở xã Hội Sơn, Anh Sơn, Nghệ An đón xe cho để vào Bình Dương. Hành trình này cô bé chỉ có một mình, với một ít quần áo, đồ dùng cá nhân. Xe cộ, lộ trình đi lại, bố mẹ Trâm đã thống nhất cụ thể với nhà xe trước đó. Bé sẽ được nhà xe chăm sóc, lo ăn uống và đảm bảo an toàn đến khi bàn giao cho bố mẹ.

Cuộc ly hương vượt nghìn cây số của những đứa trẻ dịp hè - 1

Vượt hơn 1.500 cây số, cô bé Giản Thị Huyền Trâm có mặt tại Bình Dương đúng dịp sinh nhật bố (Ảnh: NVCC).

Trên chuyến xe, đã có hàng chục đứa trẻ như Trâm, thậm chí nhiều em còn nhỏ hơn. Có trẻ đi với anh chị em trong gia đình nhưng cũng có trẻ đi một mình như Trâm. Trẻ con nhanh quen, chỉ một lát đã bắt chuyện rôm rả với nhau.

Kết thúc cuộc hành trình kéo dài hơn 33 tiếng đồng hồ, vượt quãng đường 1.500 cây số, chiếc ô tô chở Trâm và nhiều đứa trẻ khác dừng ở bến xe Miền Đông, TPHCM. Bố mẹ Trâm và hàng chục phụ huynh quê Nghệ An đã chờ sẵn ở đó, đón con. Vẻ mệt mỏi của những đứa trẻ sau chặng đường dài dường như tan biến trong cái ôm của bố mẹ. Lần gần đây nhất bọn trẻ gặp bố mẹ là đợt Tết nguyên đán vừa rồi, có em thì từ đợt nghỉ hè năm ngoái.

Cuộc ly hương vượt nghìn cây số của những đứa trẻ dịp hè - 2

Ông bà, người thân đưa những đứa trẻ ra xe khách vào Nam thăm bố mẹ (Ảnh: Hà Hạnh).

Chị Phan Thị Thúy (33 tuổi, mẹ của Trâm) phân trần: "Đợt vừa rồi hai vợ chồng tôi không có việc, về quê thì tốn kém quá nhưng mà nhớ con không chịu nổi, đành phải nhờ xe đưa cháu vào. Mẹ ít việc, có thể dành nhiều thời gian để chơi với con, bù đắp tình cảm thiếu thốn nửa năm qua".

Nếu ít việc ở thời điểm này đối với chị Thúy là một điều may mắn, thì với nhiều gia đình công nhân khác, đón con vào cũng chỉ có thể đóng cửa nhốt trong phòng, anh chị em tự chơi với nhau. Cuộc đoàn tụ đúng nghĩa với gia đình họ là khi đêm xuống, bố mẹ trở về sau ngày làm việc...

Cuộc ly hương vượt nghìn cây số của những đứa trẻ dịp hè - 3

3 chị em tại Nghệ An trong khi chờ lên xe để vào miền Nam thăm bố mẹ (Ảnh: Hà Hạnh).

Anh Lầu Bá Cu (trú tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) vào Bình Phước làm công nhân ở một nông trường cao su. Ngày 29/5, người bố này gọi điện cho nhà xe, nhờ đón hai con là Lầu Mến Thương và Lầu Đa Khoa vào. Theo dự kiến, 4 ngày nữa anh sẽ được gặp hai con ở Bình Phước.

"Con được nghỉ hè, bố mẹ thì không về được, mà nhớ chúng nó quá. Thấy nhiều người mua vé ô tô cho con vào nên tôi cũng xin số nhà xe. Gọi cho họ, họ bảo cứ yên tâm, chỉ cần người nhà đưa đến bến xe Mường Xén (huyện Kỳ Sơn), ghi đầy đủ thông tin, địa điểm, cách liên lạc với bố mẹ thì họ sẽ đưa vào tận bến xe, ăn uống của bọn trẻ dọc đường họ cũng lo cho luôn", anh Lầu Bá Cu cho hay.

Sau khi "chốt" với nhà xe, anh Lầu Bá Cu gọi điện về nhà dặn 2 con chuẩn bị quần áo, dặn người thân đưa đến bến xe trước giờ khởi hành. Theo kế hoạch, sáng mai (31/5), 2 đứa trẻ sẽ lên xe, ngày kia, anh Lầu Bá Cu sẽ được gặp con.

Những chuyến ly hương ngày hè

Vợ chồng chị Phan Thị Thúy vào Bình Dương làm công nhân hơn 10 năm nay và sinh 2 đứa con ở trong này. Công việc ca kíp không thể đưa đón con đi học nên anh chị để bé Giản Gia Bảo (11 tuổi) ở lại, còn gửi bé Trâm về quê cho ông bà.

Đối với cô bé Trâm, đây là chuyến đi một mình đầu tiên, nhưng hành trình này không hề xa lạ với anh trai Gia Bảo. Từ 5 năm nay, cứ dịp nghỉ hè, chị Thúy đều gửi con trai về quê theo xe khách quen. Năm nay cậu bé tham gia một giải bóng, không về được, nên em gái phải đi chặng đường ngược lại để vào với bố mẹ và anh.

Cuộc ly hương vượt nghìn cây số của những đứa trẻ dịp hè - 4

Những hành khách đặc biệt được nhà xe phát bánh kẹo, khăn, bàn chải đánh răng trước khi lên xe (Ảnh: Hà Hạnh).

Khi tôi hỏi gửi con đi cả nghìn cây số như thế có lo không, người mẹ không ngần ngại mà trả lời, rằng chị tin tưởng vào nhà xe. Lòng tin này được duy trì suốt 6 năm qua, khi hết con trai đến con gái có mặt trên hành trình Nghệ An - Bình Dương và ngược lại mỗi dịp hè đến.

Chị Hà Thị Hạnh, chủ xe chuyên chạy tuyến Mường Xén - Bến xe Miền Đông cho biết, các cháu học sinh miền núi tại Nghệ An vào miền Nam thăm bố mẹ vào ngày hè không phải là chuyện mới. Có những chuyến xe vào Nam, nhà xe của chị chở tới gần 30 khách là trẻ nhỏ vào thăm bố mẹ.

"Mình nhận chở các cháu vào rồi thì phải lo cho các cháu thôi. Bình thường hai vợ chồng tôi và một lái xe, nhưng dịp này phải thuê thêm 3 người nữa để phụ quản lý, chăm sóc các cháu, nhất là mỗi khi xuống ăn cơm hay vệ sinh hàng ngày. Các cháu nhỏ thì nhà xe lo ăn uống, tắm rửa, các cháu lớn hơn thì có thể tự làm hoặc được nhân viên nhà xe hỗ trợ", chị Hạnh cho hay.

Cuộc ly hương vượt nghìn cây số của những đứa trẻ dịp hè - 5

Không có người lớn đi kèm, việc ăn uống, chăm sóc, quản lý những đứa trẻ này hoàn toàn do nhân viên nhà xe đảm nhận (Ảnh: Hà Hạnh).

Theo chị Hạnh, những chuyến xe chở hành khách đặc biệt này bắt đầu từ khoảng giữa tháng 5, khi một số trường nội trú ở miền núi kết thúc năm học cho đến khoảng giữa tháng 6 hàng năm. Chiều ngược lại, nhà xe sẽ đón các cháu từ các tỉnh phía Nam về để kịp năm học mới, công việc kết thúc trước ngày 5/9.

Chị Hạnh cũng có những hành khách đặc biệt khi suốt 8 năm, đều đặn kỳ nghỉ hè nào cũng bắt xe vào với bố mẹ, hết hè lại lên xe về quê. Các cháu chủ yếu ở huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn..., có bố mẹ đi làm thuê ở các tỉnh phía Nam.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Hồng Lập, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Kỳ Sơn cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin trẻ em ở một số xã trên địa bàn bắt xe vào miền Nam thăm bố mẹ.

Theo ông Lập, việc các cháu di chuyển hàng nghìn cây số mà không có người thân đi cùng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do vậy, Phòng đã có văn bản chấn chỉnh, đề nghị UBND các xã nắm bắt, đồng thời yêu cầu người thân cử người đi cùng và có biện pháp đảm bảo an toàn cho cháu trong quá trình di chuyển.