Công nhân mong gì từ gói vay 20.000 tỷ đồng?

Xuân Hinh

(Dân trí) - Hai công ty tài chính đang phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai gói vay 20.000 tỷ đồng cho công nhân tại các khu công nghiệp với lãi suất bằng 50% thị trường.

Công nhân mong gì từ gói vay 20.000 tỷ đồng? - 1

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Thông tin về những chính sách tín dụng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19 được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng nêu tại hội nghị của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập diễn ra mới đây. 

Theo nữ Thống đốc, thời gian qua, NHNN cũng đã tích cực tham gia các chương trình tái cấp vốn để hỗ trợ cho vay với doanh nghiệp nhằm trả lương, duy trì việc làm, giữ chân người lao động cũng như chương trình cho vay tạo việc làm, đào tạo, hỗ trợ xuất khẩu lao động…

"Tại hội nghị Thủ tướng đối thoại với công nhân tại năm nay, 2 công ty tài chính đã cam kết mỗi công ty giành 10.000 tỷ đồng cho công nhân trong các khu công nghiệp vay tiêu dùng. NHNN đang phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai, nếu làm được sẽ tiến hành nhân rộng hình thức cho vay này", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Chia sẻ về vấn đề trên, đại diện một trong hai công ty tài chính cho biết, sẽ triển khai gói vay ưu đãi 10.000 tỷ đồng cho công nhân trong quý III/2022. Đơn vị này đang cùng Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức khảo sát thực tế ở các cụm khu công nghiệp lớn trên toàn quốc như Bắc Ninh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Nghệ An…. để thiết kế những sản phẩm cho vay với thủ tục đơn giản nhất, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu vay của công nhân, người lao động.

"Người lao động có nhu cầu vay với hạn mức 7 - 10 triệu đồng được áp dụng kỳ hạn 3 - 12 tháng, hạn mức vay từ 10 - 70 triệu sẽ có kỳ hạn từ 6 đến 36 tháng. Lãi suất của gói tín dụng bằng 50% lãi suất thị trường mà các công ty tài chính đang cho vay hiện nay", đại diện công ty tài chính thông tin.

Với dư nợ cho vay tính đến cuối tháng 6/2022 ở mức 75.000 tỷ đồng, đơn vị này khẳng định đã sẵn nguồn tài chính để triển khai gói tín dụng nhằm giúp đẩy lùi nạn "tín dụng đen" với công nhân. Tuy nhiên, để triển khai gói vay thành công và hạn chế rủi ro tín dụng, đơn vị này rất cần sự ủng hộ và hỗ trợ từ Tổng Liên đoàn lao động, đặc biệt là các công đoàn cơ sở nơi mà người lao động làm việc.

Công nhân mong gì từ gói vay 20.000 tỷ đồng? - 2

Nhiều công nhân mong muốn được vay tiền từ các gói vay ưu đãi lãi suất (Ảnh: Xuân Hinh).

Chị Phạm Thị Thu Hồng, công nhân tại khu chế xuất Linh Trung (TP Thủ Đức, TPHCM) cho biết, hậu Covid-19, chị và nhiều công nhân thường xuyên có nhu cầu vay để lo chi phí gia đình. Tuy vậy, nhiều nơi cho vay với thủ tục đơn giản, không yêu cầu tài sản thế chấp thì có lãi suất vay quá cao, đòi nợ như "tra tấn" nên công nhân kinh sợ.

"Tôi rất mong mỏi có một gói vay có lãi suất thấp hoặc không lãi suất để công nhân vay đóng học cho con, trả tiền phòng trọ, lo ăn uống trong gia đình khi tới đợt các khoản chi phí đến dồn dập... Không chỉ tôi, rất nhiều công nhân cũng mong muốn vậy. Tuy nhiên, thủ tục vay cần đơn giản, nên bỏ phần sao kê bảng lương vì công nhân phải nghỉ làm để ra ngân hàng mới có thể in sao kê, rất mất thời gian, tiền bạc", nữ công nhân chia sẻ.

Theo chị này, thời gian qua, nhiều công nhân do "cùng đường" nên phải vay "tín dụng đen" với lãi suất "cắt cổ", dẫn tới mất khả năng chi trả. Khi không thể trả nợ, không chỉ công nhân mà cả lãnh đạo công ty cũng bị "tra tấn" điện thoại cũng như các cách thức khủng bố tinh thần khác, ảnh hưởng lớn đến công việc. Do đó, nếu gói vay 20.000 tỷ càng giải ngân sớm, công nhân càng đỡ khổ.

Cùng tâm tư đó, chị Lê Hồng Như Anh, công nhân may ở TPHCM nói: "Công nhân lúc nào cũng có nhu cầu vay nhưng lại sợ phải vay "tín dụng đen" vì bị gọi điện đòi nợ, "truy nã" suốt ngày, cứ nghe máy là bị chửi, bị dọa nạt, đối tượng đòi nợ khủng bố tới cả công ty".

Theo chị Như Anh, hiện nay, quỹ CEP đang hỗ trợ rất nhiều công nhân vay với lãi suất 0,65%. Tuy vậy, chỉ những công nhân có thâm niên mới có thể tiếp cận nguồn tín dụng khẩn cấp này, những công nhân mới đi làm chưa thể vay. Do đó, nếu gói tín dụng 20.000 tỷ đồng được triển khai, cần hỗ trợ cả những công nhân mới đi làm khi gặp khó khăn.

"Tôi nghĩ hạn mức vay cho công nhân nên áp dụng tới 30 triệu đồng, cho trả góp trong vòng 2 - 3 năm. Thủ tục vay chỉ cần đơn giản, gồm hộ khẩu, CMTND, bảng lương và giải ngân nhanh trong một vài ngày", nữ công nhân nhận định.

Công nhân mong gì từ gói vay 20.000 tỷ đồng? - 3

Nhu cầu vay tiêu dùng của công nhân các KCN, KCX ở TPHCM tăng cao sau đại dịch Covid-19 (Ảnh: Xuân Hinh).

Theo chia sẻ của ông Phạm Văn Hiền, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu vay của công nhân tăng mạnh. Người lao động rất mong có thể tiếp cận các nguồn vay chính thống để đóng tiền học cho con, gởi về quê, mua sắm phương tiện đi lại, trả tiền nhà trọ, lo chi phí cuộc sống...

"Người lao động mong muốn hạn mức vay tối đa 6 lần lương trên hợp đồng, ví dụ lương 6 triệu đồng thì được vay 36 triệu đồng. Mức vay này công nhân có thể dễ dàng cân đối tài chính và phù hợp với khả năng chi trả. Thời gian giải ngân khi công nhân làm hồ sơ vay cũng cần rút gọn lại 2 - 3 ngày" - Phó Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM phân tích.

Ông Hiền cho rằng, một số gói vay với thủ tục phức tạp và thời gian giải ngân 7 ngày sau khi công nhân làm hồ sơ như hiện nay là quá dài, không phù hợp. Đồng thời ông đề xuất, các công ty tài chính cần tính phương án cho vay qua phần mềm (App) để giảm bớt thủ tục. Thời gian giải ngân khi vay qua App có thể giải quyết chỉ trong một ngày.  

Thời gian tới, Công đoàn các KCN, KCX sẽ tiếp tục phối hợp văn phòng công đoàn khu vực hỗ trợ người lao động ngoài giờ làm để đăng ký thủ tục, tư vấn kỹ cho công nhân trước khi quyết định đặt bút ký các hợp đồng vay tiền.