Thanh Hóa:
Công nhân mắc Covid-19 thở phào nhận tiền bảo hiểm
(Dân trí) - Trong thời điểm vô cùng khó khăn vì dịch bệnh, chật vật vì "bão giá", nhiều công nhân mắc Covid-19 cảm thấy đỡ được gánh nặng vì sau đợt điều trị đã được nhận tiền bảo hiểm.
"Nhận một đồng, bớt một nỗi lo"
Bị mắc Covid-19 vào cuối năm 2021, chị Lê Thị Phương (xã Đông Yên, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), công nhân một công ty may đóng trên địa bàn huyện Đông Sơn phải đến bệnh viện điều trị 10 ngày. Ngoài ra, chị còn phải cách ly tập trung thêm 14 ngày. Thời điểm đó, toàn bộ 12 người trong gia đình chị Phương thuộc diện F1, cũng phải cách ly tại nhà. Mọi người trong gia đình đều không có nguồn thu nhập, bản thân chị còn mất chi phí điều trị, ăn ở tại khu cách ly, rất tốn kém.
"Ông bà nội và chồng tôi đều là lao động tự do nên khi nghỉ làm thật sự rất khó khăn. Lúc đó, tôi phải vay mượn để trang trải cuộc sống, đến giờ vẫn còn chật vật chưa trả hết khoản nợ do giá cả cái gì cũng tăng. Cách đây một tuần, tôi nhận được hơn 2 triệu đồng bảo hiểm thanh toán, thật sự rất mừng. Số tiền này đã giúp tôi giải quyết một số khoản chi phí trang trải cuộc sống", chị Phương chia sẻ.
Cũng giống như chị Phương, chị Trần Thị Hiên (xã Đông Thanh) mắc Covid-19 và phải nghỉ việc, cách ly tại nhà. Bản thân chị cũng phải nhập viện điều trị hơn 10 ngày.
Chị Hiên cho biết, chị phải mua thêm thuốc ngoài, hết hơn 1 triệu đồng. Sau thời gian điều trị Covid-19, chị Hiên đi làm trở lại và đã được công ty tuyên truyền về quyền lợi Bảo hiểm xã hội dành cho công nhân là F0. Chị Hiên làm hồ sơ và được thanh toán số tiền hơn 1,5 triệu đồng.
"Công nhân chúng tôi nếu tăng ca, làm đủ ngày, thu nhập cũng chỉ được hơn 5 triệu đồng/tháng. Ai cũng mong có khoản tiền bù lại cho những ngày ốm nghỉ nên khi thấy tiền về mừng lắm. Khoản tiền tôi nhận được đỡ hẳn tiền viện phí", chị Hiên nói.
Theo chị Nguyễn Thị Quỳnh, nhân viên Phòng nhân sự, phụ trách mảng bảo hiểm xã hội, Công ty may Phú Anh (huyện Đông Sơn), hiện nay, bộ phận văn phòng của công ty đang tập hợp tất cả hồ sơ của công nhân nghỉ ốm do Covid-19 chuyển đến Bảo hiểm xã hội huyện Đông Sơn để giải quyết quyền lợi cho người lao động. Đến nay, đã có 54 hồ sơ được nhận tiền trợ cấp đợt 1; 277 hồ sơ đang trong quá trình chi trả đợt 2 và hơn 300 hồ sơ chuẩn bị chuyển lên cơ quan bảo hiểm để thanh toán đợt 3.
"Giá cả, mọi dịch vụ, chi phí đều tăng trong khi đồng lương không cao, khi bị Covid-19, cuộc sống của người lao động vô cùng khó khăn nên nhận được một đồng là bớt đi một nỗi lo. Không những vậy, số tiền bảo hiểm còn là sự động viên, khích lệ, giúp người lao động vững tâm vượt qua thời điểm khó khăn để tiếp tục cống hiến, lao động sản xuất", chị Quỳnh nhận định.
Đã chi gần 13 tỷ đồng cho người lao động
Báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa, đến giữa tháng 3/2022, đơn vị đã tổ chức chi trả chế độ bảo hiểm cho khoảng 10.580 lượt công nhân lao động phải nghỉ việc do mắc Covid-19, với số tiền gần 13 tỷ đồng.
Ông Trần Đại Nghĩa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Đông Sơn cho biết, là một trong những địa phương có khoảng 5.200 công nhân, đơn vị đang nỗ lực, kịp thời giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đúng hạn cho người lao động nghỉ việc do Covid-19. Đến nay, cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện đã tiếp nhận hàng trăm hồ sơ từ cơ sở gửi lên và sẽ cố gắng giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
"Ngành cũng đang phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có đông công nhân lao động, tăng cường công tác tuyên truyền, rà soát, hướng dẫn để người lao động biết đến chính sách của Đảng, Nhà nước, kịp thời hoàn tất hồ sơ để hưởng quyền lợi…", ông Nghĩa cho biết thêm.
Theo bà Đỗ Thị Dung, Trưởng Phòng chế độ bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Thanh Hóa, hiện nay một số đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh nộp hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ ốm đau cho người lao động nghỉ việc điều trị Covid-19 tại các cơ sở y tế tập trung hoặc nghỉ cách ly, điều trị tại nhà nhưng giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm xã hội đối với người lao động điều trị Covid-19 không đúng quy định.
Cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chỉ định cho người bệnh điều trị ngoại trú quá dài ngày cho một lần khám bệnh, chữa bệnh hoặc chưa cập nhật dữ liệu khám bệnh, chữa bệnh lên cổng tiếp nhận dữ liệu và hệ thống thông tin giám định bảo hiểm y tế của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Trước tình trạng trên, Bảo hiểm xã hội tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi đến các đơn vị bảo hiểm huyện, thành phố hướng dẫn các đơn vị làm đúng quy định để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Cũng theo bà Dung, những hồ sơ làm đúng, đủ, người lao động sẽ nhận được hỗ trợ trong vòng 6 ngày.