Công nhân mong có chỗ ở an toàn
Mùa mưa bão lại đến, hàng chục ngàn công nhân đang sống trong những dãy trọ ẩm thấp tại TP Đà Nẵng lại mong ước về một căn hộ cao ráo, khang trang để an cư, lạc nghiệp.
Từ tháng 10/2020, dự án nhà ở công nhân (CN) KCN Hòa Cầm (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) giai đoạn 1 do LĐLĐ TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư với 285 căn hộ đã được đưa vào sử dụng, ưu tiên cho CN thuê 100%. Tuy nhiên, đây vẫn là con số rất nhỏ so với nhu cầu thuê nhà ở của CN.
Thấp thỏm
Tuyến đường Âu Cơ (gần KCN Hòa Khánh, quận Liên Chiểu) được xem là "phố nhà trọ" khi tập trung rất nhiều CN thuê trọ tại đây. Anh Đặng Văn Long, CN KCN Hòa Khánh, cho hay mình gắn bó với xóm trọ tại hẻm 134 Âu Cơ đã 10 năm. Suốt thời gian qua, vợ chồng anh Long luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm bởi dãy nhà trọ đã xuống cấp trầm trọng. "Mùa mưa năm ngoái, cả nhà đang nằm ngủ thì nước bên ngoài tràn vào phòng, vợ chồng tôi phải lấy gạch, đá kê các đồ dùng điện tử lên cao để tránh hư hỏng. Trời ráo thì không sao chứ trời mưa thì hết sức khổ sở" - anh Long kể.
Dự án nhà ở công nhân KCN Hòa Cầm (giai đoạn 1; quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) góp phần giải quyết hàng trăm chỗ ở cho công nhân.
Đồng cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Ánh Linh (quê Thanh Hóa, CN tại KCN Hòa Cầm) cho biết suốt 7 năm làm việc tại Đà Nẵng, chị vẫn chưa thể an cư. Căn phòng trọ 15 m2 tại phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ) của chị Linh thuê có giá 900.000 đồng/tháng, khá ẩm thấp và ngột ngạt. Tuy nhiên, chị không còn lựa chọn nào khác khi thu nhập hằng tháng chỉ tròm trèm 7 triệu đồng. Khoản tiền cứng dành cho việc thuê nhà được chị Linh tính toán cẩn thận vì còn phải dành dụm gửi tiền phụ giúp cha mẹ ở quê. Đầu tháng 10-2021, xóm trọ của chị bị kẻ gian đột nhập. Dù không mất nhiều tài sản nhưng vụ việc làm dấy lên nỗi lo đối với những CN nữ như chị Linh. "Mong muốn lớn nhất lúc này là có được chốn ở an toàn với giá cả hợp lý. CN như tôi ai cũng ao ước được dọn đến các khu nhà ở xã hội dành cho CN, có như vậy, tôi mới yên tâm làm việc" - chị Linh chia sẻ.
Đà Nẵng hiện có khoảng 330.000 CN, trong đó, hơn 72.000 người đang làm việc tại các KCN. Lao động ngoại tỉnh chiếm khoảng 45% và hầu hết đang ở nhà thuê. Mong ước của anh Long, chị Linh cũng là nỗi niềm chung của nhiều CN đang sống ở các dãy trọ xuống cấp.
Sẽ xây mới 10.000 căn hộ nhà ở xã hội
Từ năm 2017, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định số 1772 về việc phê duyệt đề án "Phát triển nhà ở CN các KCN trên địa bàn TP đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030". Mục tiêu đến năm 2020, giải quyết nhu cầu nhà ở cho ít nhất 20% số CN tại các KCN và đến năm 2030 sẽ giải quyết cho ít nhất 35% số CN. Hiện TP Đà Nẵng đã có chủ trương xây mới gần 10.000 căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2025.
Theo ông Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch LĐLĐ TP Đà Nẵng, nhu cầu về nhà ở của CN là rất cấp thiết. Qua khảo sát, phần lớn CN phải ở trọ hoặc ở các khu dân cư xuống cấp, đặc biệt không bảo đảm chất lượng, nhu cầu sinh hoạt trong mùa mưa bão. Lãnh đạo TP đã có chủ trương thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây căn hộ và nhà ở xã hội để bán cho CN. Tuy nhiên, với thu nhập hiện tại thì số đông CN rất khó tiếp cận.
Thảo luận về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 tại kỳ họp Quốc hội lần này, đã có một số ý kiến đề xuất nghiên cứu sử dụng tiền lãi đầu tư của Quỹ BHXH để đầu tư xây nhà ở xã hội cho CN. Theo tính toán của ông Minh và nhiều đại biểu Quốc hội là cán bộ Công đoàn, việc sử dụng tiền lãi của Quỹ BHXH đầu tư sẽ không làm giảm số dư tích lũy của quỹ.
"Trước nhu cầu lớn về nhà ở của CN ở nhiều địa phương có KCN thì đề xuất sử dụng nguồn tiền lãi đầu tư của Quỹ BHXH để đầu tư nhà ở xã hội là hợp lý. Đề xuất này nếu được thông qua cũng sẽ giảm áp lực chi tiêu ngân sách nhà nước" - ông Nguyễn Duy Minh bày tỏ.